"Kết hôn" công ty chứng khoán: Khẳng định hướng đi và giải pháp đúng đắn
(Tài chính) Sau MBS và VIT, VIS và OCS đã chính thức được hợp nhất trên thị trường chứng khoán. Cuộc “hôn nhân” thứ 2 trên thị trường được diễn ra suôn sẻ tiếp tục là minh chứng cho định hướng và giải pháp của cơ quan quản lý trong công tác tái cấu trúc hệ thống công ty chứng khoán (CTCK).
Phức tạp... nhưng quyết tâm “làm lại” sẽ thành công
Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn nhất trong việc hợp nhất hay sáp nhập chính là các công ty trong cuộc phải thực sự minh bạch về mặt tài chính.
Thực tế của cuộc "hôn nhân" thứ 2 trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy, quá trình đàm phán và thực hiện hợp nhất kéo dài trong suốt 10 tháng, với rất nhiều vấn đề phải giải quyết, tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực và quyết tâm “làm lại”, chịu “thua thiệt”, việc hợp nhất CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) và CTCK Đại Tây Dương (OCS) đã chính thức thành công.
Phát biểu tại buổi lễ nhận giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK hợp nhất – CtyCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, ông Ninh Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, công ty hợp nhất chỉ còn vốn điều lệ 60 tỷ đồng, dù trước đó hai công ty cũ có tổng vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tài sản của công ty hợp nhất phản ánh rất sát với giá trị thực tế. Trên cơ sở đó, các cổ đông kỳ vọng công ty hợp nhất sẽ có đầy đủ cơ sở để phát triển lành mạnh, hoạt động hiệu quả.
"Công ty hợp nhất sẽ có điều kiện kinh doanh tốt hơn, có khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay, nâng cao uy tín của công ty đối với các nhà đầu tư, các đối tác. Việc tăng vốn hoặc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước sau khi hợp nhất sẽ được thực hiện dễ dàng hơn. Công ty hợp nhất cũng đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của Nhà nước khi mà tiêu chí đánh giá, xếp hạng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày càng khắt khe hơn", ông Hải cho hay.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán diễn ra gần 3 năm gần đây nhưng chúng tôi thấy đây là quá trình rất khó khăn bởi vì khác với hệ thống tài chính khác chúng ta không có sự hỗ trợ vốn của nhà nước. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa triển khai. Việc hợp nhất 2 CTCK không phải là phép cộng mà mục tiêu quan trọng là làm sao các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải hoạt động tốt hơn về chất lượng, quản trị an toàn tài chính, quản trị rủi ro và hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Cao Thanh Định, Tổng giám đốc CTCK VISecurities cũng chia sẻ bên lề buổi lễ, quá trình hoạt động riêng rẽ của các công ty đều có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, sau khi tái cấu trúc sơ bộ theo hướng hợp nhất thì đã cho kết quả khả quan. Tính từ thời điểm 30/11/2013, thời điểm chốt sổ để thực hiện hợp nhất, đến nay, công ty sau hợp nhất đã có hiệu quả rõ rệt. Doanh thu, lợi nhuận cải thiện. Định hướng phát triển của công ty sau hợp nhất sẽ là tiếp tục khai thác thế mạnh của 2 công ty chứng khoán cũ, tập trung phát triển vào phần dịch vụ như: môi giới, tư vấn và dịch vụ ngân hàng đầu tư.
“Mỗi thương vụ hợp nhất đều có đặc thù riêng. Và với chúng tôi, khi thực hiện theo nguyên tắc: vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ thương vụ đầu tiên, cùng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý và các cổ đông, sau gần 10 tháng đã có thành công như ngày hôm nay", ông Định cho biết thêm.
Khẳng định tái cấu trúc đang đi đúng hướng
Chủ tịch Vũ Bằng cho biết, trong thời gian qua, UBCKNN đã và đang triển khai quyết liệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo đúng kế hoạch và lộ trình đã đề ra, một số mục tiêu đã hoàn thành trước kế hoạch. Hoạt động tái cấu trúc các CTCK cũng đã đạt được những kết quả khả quan, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Trong vấn đề tái cấu trúc CTCK thì hoạt động sáp nhập, hợp nhất được UBCKNN khuyến khích thực hiện nhằm củng cố lại nội lực, tăng cường năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán theo hướng phát triển ổn định, bền vững và không ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư và không gây xáo trộn đối với thị trường.
Theo số liệu đánh giá đến thời điểm hiện nay, số lượng công ty chứng khoán đã giảm khoảng 20% từ con số 105 công ty. Có thể một số công ty còn tên, nhưng về bản chất hoạt động thì không còn.
Còn về mặt chất lượng cũng có sự thay đổi rất tích cực. Theo báo cáo tài chính bán niên năm nay, đã có 60 CTCK có lãi trên tổng số 84 CTCK đang hoạt động bình thường. Chỉ tiêu an toàn tài chính đã được tăng cường, với việc số CTCK đạt chỉ tiêu an toàn tài chính từ 180% trở lên tăng trên 10% so với thời điểm năm 2011- thời điểm đẩy mạnh việc tái cấu trúc CTCK. Đồng thời, vốn chủ sở hữu cũng đã tăng với tốc độ khá tốt; so với thời điểm trước khi tiến hành tái cấu trúc, chỉ số ROE, ROA tăng 1,5 lần.
Thêm vào đó, chỉ tiêu khả năng thanh toán cũng tăng trưởng tốt: nếu như năm 2011, chỉ tiêu thanh toán đạt 1,7 thì đến nay, con số này đạt 2,1. Ngoài ra, cấu trúc tài sản ngắn hạn của các công ty chứng khoán hiện nay đang ở mức độ tương đối tốt, cấu trúc này đã tốt hơn rất nhiều so với trước khi tiến hành công tác tái cấu trúc.
“Đây là kết quả hết sức tích cực, góp phần lành mạnh thị trường chứng khoán, chuẩn bị cơ sở để đón bắt những cơ hội để chúng ta tiếp tục thúc đẩy thị trường theo chiều sâu”, ông Vũ Bằng cho hay.