Kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu
(Tài chính) Tại buổi họp báo công bố Báo cáo triển vọng châu Á năm 2015, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, các chính sách đúng hướng hiện nay sẽ giúp nền kinh tế nước ta có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Trong trung hạn, Việt Nam có động lực mới cho thương mại và thu hút vốn đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do mới và sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của nước ta sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016. Tốc độ tăng trưởng này có động lực chính từ vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, FDI mới cam kết đã tăng lên 15,6 tỷ USD trong năm 2014, trong khi thêm 4,6 tỷ USD được cam kết cho các dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Ngoài ra, tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, sẽ tạo động lực cho xuất khẩu. Xuất khẩu sản xuất chế tác sẽ tiếp tục gia tăng, do 76% số vốn FDI giải ngân trong năm ngoái đều hướng vào hoạt động này.
ADB cũng cho rằng, lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. Cụ thể, tinh thần và lòng tin của nhà đầu tư đã được cải thiện do các cơ quan xếp hạng quốc tế đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam. Các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng hơn và cam kết sẽ mạnh dạn đẩy vốn vào thị trường nước ta trong thời gian tới. Trong trung hạn, ADB nhận định, nước ta đang có động lực mới cho thương mại và thu hút đầu tư do việc thực hiện hay ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, cũng như lộ trình hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015. Kế hoạch dỡ bỏ dần hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với bất động sản, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng đã khiến nhà đầu tư nước ngoài có hứng thú hơn với thị trường Việt Nam.
Đánh giá triển vọng trong dài hạn, chuyên gia ADB nhận định, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, một yếu tố được nhiều chuyên gia của ADB nhấn mạnh là phần đóng góp vào chuỗi sản xuất toàn cầu của nước ta vẫn chỉ dừng lại ở lao động kỹ năng thấp. Chi phí nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu hiện chiếm khoảng 90% giá trị xuất khẩu của các sản phẩm chế tác trong nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn thiếu năng lực tham gia chuỗi sản xuất. Hiện chỉ có 36% doanh nghiệp trong nước hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này ởã Malaysia và Thái Lan lên đến gần 60%. Và chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Vì thế, theo chuyên gia của ADB, nhân tố chính tạo ra sự thịnh vượng cho kinh tế nước ta trong thời gian tới là đưa doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài, tiếp cận với thị trường thế giới, từ đó tạo lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia lưu ý, Quốc hội cần ban hành Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ để khắc phục tình trạng chính sách cho loại hình doanh nghiệp này còn manh mún, hiệu quả thực hiện chưa cao. Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tham vấn khu vực tư nhân để nắm bắt sát nhất những nhân tố đang cản trở doanh nghiệp trong nước kết nối với mạng lưới sản xuất thế giới.
Đại diện Cơ quan thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng ADB nhấn mạnh, Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế cao hơn nhưng không có nghĩa Chính phủ có thể an tâm rút chân mình ra khỏi chân ga, mà cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tương tự, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016 đã thể hiện quyết tâm đổi mới thể chế. Nhưng theo ADB, đây mới là cam kết, cần nhất là các chính sách cụ thể cho từng ngành, từng loại hình kinh doanh để mang lại tác động thiết thực cho doanh nghiệp.