Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 tạo đà cho tăng trưởng cao hơn
(Tài chính) Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái toàn cầu, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và các địa phương, kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 tăng trưởng ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Mục tiêu tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Một số chỉ tiêu chủ yếu được xác định là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02-01-2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Nghị quyết số 01/NQ-CP xác định một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện ba đột phát chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân;… Tiếp đó, căn cứ yêu cầu thực tiễn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành các biện pháp chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2013, các lĩnh vực xã hội ổn định, đời sống người dân được đảm bảo, có phần được cải thiện.
Tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013. Đây là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, cơ sở của tăng trưởng cao hơn cho năm 2015 và các năm tiếp theo. Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.
Tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu kế hoạch càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phát triển theo hướng đẩy nhanh tăng trưởng nhưng có nhiều yếu tố rủi ro trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ; nhiều nền kinh tế mới nổi gặp trở ngại từ việc thực hiện chính sách thắt chặt để giảm áp lực tiền tệ; khu vực đồng EURO bị ảnh hưởng mạnh bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các nước trong khu vực do tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia. Ở trong nước, sản xuất kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm; năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp còn chưa cao...
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38% (tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31%; 43,31%).
Sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp
Đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế - xã hội là khu vực sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp là một trong những tín hiệu tốt về tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong thời gian tới, nhất là thời điểm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP,… đã đến gần.
Sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2014 ước tính tăng 7,6% so với năm 2013 (năm 2013 tăng 5,9%) với xu hướng tăng nhanh đều vào các quý cuối năm (quý I tăng 5,3%, quý II: 6,9%, quý III: 7,8%, quý IV: ước tính tăng 10,1%). Trong mức tăng chung cả năm 2014 của toàn ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 2,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,7%, cao hơn mức tăng 7,3% của năm 2013, đóng góp 6,2 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 12,1%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Nét tích cực của tăng trưởng sản xuất công nghiệp còn thấy rõ nếu phân tích theo công dụng của sản phẩm công nghiệp. Chỉ số sản xuất của sản phẩm dùng cho quá trình sản xuất tiếp theo tăng 7,8% so với năm trước; sản phẩm cho tích lũy và tiêu dùng cuối cùng tăng 7,4%; sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 9,6% (công cụ sản xuất tăng cao ở mức 22,9%; nguyên vật liệu xây dựng tăng 7%); sản phẩm tiêu dùng của dân cư tăng 6,5%. Nghĩa là sản xuất công cụ, sản phẩm phục vụ cho phát triển sản xuất tiếp theo tăng trưởng cao hơn sản xuất sản phẩm tiêu dùng và tích lũy. Điều này thể hiện đà tăng trưởng và mở rộng của sản xuất công nghiệp.
Tín hiệu tích cực của ngành sản xuất công nghiệp còn được thể hiện qua việc cải thiện chỉ số hàng tồn kho. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01-12-2014 tăng 4,4% so với tháng trước; tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2013 (cùng thời điểm năm 2012 là 20,1% và năm 2013 là 10,2%). Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 45,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 35,5%; sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 19,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 12,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất giảm 11,2%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 6,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,3%.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước. Đồng thời cũng có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Phân tích số liệu thành lập mới cũng như giải thể, phá sản của các doanh nghiệp thì thấy xu hướng thanh lọc đang diễn ra mạnh, sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Đây là những hiện tượng bình thường, hợp quy luật trong nền kinh tế thị trường. Những doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh tốt, lựa chọn đúng hướng đi với tiềm lực tài chính, nhân sự sẽ phát triển, mở rộng quy mô hoạt động. Trong năm 2014, có 22,8 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2014 có sự tương tác mạnh mẽ của những cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp. Trong năm 2014 có thể thấy tư tưởng Nhà nước kiến tạo phát triển, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung là một dấu ấn đậm nét, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Nhìn nhận một cách khách quan, cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được khởi xướng và thực hiện từ nhiều năm nay. Chúng ta đã thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và đang triển khai Chương trình giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, nét đặc thù của năm 2014 là quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu giảm chi phí (chi phí thời gian, nhân lực, tài chính,…) cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ trong kinh tế, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Phá sản… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra… Các bộ, ngành rà soát lại thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Thuế phải giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, khai thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm trong năm 2014 và đến 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm)...; yêu cầu ngành Hải quan, Bảo hiểm, quản lý xuất nhập cảnh,… có những cắt giảm thủ tục và thời gian tương tự.
Những cải cách lớn về thể chế trong các lĩnh vực: Đầu tư, thuế, hải quan, ngân sách, đất đai… và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành,... đã mang lại những kết quả bước đầu. Trong lĩnh vực thuế, thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế từ 537 giờ đã được kéo giảm xuống còn 167 giờ/năm; thời gian làm thủ tục bảo hiểm cũng chỉ còn một nửa so với trước; hệ thống hải quan một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động và có được hiệu quả thiết thực... Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và hơn ai hết họ được hưởng lợi từ những cải cách này.
Môi trường thông thoáng, minh bạch cho đầu tư và sản xuất kinh doanh góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế nước ta nói chung trước ngưỡng cửa hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 300 tỷ USD
Là quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu nên kim ngạch xuất nhập khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nước ta. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 300 tỷ USD, nếu cộng thêm kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ thì kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt trên 300 tỷ USD, mức cao của thế giới, khẳng định độ mở khá lớn của nền kinh tế Việt Nam.
Về xuất khẩu, kim ngạch năm 2014 ước tính đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 và đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm và đạt 94,4 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 16,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; hàng dệt, may chiếm 59,4%; giày dép chiếm 77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,7%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98,8%.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn tăng so với năm trước là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 24,1 tỷ USD, tăng 13,4%; hàng dệt may đạt 20,8 tỷ USD, tăng 15,8%; giày dép đạt 10,2 tỷ USD, tăng 21,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,6 tỷ USD, tăng 10%; thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê đạt 3,6 tỷ USD, tăng 30,8%; gạo đạt 3 tỷ USD, tăng 1,8%; hạt điều đạt 2 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu dầu thô, cao su và xăng dầu giảm so với năm trước: dầu thô đạt 7,2 tỷ USD, giảm 0,7%; cao su đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28,1%; xăng dầu đạt 924 triệu USD, giảm 26,1%.
Về nhập khẩu, kim ngạch năm 2014 ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%. Kim ngạch nhập khẩu trong năm của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD, tăng 20,2%; vải đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%; xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,3%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 10,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 25,6%; hóa chất đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9,5%; bông đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm 2013: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,8 tỷ USD, tăng 6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,7%; ô tô đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 117,3%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng chiếm 37,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu chiếm 53,6%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 8,8%.
Mặc dù chịu tác động bởi sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam song Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2 % so với năm 2013. Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc ước tính là 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước.
Xuất siêu năm 2014 khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm trước; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm 2013.
Kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống nhân dân
Mục tiêu kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của điều hành kinh tế vĩ mô. Trong năm Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp như tiết giảm đầu tư công; kiểm soát vĩ mô giá một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào, có tính độc quyền và nhạy cảm cao; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh; phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện các chương trình bình ổn giá; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. CPI tháng 12-2014 chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. CPI năm 2014 tăng thấp so với năm trước chủ yếu do một số yếu tố tác động sau đây:
Thứ nhất, do điều kiện sản xuất nông nghiệp năm nay khá thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tương đối ổn định.
Thứ hai, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tương đối ổn định.
Thứ ba, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu thô liên tục giảm mạnh và đang tiếp tục giảm dẫn đến giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, ngược với xu hướng tăng của cùng kỳ năm 2013.
Thứ tư, công tác quản lý giá trong năm 2014 được quan tâm, điều chỉnh vào những thời điểm khá hợp lý, đã giảm thiểu được tác động của việc điều chỉnh giá lên CPI. Mức giá được điều chỉnh đối với một số nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Kiểm soát tốt tốc độ tăng giá, nhất là tăng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tác động tích cực đến ổn định đời sống nhân dân, nhất là những người làm công ăn lương. Tiền lương thực tế được bảo đảm. Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, cũng có những lý do để lo ngại cho sự trì trệ của thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.