Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu DNNN

Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các TĐ, TCT gửi về Bộ Tài chính, tính đến 31/10/2013, đã có 83/91 TĐ, TCT (không bao gồm 18 TCT thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt Đề án gồm 57 DN thuộc Trung ương, 6 DN thuộc địa phương. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17 DN gồm: 8 TĐ (Dệt may Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hóa Chất, Cao su Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Viễn thông Quân đội), 9 TCT đặc biệt (TCT Giấy, Thuốc lá, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam, Cà phê, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng); Bộ chủ quản phê duyệt 40 DN; UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt 6 TCT (ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 51 công ty TNHH MTV trực thuộc).

Hiện còn 8/91 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng Đề án tái cơ cấu DN gồm: 4 DN trung ương là TCT Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đang thực hiện cổ phần hoá (CPH), TCT Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long mới thành lập, TCT Thiết bị y tế, TCT Bưu điện Việt Nam; 4 DN thuộc UBND tỉnh Bình Dương và Hà Nội. Ngoài ra, có 2 TĐ, TCT đã thực hiện CPH có vốn nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được Bộ chủ quản có ý kiến thông qua nội dung phương án tái cơ cấu, đó là TĐ Bảo Việt và TĐ Xăng dầu Việt Nam.

Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các DN đã triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên. Đồng thời, với việc thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính của DN, tổ chức thoái vốn đầu tư ra ngoài DN, một số DN đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), để sớm xử lý các khoản nợ tồn đọng như TCT Thuốc lá Việt Nam, TCT Rau quả nông sản.

Các TĐ, TCT cũng đã triển khai những giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; Rà soát việc xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, công ty liên kết theo quy định. Đặc biệt là triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách quản trị nhân sự hiện đại, phù hợp với tái cơ cấu DN, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về cơ cấu nguồn nhân lực và công cụ quản lý nguồn nhân lực, đảm bảo việc quản lý nguồn nhân lực thống nhất theo định hướng chung toàn TĐ, TCT.

Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các DN đã triển khai phương án đẩy mạnh sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy và các đơn vị thành viên. Nhằm tăng cường năng lực tài chính của DN, tổ chức thoái vốn đầu tư ra ngoài DN, một số DN đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), để sớm xử lý các khoản nợ tồn đọng.

Kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu của 7 TĐ kinh tế (TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam, TĐ Hóa chất Việt Nam, TĐ Dầu khí Việt Nam, TĐ Điện lực Việt Nam, TĐ Viễn thông quân đội, TĐ Than khoáng sản Việt Nam, TĐ Dệt may Việt Nam) là những chỉ số minh chứng cho nỗ lực của công cuộc tái cơ cấu DNNN.

Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam

Trên cơ sở Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu của TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/1/2013, TĐ đã xây dựng phương án thoái vốn cho 25 công ty ngoài ngành; xây dựng phương án sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính cao su vào công ty mẹ TĐ trình Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời với đó là triển khai thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành tại các công ty mà TĐ nắm giữ cổ phần chính. Tại Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Sài Gòn (VRG), đơn vị mà TĐ nắm giữ 43% vốn điều lệ, đến nay TĐ đã tiến hành bán đấu giá 28% vốn, thu 168 tỷ đồng, lãi 23,52 tỷ đồng; Tại các CTCP VRG Đá Bình Định, CTCP VRG Phú Yên với số vốn điều lệ nắm giữ 24%, TĐ đã bán đấu giá 900.000/11.500.000 cổ phiếu, tổng số tiền thu được là 8,73 tỷ đồng, lợi nhuận 1,26 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TĐ còn đã tiến hành sáp nhập CTCP cấp nước Phú Riềng vào Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng; Trình Chính phủ phương án sáp nhập Công ty TNHH MTV Tài chính Cao su Việt Nam vào công ty mẹ TĐ; Thoái vốn tại các Công ty Thủy điện Sông Côn, Phú Yên, Dak Sin và Bảo Lộc theo hướng bán cho đối tác chiến lược, hiện đã có đối tác đang khảo sát, tính toán phương án...

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Đề án tái cơ cấu của TĐ này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2097/QĐ-TTg ngày 28/12/2012. Theo đó, quý IV/2012, TĐ Hóa chất Việt Nam đã ban hành Quyết định CPH đối với 2 DN là Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam và Công ty Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất và triển khai việc thoái vốn cổ phần tại 9 CTCP: Công ty Tài chính CPH chất Việt Nam; Tổng CTCP Bảo Minh; CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; CTCP Sơn chất dẻo; CTCP sản xuất và Thương mại Phương Đông; CTCP Công nghiệp và Hóa chất Vi sinh; CTCP Xà phòng Hà Nội; CTCP Hóa chất Vĩnh Thịnh; CTCP Que hàn điện Việt Đức...

Song song với đó, TĐ đã thực hiện nội dung tái cấu trúc quản trị DN tại Công ty mẹ - TĐ Hóa chất Việt Nam thông qua việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý phù hợp với Điều lệ của TĐ và pháp luật có liên quan... Đến nay, đã hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ của TĐ giai đoạn 2012- 2015, có tính đến năm 2020.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đề án tái cơ cấu TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/01/2013. Từ đó đến nay, TĐ đã cơ bản đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, đã báo cáo giải trình lý do đề nghị nâng tỷ lệ vốn PVN nắm giữ tại Tổng CTCP Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí, TCT Tư vấn Thiết kế Dầu khí - lên 36% vốn điều lệ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện; Giải thể Chi nhánh PVN - Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Dầu khí để TCT Điện lực Dầu khí Việt Nam thành lập đơn vị cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện theo quy định của pháp luật…

Việc thực hiện công tác CPH DN vẫn đang được tiến hành: Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã tích cực tìm kiếm và làm việc với nhiều đối tác tiềm năng như JX Nippon (Nhật Bản), SK (Hàn Quốc), BP-TNK (Nga), PDVSA (Venezuela) và GazpromNelf-GPN (Nga) để đàm phán thoái vốn; Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đang khẩn trương giải quyết các tồn tại liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuộc Dự án nhà máy Đạm Cà Mau và quyết toán Nhà máy phục vụ cho việc xác định giá trị DN. Dự kiến, Công ty sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để thực hiện cổ phần hóa từ quý I/2014...

Đồng thời với đó, PVN cũng đang tích cực triển khai công tác thoái vốn, đã làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác, bán cổ phần; xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư để thoái vốn. Tuy nhiên, do tình hình thị trường tài chính tiền tệ gặp nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Đề án tái cơ cấu TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 23/11/2012. Kết quả sau khi chuyển đổi, sắp xếp, đến nay EVN đã thành lập 3 TCT phát điện độc lập trên cơ sở tổ chức lại, sắp xếp các đơn vị thành viên; Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức vốn điều lệ mới là 143.000 tỷ đồng từ nguồn chênh lệch tăng do kiểm kê, đánh giá lại tài sản. TĐ đã phê duyệt mức vốn điều lệ mới cho các TCT thành viên.

Về thoái vốn đầu tư ra ngoài DN, tính đến ngày 31/12/2012, EVN có vốn góp trực tiếp tại 34 CTCP thuộc các lĩnh vực sản xuất điện, tư vấn xây dựng điện, cơ khí, bất động sản, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Tổng số vốn thực góp của EVN đến 31/12/2012 là 16.508,8 tỷ đồng, trong đó: Vốn góp vào khối phát điện chiếm 83,9%; khối tư vấn xây dựng điện chiếm 1,4%; khối cơ khí chiếm 0,6%; khối bất động sản chiếm 0,7%; khối tài chính chiếm 13,4%. Kết quả thoái vốn: Đã chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, giá chuyển nhượng 26.000 đồng/cổ phiếu, thu về 26 tỷ đồng...

Tập đoàn Viễn thông Quân đội

Ngay khi Đề án tái cơ cấu TĐ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/5/2013, đến nay TĐ Viettel đã tiến hành thực hiện kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của TĐ. Cụ thể, hoàn tất việc chuyển đổi, đưa mô hình 2 TCT hạch toán phụ thuộc (TCT Viễn thông, TCT Mạng lưới Viettel và Công ty Truyền hình cáp Viettel) vào hoạt động; Phối hợp với Bộ Quốc phòng hoàn tất thủ tục hồ sơ để thực hiện sáp nhập Công ty EVN Telecom vào TĐ Viettel; Hoàn tất thủ tục thành lập và đưa Công ty VTA tại Hoa Kỳ đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu quả của dự án.

TĐ Viettel đang quyết liệt triển khai và dự kiến hoàn thành thoái vốn trong năm 2013 tại CTCP Công nghệ Viettel và CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex theo lộ trình Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

Đề án tái cơ cấu TĐ này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 07/2/2013. Đến nay, TĐ đã CPH 3 DN trong đóNhànước nắm giữtừ51% - 65% gồm: Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ (Vinacomin), Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên (thuộc TCT Khoáng sản) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghệ và thiết bị mỏ (thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ)…

Bên cạnh đó, TĐ đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, mô hình quản lý của các công ty con hiện đang hoạt động theo mô hình DN hai cấp.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Đề án tái cơ cấu TĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/2/2013. Từ đó đến nay, TĐ đang triển khai các bước theo kế hoạch CPH TĐ đã được phê duyệt. Theo đó, đến 31/12/2013 TĐ chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP.

Ngoài ra, TĐ đã tiến hành thoái vốn tại các CTCP Cơ khí may Gia Lâm, bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Trường Đại học Trưng Vương, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu với giá trị thu về là 153,35 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn đang thực hiện các bước để thoái vốn tại các CTCP: Chứng khoán KIS Việt Nam, Tư vấn Xây dựng và Dịch vụ Đầu tư, Đầu tư và Phát triển Bình Thắng, Đầu tư Thương mại Thành Công...

Những kết quả trên có được chính là nhờ vào sự nhập cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành trong việc ban hành hệ thống các văn bản theo thẩm quyền nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Các cơ chế, chính sách đối với quản lý vốn Nhà nước tại DN, cơ chế quản lý tài chính đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn hiện nay đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu quản lý đối với DNNN. Qua đó đã đổi mới quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với DN theo hướng phân định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của DN; nâng cao tính công khai, minh bạch, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN đối với vốn và tài sản nhà nước giao.

Công tác sắp xếp, CPH DN theo đó cũng góp phần điều chỉnh cơ cấu DNNN phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh và chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực then chốt. Bên cạnh đó, góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ. Thông qua quá trình sắp xếp, CPH DNNN cũng tạo thêm nguồn thu về Quỹ Sắp xếp CPH để tiếp tục đầu tư phát triển các DNNN.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN vẫn còn tồn tại những hạn chế cụ thể như: Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thực hiện chế độ báo cáo còn chưa kịp thời để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quyết định quy định; Công tác sắp xếp, CPH DNNN còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Nguyên nhân là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ phận chuyên trách về sắp xếp, đổi mới, CPH DN. Một số bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước chưa quan tâm đúng mức và chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu các DN trực thuộc và các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời.

Thêm vào đó, do chính sách sắp xếp, đổi mới, CPH DNNN liên quan đến nhiều chính sách khác như: Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ về TĐ kinh tế, về mô hình công ty mẹ - công ty con, chính sách về TTCK, chính sách đối với người lao động trong DN CPH còn nhiều bất cập; TTCK, bất động sản có sự sụt giảm trong thời gian qua nên việc CPH, bán cổ phiếu ra công chúng và thoái vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn, giá bán không cao...

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm 2014-2015. Mục tiêu này đặt ra yêu cầu về một cường độ tập trung cũng như sự quyết liệt, mạnh mẽ hơn so với trước.

Thứ nhất, quán triệt, khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp, CPH và nâng cao hiệu quả DNNN và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến Đề án. Trong đó, tập trung vào các cơ chế chính sách về quản lý DNNN như Luật, Nghị định về quản lý và sử dụng vốn nhà nước để xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN...

Đối với các cơ chế chính sách về chuyển đổi, CPH DNNN, cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP; Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT nhà nước triển khai phương án sắp xếp, CPH giai đoạn 2011 – 2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước phù hợp với Luật DN để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT nhà nước thực hiện sắp xếp lại các DN 100% vốn nhà nước theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Rà soát hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư trong DN sắp xếp, CPH.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg, theo đó ngoài các giải pháp thoái vốn quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ, các TĐ, TCT nhà nước, DNNN còn được thực hiện các giải pháp cụ thể như: Thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận; Chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các CTCP chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. DN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại DN; Chào bán ra công chúng cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh năm liền kề thua lỗ hoặc có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán chứng khoán.

Thứ tư, thực hiện tái cấu trúc TTCK theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm, đồng thời bổ sung các chính sách để thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN.

Thứ năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, các TĐ kinh tế, TCT nhà nước nghiêm túc, khẩn trương thực hiện xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án tái cơ cấu DN theo Quyết định số 929/ QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc TĐ, TCT nhà nước, DNNN xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ hàng quý phải báo cáo tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu của DN cho Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính; Báo cáo Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Trường hợp chậm trễ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, không có báo cáo đầy đủ, kịp thời theo thời gian quy định thì được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại quy chế giám sát và phân loại DN của Chính phủ.

Kết quả và giải pháp thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

ThS. LÊ HOÀNG YẾN

(Tài chính) Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) sẽ là những đơn vị đi đầu trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thời gian không còn nhiều, bởi vậy chặng đường tái cơ cấu cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.

Xem thêm

Video nổi bật