Kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển BRICS còn xa vời
Trong hai ngày 26-27/3/2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ năm của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã diễn ra tại thành phố Durban, cộng hòa Nam Phi. Với tên gọi “BRICS và châu Phi: Cùng nhau phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa,” Hội nghị đã mời các nguyên thủ của 15 nước châu Phi tới tham dự với tư cách là quan sát viên, một tín hiệu cho thấy châu Phi là điểm đến ngày càng quan trọng đối với đầu tư của các nước BRICS.
Trong số các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự, Hội nghị tập trung thảo luận các bước thành lập ngân hàng phát triển chung, vốn được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh năm 2012 tại New Delhi, Ấn Độ. Hội nghị cũng thảo luận kế hoạch tập trung dự trữ ngoại hối để phòng tránh khủng hoảng tiền tệ, một phần trong nỗ lực của BRICS để xây dựng các định chế tài chính và diễn đàn có thể thay thế vị thế áp đảo của các định chế phương Tây.
Theo kế hoạch, hoạt động của ngân hàng phát triển chung này tập trung vào việc cung cấp tài chính cho các dự án phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thành viên, một lĩnh vực xưa nay chủ yếu do WB (Ngân hàng Thế giới) tài trợ.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhóm 5 này không thể thống nhất được những vấn đề cơ bản để ngân hàng chung này có thể hoạt động theo hướng xây dựng các nền kinh tế thành viên. Đó là, bất đồng về mức độ vốn hóa, tỉ lệ vốn góp của từng nước thành viên và địa điểm đặt trụ sở, mục tiêu và phương thức thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Đây là những vấn đề sẽ tiếp tục được thảo luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại St. Petersburg, Cộng hòa Liên bang Nga vào tháng 9 tới. Theo tờ The Hindu (Ấn Độ) ngày 25/3, ngân hàng phát triển chung của BRICS dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2015.
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất và mang tính dài hạn vẫn là sự khác biệt về thực tế kinh tế và quản lý nhà nước. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2009 tại Cộng hòa Liên bang Nga, các nước thành viên chưa có mấy kết quả, và còn nhiều bất đồng, thậm chí mâu thuẫn nhau, chứ không phải là đồng minh trong nền kinh tế toàn cầu. Nói ngắn gọn, đây là các nền kinh tế khác nhau rất lớn, mục tiêu chính sách ngoại giao khác nhau và mô hình chính phủ khác nhau.
Có thể dễ nhận thấy, Trung Quốc là ngôi sao và chi phối Hội nghị, nhưng hầu như không có điểm chung nào với các nước thành viên còn lại. Nổi bật là sự khác biệt về ngôn ngữ với các nước láng giềng, mâu thuẫn biên giới với Ấn Độ và Cộng hòa Liên bang Nga, trao đổi thương mại với Cộng hòa Liên bang Nga vẫn chỉ được thúc đẩy với hai mặt hàng truyền thống là dầu mỏ và khí đốt.
Trong quan hệ thương mại với Brazil, Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, chủ yếu là hàng điện tử và máy móc trang thiết bị; nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu là quặng sắt, dầu thô và đậu tương. Cam kết của châu Phi đối với Trung Quốc là cung cấp nguyên liệu thô, một số sản phẩm và chuyển giao công nghệ, đây là mô hình thương mại không bền vững trong dài hạn.
Trên thực tế, các nước BRICS rất khó đầu tư lẫn nhau, mà ưu tiên đầu tư vào các nước láng giềng và các nước phát triển hàng đầu thế giới. Chỉ có 2,5% vốn đầu tư vào nội khối, trong khi trên 40% được đầu tư vào các nền kinh tế lớn, bao gồm EU, Mỹ và Nhật Bản. Ngân hàng Phát triển Brazil (BNDES) có danh mục cho vay lớn hơn cả WB, hoạt động chính của BNDES là hỗ trợ các dự án tại Mỹ Latin.
Năm 2010, BNDES đã giải ngân 168,4 tỉ real (84 tỉ USD), trong khi WB chỉ giải ngân 44,2 tỉ USD. Tại châu Phi, nơi có một số nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng cũng chỉ thu hút dưới 5% đầu tư từ các nước BRICS, thấp hơn nhiều so với lượng vốn đầu tư của Mỹ và Pháp vào châu lục này.
Nhiều chuyên gia phân tích nghi ngờ và cho rằng, việc Cộng hòa Nam Phi gia nhập BRICS là do kinh tế của quốc gia này quá nhỏ so với 4 nước thành viên còn lại, xếp thứ 28 trên thế giới, và tăng trưởng yếu ớt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kinh tế Nam Phi tăng chậm là hiện tượng bình thường chứ không phải ngoại lệ, cũng như nhiều nước phát triển khác. Hy vọng tăng trưởng 2 con số của Ấn Độ cũng tàn lụi dần, kinh tế Brazil vốn đã tăng nhanh và hàng triệu người thoát nghèo nhưng cũng đang suy giảm nhanh, đà tăng của kinh tế Trung Quốc cũng chậm dần.
Theo thống kê, dân số các nước BRICS chiếm 42% dân số thế giới, 25% GDP toàn cầu và 15% kim ngạch thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên vẫn nghèo nàn, chủ yếu là mua bán dầu mỏ và khí đốt, khai thác tài nguyên, liên minh này đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi, liệu các nước thành viên có chung mục đích để hoạt động hiệu quả và trở thành đối trọng với phương Tây, và sự xuất hiện của ngân hàng này có thật sự cần thiết và mang lại hiệu quả thiết thực cho các nền kinh tế thành viên.