Khánh thành siêu cảng do Trung Quốc xây tại Sri Lanka

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Dự án siêu cảng biển ở Sri Lanka là một bước đi quan trọng của Trung Quốc...

Cảng biển mới cho phép Trung Quốc đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho chuỗi cung ứng của nước này. Nguồn: internet
Cảng biển mới cho phép Trung Quốc đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho chuỗi cung ứng của nước này. Nguồn: internet
Sri Lanka vừa khai trương một siêu cảng container trị giá 500 triệu USD tại cảng Colombo của nước này. Đây là dự án đầu tư cảng biển lớn nhất từ trước đến nay ở Sri Lanka và được xây dựng bằng vốn vay từ Trung Quốc.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, siêu cảng nói trên được xây dựng và vận hành bởi công ty China Merchants Holdings International của Trung Quốc. Theo thông tin từ nhà chức trách Sri Lanka, cảng có thể tiếp nhận 2,4 triệu container hàng hóa mỗi năm, tăng gấp đôi công suất cảng biển ở Colombo. Tổng thống Sri Lanka, ông Manhinda Rajapaksa, đã tham gia và lễ khánh thành cảng biển này.

Cảng mới nằm ngay giữa tuyến hàng hải Đông Tây nhộn nhịp nhất thế giới và có cơ sở vật chất không hề thua kém các cảng ở Singapore hay Dubai. Đây là một phần trong kế hoạch của Sri Lanka nhằm nâng công suất cảng thêm 7,2 triệu container mỗi năm và bổ sung thêm bến nước sâu tại khu vực cảng biển chính để thu hút những tàu cỡ lớn.

Nước này cũng đang xây dựng một cảng container khác với công suất hàng năm 2,4 triệu container tại cảng Colombo, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2014.

“Sri Lanka đang có chính sách hướng về Trung Quốc vì mức độ sẵn vốn. Với mục tiêu của Sri Lanka là trở thành một trung tâm cảng biển, thì việc mở rộng cảng Colombo có ý nghĩa kinh tế tích cực”, ông Dushni Weerakoon, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách ở Colombo, nhận xét.

Trong bối cảnh Sri Lanka thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau 3 thập kỷ nội chiến, từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc đã cam kết đầu tư ít nhất 3,7 tỷ USD vào nước này để phát triển cảng biển và các nhà máy phát điện. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã rót vốn cho nhiều dự án ở Sri Lanka, bao gồm dự án đường cao tốc 4 làn đầu tiên, sân bay quốc tế thứ hai của nước này, và một cảng biển ở Hambantota.

Hãng tin AFP cho hay, mới đây, Trung Quốc cũng ký thỏa thuận với Sri Lanka đầu tư 1,4 tỷ USD để xây dựng một “thành phố cảng” nằm ngay cạnh cảng Colombo.

Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với Sri Lanka, vì nước này nằm trên tuyến đường vận tài biển chính kết nối giữa vùng Viễn Đông, Tây Á, châu Phi và châu Âu.

Nhà chức trách Sri Lanka cho hay, thay vì phải chuyển hàng đến Singapore để đưa lên các siêu tàu chở hàng, các công ty vận chuyển từ Ấn Độ có thể tiết kiệm thời gian 4 ngày nếu gửi hàng từ Sri Lanka. Ngoài ra, tàu bè dừng ở cảng Colombo sẽ an toàn hơn so với việc phải đi qua vịnh Aden dày đặc cướp biển để vào Dubai.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp khoản vay 350 triệu USD cho China Merchants để thực hiện dự án siêu cảng container vừa khai trương ở Sri Lanka. China Merchants nắm cổ phần 85% dự án này, 15% còn lại do cơ quan quản lý cảng biển của Sri Lanka nắm giữ.

Sri Lanka đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay. Năm ngoái, tăng trưởng của Sri Lanka giảm tốc còn 6,4% do kinh tế toàn cầu đi xuống làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này là trà và hàng dệt may. Lượng du khách đổ tới Sri Lanka đang tăng vọt sau khi lực lượng vũ trang của nước này đánh bại phiến quân ly khai vào tháng 5/2009.

Một số chuyên gia nhận định, dự án siêu cảng biển ở Sri Lanka là một bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm tiến vào thị trường sôi động của khu vực Nam Á. Cảng biển mới cho phép Trung Quốc đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho chuỗi cung ứng của nước này.

Ông Priyath Bandu Wickrama, lãnh đạo cơ quan quản lý cảng Sri Lanka, nói rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép có căn cứ quân sự nào ở các cảng của chúng tôi hay cho phép sử dụng các cảng này vì mục đích quân sự của bất cứ ai”.

Dù sao, đây được xem như một lời trấn an đối với Ấn Độ, quốc gia vốn có quan điểm lo ngại việc Bắc Kinh thâu tóm các cảng ở Sri Lanka hay Pakistan.