Khi ngân hàng hỗ trợ người dân trả nợ tiền sử dụng đất

Theo Thời báo Ngân hàng

Gần đây TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành Thuế, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký sử dụng đất, các Ban quản lý dự án tái định cư và Ủy ban Nhân dân (UBND) các cấp phối hợp cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeAbank) chi nhánh Đà Nẵng để giúp cho các hộ tái định cư vay vốn với lãi suất ưu đãi để trả nợ tiền sử dụng đất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách ưu đãi.

Khi ngân hàng hỗ trợ người dân trả nợ tiền sử dụng đất
SeAbank xây dựng chương trình cho vay ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân trả nợ theo nhu cầu thực tế của từng hộ. Nguồn: Internet

Thời gian qua, Đà Nẵng làm khá tốt công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và có nhiều giải pháp thực hiện để không ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân. Tất cả các hộ bị giải tỏa, di dời đều được bố trí tái định cư. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Đà Nẵng thực hiện các chính sách giảm, cho nợ tiền sử dụng đất 10 năm, hỗ trợ hộ nghèo tái định cư…

Sau hơn 16 năm thực hiện chính sách cho nợ tiền sử dụng đất, nhiều hộ dân đã nhận đất tái định cư nhưng còn nợ tiền sử dụng đất. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND Đà Nẵng Võ Duy Khương, hiện toàn thành phố có hơn 12.000 hộ dân đã nhận đất tái định cư, làm nhà ở trên đất cấp rồi nhưng vẫn còn nợ tiền đất, với tổng số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Để khuyến khích, đôn đốc các hộ dân trả nợ tiền sử dụng đất còn tồn đọng, thành phố ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trả nợ. Trong đó, giảm 10% tổng số tiền nợ khi thanh toán hết một lần hoặc một phần số tiền sử dụng đất còn nợ.

Theo ông Lê Văn Minh - Giám đốc SeAbank Đà Nẵng, khi được UBND Đà Nẵng chấp thuận chủ trương, chi nhánh đã tiếp cận 12.262 hộ dân còn nợ tiền đất để khảo sát nhu cầu vay vốn trả nợ. Kết quả cho thấy, rất nhiều hộ dân muốn trả nợ nhưng với một khoản tiền lớn nên chưa có nguồn kinh phí phù hợp để trả nợ.

Từ thực tế đó, SeAbank xây dựng chương trình cho vay ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân trả nợ theo nhu cầu thực tế của từng hộ. Khách hàng có thể vay đến 100% số tiền đang còn nợ; thời hạn vay từ 6 tháng đến 20 năm, áp dụng mức lãi suất cố định 9,17%/năm cho năm đầu tiên và từ năm thứ 2 trở đi lãi suất được điều chỉnh vào đầu mỗi quý với biên độ ưu đãi so với mặt bằng chung của thị trường và áp dụng từ nay đến 31/7/2013.

Hiện SeAbank đã làm thủ tục vay vốn cho hơn 30 hồ sơ và đã giải ngân 12 hồ sơ. Các hồ sơ còn lại đang tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục pháp lý, để tiến hành giải ngân sớm...

Được bố trí đất tái định cư từ năm 2008, còn nợ nhà nước 185 triệu đồng, anh Trương Huỳnh Đức, ở 45 Nguyễn Thị Ba, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết: Phương án trả nợ ngân hàng 3 triệu đồng/tháng hoàn toàn phù hợp với khả năng của gia đình, nên anh nhanh chóng làm thủ tục vay vốn. Đến nay hồ sơ đã sắp xong và chuẩn bị được giải ngân để trả nợ cho Nhà nước.

Anh Đức khẳng định: Không những vay tiền để trả nợ tiền sử dụng đất, anh còn thế chấp chính sổ đỏ, vay thêm 100 triệu đồng để xây dựng nhà 2 tầng đang thi công dở dang. Có thể nói, đây là chương trình vay vốn phù hợp với điều kiện trả nợ của nhiều hộ dân, Nhà nước thu được nợ; người dân vừa sở hữu được tài sản, vừa được giảm 10% tiền sử dụng đất; ngân hàng tăng dư nợ cho vay; các ban quản lý dự án giảm số hồ sơ nợ tiền đất tồn đọng…

Tuy nhiên, qua triển khai chương trình đã phát sinh những vấn đề liên quan đến các thủ tục hồ sơ pháp lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Chị Ông Ánh Nguyệt, ở 131 Nguyễn Văn Thoại (Đà Nẵng) vay 400 triệu đồng để trả nợ tiền đất và bổ sung vốn kinh doanh tại SeAbank cho hay, chính sách của thành phố và chương trình vay vốn rất thiết thực. Song trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ còn chậm… nên làm chậm trễ việc giải ngân, thời gian làm các thủ tục kéo dài, đi lại nhiều lần khiến người dân “nản”, vì thời hạn được giảm 10% tiền sử dụng đất đang cận kề.

Do đó, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ trong việc thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân… Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa được các bên liên quan chú trọng nên người dân chưa tiếp cận những thông tin về các chính sách khuyến khích người dân trả nợ tiền sử dụng đất cũng như chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các dự án tái định cư, Sở Xây dựng, Thuế… trong việc cấp sổ đỏ, để người dân làm tài sản đảm bảo thế chấp ngân hàng vay vốn trả nợ tiền sử dụng đất...