Khách quá cảnh buôn lậu, xử lý ra sao?

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trong quá trình làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện dấu hiệu vi phạm từ một số trường hợp hành khách quá cảnh, nhưng do vướng mắc về quy định hiện hành, dẫn đến việc xử lý không được hiệu quả.

Khách quá cảnh buôn lậu, xử lý ra sao?
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và An ninh cửa khẩu kiểm tra hành lý qua máy soi. Nguồn: baohaiquan.vn

Khách quá cảnh vận chuyển ma túy

Điển hình như trường hợp hành khách K.D, quốc tịch Lào. Theo lịch trình, hành khách này từ Manila quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay PR597 của hãng hàng không Philippines, sau đó đến Vientiane (Lào), nhưng do chuyến bay PR597 bị trễ, nên K.D đã làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, nghỉ lại khu vực cách ly nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất để chờ chuyến bay đi Lào vào ngày hôm sau.

Toàn bộ hành lý kí gửi của khách quá cảnh phải tạm đưa vào kho thất lạc tại khu vực nhập cảnh. Khi làm thủ tục soi chiếu hành lý trước khi đưa vào kho thất lạc theo quy định, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện có dấu hiệu nghi vấn trong kiện hành lý của K.D nên đã tiến hành kiểm tra thủ công trước sự chứng kiến của hành khách K.D, và phát hiện 2,4 kg cocain cất giấu trong kiện hành lý này. Đối tượng đã bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ.

Một trường hợp khác xảy ra vào cuối năm 2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng Đội kiểm soát phòng chống ma túy- Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh, Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc Tân Sơn Nhất thực hiện kế hoạch kiểm tra trọng điểm đối với hành khách Ramiez Christian, quốc tịch Philippines. Lúc 19 giờ đối tượng đến sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR966, mang theo một kiện hành lý ký gửi có số talon phù hợp với thông tin trinh sát nắm được.

Tuy nhiên, đối tượng nghi vấn lại không nhập cảnh vào Việt Nam mà chỉ quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất để đi Campuchia lúc 19 giờ 50 phút cùng ngày. Khi nhận diện được đúng kiện hành lý kí gửi có nghi vấn của đối tượng, cơ quan Hải quan đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện hình ảnh bất thường từ 2 chiếc lọ có hình dáng của chai dầu gội đầu.

Tuy nhiên, khi trao đổi với lãnh đạo Đồn Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu đưa đối tượng từ khu vực cách ly xuống khu vực kiểm tra hải quan để thực hiện việc kiểm tra kiện hành lý có nghi vấn thì bị từ chối vì không đúng thủ tục pháp lý do đối tượng không nhập cảnh vào Việt Nam. Cơ quan này cho biết, việc giữ đối tượng sẽ phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.

Về phía đại diện các lực lượng chuyên trách Bộ Công an có mặt tại hiện trường cũng nêu quan điểm, nếu cơ quan Hải quan kiểm tra, phát hiện có ma túy họ cũng không thể tiếp nhận đối tượng và tang vật để tiến hành điều tra vì đối tượng không nhập cảnh vào Việt Nam. Chính vì thế, các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đề nghị cho đối tượng xuất cảnh bình thường.

Sau khi được sự chỉ đạo thống nhất từ lãnh đạo các lực lượng, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao thông tin chi tiết về lô hàng chứa ma túy và đối tượng cho Bộ Công an thông báo cho lực lượng chức năng của Campuchia theo quy định hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm. Kết quả, các cơ quan chức năng của Campuchia đã kiểm tra, bắt giữ đối tượng và 3,2kg cocain giấu trong 2 chai dầu gội đầu.

Khó khăn về pháp lý

Ngoài 2 trường hợp cụ thể nêu trên, qua công tác sưu tra, thu thập thông tin hành khách xuất, nhập cảnh, quá cảnh từ các chuyến bay trọng điểm (khu vực tam giác vàng hay châu Phi…), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã xây dựng kế hoạch theo dõi, điều tra các đối tượng nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy qua cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trên thực tế, khi tiến hành kiểm tra thông tin do các hãng hàng không cung cấp, nhiều trường hợp đối tượng nghi vấn là khách quá cảnh không có hành lý ký gửi cũng không thể xác định được đối tượng có hành lý xách tay hay không. Vì vậy, cơ quan Hải quan không thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu vi phạm của đối tượng ngoài nguồn thông tin về việc đối tượng XNC nhiều lần.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan Hải quan 2005, khi có căn cứ để nhận định trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu có cất giấu hàng hóa trái phép, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cơ quan Hải quan mới được phép kiểm tra, khám xét…

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, với những vụ việc phát sinh nêu trên thì công tác đấu tranh, kiểm tra, bắt giữ các vụ vận chuyển ma túy qua hành lý, hành khách quá cảnh đang gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý đó là việc  thống nhất quan điểm pháp lý giữa các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng điều tra, tố tụng khi cơ quan Hải quan phát hiện và chuyển giao lại vụ việc cho lực lượng này. Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc phối hợp giữa cơ quan chuyên trách, các đơn vị kinh doanh, khai thác dịch vụ tại sân bay…

Do có vướng mắc trong việc phối hợp xử lý đối với hành lý, hành khách quá cảnh, đồng thời, để áp dụng chính xác các quy định của pháp luật có liên quan trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét có ý kiến chỉ đạo nhằm thực hiện thống nhất và đạt được hiệu quả tốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.