Kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu trong các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam


Khủng hoảng kinh tế và cạnh tranh toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường sản xuất kinh doanh của tất cả các DN, trong đó có DN Việt Nam. Các DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên vật liệu, năng lượng đầu vào không ngừng gia tăng, trong khi thành phẩm hàng hóa bán ra luôn bị cạnh tranh dữ dội. Ngoài ra, các DN cũng đang chịu áp lực lớn về các quy định về quản lý môi trường, tiết kiệm sử dụng tài nguyên… Kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu là phương pháp hiệu quả giúp các nhà quản trị quản lý tốt chi phí. Bài viết tìm hiểu về phương pháp kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu và phương hướng vận dụng trong các DN thủy sản Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Ngành Thủy sản hiện là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, các DN thuỷ sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân không chỉ về mặt giá trị kinh tế mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Thuỷ sản là ngành có tính cạnh tranh cao. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, mẫu mã và các biện pháp marketing, các kênh phân phối nên các DN thuỷ sản Việt Nam cần phải sử dụng các công cụ quản trị hiệu quả, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó, vận dụng kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu là nội dung quan trọng, giúp các DN quản lý tốt chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Giới thiệu về mô hình quản lý chi phí dòng nguyên vật liệu

Kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu (MFCA) là một trong các phương pháp quản lý môi trường của kế toán quản trị môi trường. Mô hình MFCA được viết tắt từ “Material Flow Cost Accounting” trong tiếng Anh có nghĩa là “Quản lý chi phí dòng vật liệu”. Đây là phương pháp quản lý và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu được giới thiệu từ những năm 1990 tại Đức và hiện đang được áp dụng rộng rãi tại các công ty của Nhật Bản. Phương pháp MFCA đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO ban hành thành tiêu chuẩn 14051:2011. Phương pháp này ngày càng giữ vai trò quan trọng và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng DN…

Theo phương pháp này, chất thải cũng được coi là một chi phí, đó là chi phí hao tổn. Để tính toán, MFCA gộp tất cả các thông tin về chi phí, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí quá trình, chi phí năng lượng, chi phí xử lý chất thải và các chi phí khác vào dữ liệu về khối lượng trên cơ sở dòng nguyên vật liệu. Nhờ đó, chúng ta biết được dòng của mỗi nguyên vật liệu trong suốt quá trình và bổ sung khối lượng, thông tin chi phí vào dòng đó.

Như vậy, bằng phương pháp MFCA, một DN có thể phân tích tổn thất kinh tế (chi phí tổn thất) do tổn thất nguyên vật liệu không và những tổn thất liên quan đến tổng chi phí sản xuất bao gồm chi phí liên quan quá trình, năng lượng, xử lý chất thải và các chi phí khác. MFCA coi tất cả các nguyên vật liệu mà không chuyển thành sản phẩm là tổn thất. Lượng của chúng được xác định là chi phí không đưa vào sản phẩm và chi phí của chúng được ghi lại như là chi phí phế phẩm.

Để tính toán như trên, tất cả các chi phí sản xuất được chia thành 4 nhóm sau:

- MC: Các chi phí nguyên vật liệu (chi phí nguyên vật liệu bao gồm nguyên vật liệu chính đưa vào quá trình đầu tiên, nguyên vật liệu phụ đưa vào các quá trình trung gian và nguyên vật liệu phụ trợ như là bột giặt, dung môi hay chất xúc tác).

- SC: Các chi phí hệ thống (chi phí quá trình bao gồm chi phí lao động, chi phí do mất giá, chi phí tính trên đầu người...).

- EC: Các chi phí năng lượng (chi phí cho điện, xăng dầu, các yếu tố bổ trợ và năng lượng khác);

- Các chi phí xử lý chất thải.

Trong MFCA, năng lượng được xem như một phần của chi phí dòng chảy nguyên vật liệu. Chỉ tiêu này nhằm mục đích cung cấp một công cụ để sử dụng; một quan điểm kế toán tích hợp nhằm giúp giảm thiểu tác động môi trường và chi phí tài chính.

Để thực hiện được MFCA, các DN cần triển khai thực hiện các bước sau:

Bước 1: Cán bộ cấp quản lý có nhiệm vụ khác nhau như: dẫn dắt thực hiện, cung cấp nguồn lực, xây dựng theo dõi, xem xét kết quả, đưa ra quyết định dựa trên kết quả MFCA.

Bước 2: Theo mỗi bản chất của MFCA, cần có một cách tiếp cận đa ngành. Một danh sách đầy đủ những kiến thức và kỹ năng là: kỹ năng về thiết kế, mua sắm và sản xuất, kiến thức kỹ thuật về quy trình, kiểm soát chất lượng, chuyên môn về môi trường...

Bước 3: Việc cần thiết trước khi bắt đầu là phải xác định rõ phạm vi, ranh giới nghiên cứu và thời gian.

Bước 4: Xác định các chi phí trung tâm.

Bước 5: Xác định mỗi đầu vào và đầu ra của tất cả các chi phí trung tâm.

Bước 6: Định lượng dòng chảy các nguyên vật liệu trong điều kiện vật chất và tiền tệ (cả hai).

Bước 7: Tóm tắt kết quả MFCA và xác định các lĩnh vực cần cải thiện để giảm thiểu chất thải và sự lãng phí.

Vai trò mô hình quản lý chi phí dòng nguyên vật liệu

MFCA nhấn mạnh các chi phí xử lý chất thải và sự không hiệu quả của các quá trình, giai đoạn sản xuất kinh doanh và do đó làm cho dễ dàng hơn để xác định điểm cần cải tiến, nâng cấp nhằm giảm bớt một số tác động môi trường. MFCA không chỉ tiết kiệm chi phí vật liệu sử dụng mà còn giảm chi phí xử lý chất thải và chi phí phòng ngừa ô nhiễm, từ đó giúp nhà quản trị có chính sách để giảm được tác động môi trường do lượng chất thải tạo ra ít hơn.

Khi chất thải được giảm, thì tiêu thụ nguồn lực khác cũng giảm tương ứng, bằng cách này sẽ cho phép tổ chức có trách nhiệm với môi trường hơn và tạo ra tác động môi trường ít hơn.

Về mặt công tác kế toán, MFCA giúp nâng cao sự kết nối giữa bộ phận kế toán, bộ phận quản lý môi trường và bộ phận sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán nhờ sự phát triển của cấu trúc dữ liệu theo định hướng dòng vật liệu. Bộ phận kế toán nhờ đó cũng có trách nhiệm hơn trong cung cấp thông tin kế toán.

Việc áp dụng MFCA giúp DN cải tiến hiệu quả sản xuất thông qua đầu tư chính xác vì MFCA giúp phân tích hợp lý và chính xác những điểm cần đầu tư; Giảm giá thành sản xuất thông qua thay đổi thiết kế sản phẩm, định mức nguyên vật liệu; Lập kế hoạch, đặt mục tiêu cụ thể cho việc cải tiến tại phân xưởng, nhà máy (kiểm tra chất lượng, ISO, bảo trì máy móc…), ứng dụng trong chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích cho xã hội.

Thực trạng vận dụng trong các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tuy nhiên ngành nghề này cũng đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường nhất là việc lạm dụng các hóa chất trong cải tạo xử lý ao đầm và phát thải trong xử lý tôm cá khi phát sinh dịch bệnh… Nhiều công ty đã vi phạm các quy định môi trường và đổ nước thải vào sông ngòi và môi trường xung quanh mà không chịu sự chi phối của pháp luật môi trường. Trong đó, có khoảng 70% ngành chế biến hải sản các công ty được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Chế biến hải sản công nghiệp đang xử lý một lượng lớn chất thải vào môi trường. Sản phẩm thủy sản có đặc điểm là đa dạng, chu kỳ sản xuất ngắn. Cùng một quá trình sản xuất, cùng loại nguyên vật liệu có thể cho ra rất nhiều loại sản phẩm có kích cỡ khác nhau, chủ yếu là cá, tôm, mực…

Theo Viện nghiên cứu thủy sản Việt Nam, để sản xuất 1 tấn sản phẩm các công ty xử lý 0,75 tấn chất thải cho tôm và 0,8 tấn chất thải cho phi lê. Những lượng này không bao gồm nước thải và khí thải. Có thể thấy thủy sản là ngành công nghiệp chế biến đã gây ra suy thoái môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam. Do đó, cần có những biện pháp để khắc phục những tác động môi trường này tại Việt Nam.

MFCA đã bắt đầu được các tổ chức, DN tại Việt Nam nghiên cứu từ năm 2010 nhưng đến nay mô hình này vẫn chưa thực sự được áp dụng một cách rộng rãi, hầu hết các DN thủy sản áp dụng phương pháp truyền thống để quản lý sản xuất, không tính tới giá trị nguyên vật liệu nằm trong chất thải của quá trình sản xuất. Nguyên nhân của việc chưa vận dụng kế toán dòng chi phí nguyên vật liệu đó là:

- Các nhà quản trị DN vẫn chưa nắm vững được bản chất của MFCA nên chưa thực sự nhận thấy rõ vai trò của MFCA trong việc kiểm soát được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

- Các chi phí môi trường phát sinh nằm trong các chi phí như chi phí sản xuất, chi phí quản lý DN… của DN, điều này gây khó khăn cho việc xác định các chi phí nằm trong chất thải của quá trình sản xuất khi áp dụng MFCA vì hệ thống sổ sách báo cáo kế toán hiện nay chưa theo dõi, phản ánh riêng biệt.

- Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản, tài liệu cụ thể nhằm hướng dẫn nội dung thực hiện MFCA tới các DN.

- Đa số các DN hiện này chưa xây dựng được hệ thống định mức chi phí chính xác, đầy đủ đặc biệt là định mức chi phí môi trường như chi phí xử lý chất thải.

Giải pháp nâng cao khả năng vận dụng MFCA vào các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Để nâng cao khả năng vận dụng phương pháp MFCA, cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, tìm hiểu thêm về việc áp dụng MFCA

Các nhà quản trị DN nên tìm hiểu thêm các tài liệu về việc áp dụng MFCA của các DN cùng ngành trên thế giới; bên cạnh đó nắm vững đặc điểm quy trình sản xuất công nghệ từ yếu tố đâu vào, sản phẩm đầu ra, quy trình sản xuất, tỷ lệ tổn thất nguyên vật liệu…

Thứ hai, nâng cao nhận thức về phương pháp MFCA

DN cần hỗ trợ nhân viên tham gia các khóa học liên quan đến MFCA để nâng cao nhận thức và hiểu biết về phương pháp này, nhằm lựa chọn nhân sự tham gia nhóm triển khai MFCA trong DN.

Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể

Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể hướng dẫn việc áp dụng MFCA trong các loại hình DN, các văn bản, tài liệu này nên được xây dựng dựa trên các tài liệu hướng dẫn quốc tế của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) ban hành nhằm hướng dẫn các phần hành kế toán quản trị môi trường, phương thức lập báo cáo kế toán môi trường; tham khảo các tài liệu của các quốc gia đã thành công trong việc áp dụng MFCA như: Nhật Bản, Đức, Mỹ…

Thứ tư, xây dựng hệ thống định mức chi phí

Kế toán chi phí truyền thống cũng ghi nhận các tổn thất về nguyên vật liệu, chi phí xử lý chất thải nhưng không tách ra mà tích hợp vào trong tổng chi phí sản xuất; kế toán chi phí thông thường không đòi hỏi phải xác định xem liệu nguyên vật liệu có được biến đổi thành sản phẩm, hoặc chất thải trong khi MFCA chú trọng vào vấn đề này. Vì vậy, để kiểm soát tốt chi phí DN cần sử dụng các phương pháp để tính toán, xác định chi phí xử lý chất thải như xác định các chi phí nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí nhân viên, chi phí khác để xử lý từng loại chất chải ra môi trường sau quá trình sản xuất. Các DN cần nghiên cứu sâu hơn về kế toán môi trường, phân loại phù hợp chi phí môi trường và theo dõi riêng biệt các chi phí này trên sổ sách kế toán, báo cáo kế toán, đây sẽ là căn cứ cho việc tập hợp và phân bổ chi phí trong MFCA.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Hương Liên (2015), Kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu - nghiên cứu điển hình tại doanh nghiệp Nhật Bản và điều kiện áp dụng cho Việt Nam;
  2. Lê Thị Tâm, Phương pháp kế toán chi phí dòng vật liệu trong doanh nghiệp sản xuất, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán;
  3. Phan Thị Thu Hiền, Vận dụng kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu trong doanh nghiệp sản xuất;
    Nguyễn Hoàn, Th.S Đào Thị Thanh Thúy, Nghiên cứu quy trình vận dụng kế toán chi phí dòng nguyên vật liệu tại các doanh nghiệp Nhật Bản;
  4. JMETI (2010), ‘Environmental Management Accounting: MFCA Case Examples’; Japanese Ministry of Economy, Trade and Industry, March, 2010.

* ThS. Lê Thị Huyền Trâm, Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022