Khắc phục bất cập của các quy định về công chứng

Hữu Hòe

Bộ Tư pháp đề xuất nhiều giải pháp khắc phục đáng chú ý đối với những bất cập, tồn tại của các quy định về công chứng.

Quy định về điều kiện trụ sở của văn phòng công chứng còn chung chung, chưa thực sự bám sát, phù hợp với đặc thù hoạt động công chứng.
Quy định về điều kiện trụ sở của văn phòng công chứng còn chung chung, chưa thực sự bám sát, phù hợp với đặc thù hoạt động công chứng.

Bộc lộ nhiều tồn tại

Để triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng năm 2014.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau hơn 9 năm thực hiện Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, bên cạnh các kết quả đạt được đã bộc lộ nhiều tồn tại.

Cụ thể, quy định về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng còn chưa phù hợp, mang tính định tính chung chung, nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình chuyển đổi. Điều này dẫn đến kết quả chuyển đổi tại nhiều địa phương còn hạn chế. Đáng chú ý, ngày cả các tỉnh, thành phố lớn như: Tp. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... chưa chuyển đổi được phòng công chứng nào. Tại các địa phương đã chuyển đổi phòng công chứng, thì cách thức thực hiện rất khác nhau. Có địa phương thực hiện đúng yêu cầu không chuyển đổi được, thì mới giải thể phòng công chứng, có địa phương lại tiến hành giải thể ngay, mà không đặt vấn đề chuyển đổi phòng công chứng...

Quy định về điều kiện trụ sở của văn phòng công chứng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên... cũng còn chung chung hoặc mang tính dẫn chiếu đến quy định pháp luật có liên quan, mà chưa thực sự bám sát, phù hợp với đặc thù hoạt động công chứng, nên việc thực hiện còn hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực...

Mặt khác, để triển khai nhiều quy định mới tại Luật Công chứng năm 2024, nhiều vấn đề lớn trước đây được quy định trong Luật Công chứng, thì nay được giao quy định trong Nghị định, bao gồm: toàn bộ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng và các thủ tục có liên quan như việc cung cấp thông tin, đăng báo sau khi thực hiện các thủ tục...

Thực tế trên đòi hỏi cần khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định, để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025 cùng với thời điểm hiệu lực của Luật Công chứng năm 2024.

Đề xuất bổ sung nhiều nội dung mới

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Công chứng năm 2024..., Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình số 33/TTr-BTP, ngày 25/3/2025 về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng với nhiều nội dung mới.

Theo đó, về điều kiện về trụ sở của phòng công chứng, bên cạnh một số điều kiện thiết yếu để bảo đảm hoạt động của một tổ chức hành nghề công chứng như: diện tích kho lưu trữ, diện tích làm việc tối thiểu của công chứng viên, dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện về diện tích làm việc của viên chức khác của phòng công chứng, diện tích dùng chung, diện tích chuyên dùng... theo hướng dẫn chiếu đến pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, để vừa bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động công chứng, vừa thống nhất với quy định pháp luật có liên quan.

Về giải thể phòng công chứng, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp giải thể phòng công chứng theo đúng nguyên tắc đã được quy định trong Luật Công chứng, cụ thể là trường hợp không chuyển đổi được phòng công chứng thì giải thể.

Liên quan đến chuyển đổi loại hình văn phòng công chứng tại các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, dự thảo Nghị định quy định theo hướng cho phép chuyển đổi văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thành văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, mà không cho phép chuyển đổi ngược lại, để vừa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, vừa nhất quán với định hướng phát triển các văn phòng công chứng quy mô lớn, ổn định, bền vững.  

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, dự thảo Nghị định quy định rõ chủ thể mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức hành nghề công chứng theo đúng quy định của Luật Công chứng, đồng thời trong trường hợp được tổ chức hành nghề công chứng ủy quyền, thì tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên sẽ tham gia bảo hiểm này.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định một số vấn đề về văn bản công chứng điện tử, bao gồm: cách thức tạo lập văn bản công chứng điện tử, việc ký văn bản công chứng điện tử, sửa lỗi kỹ thuật...