Khó khăn “ghìm” sức cạnh tranh của doanh nghiệp
(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội đã nhìn thấy tín hiệu kinh doanh khởi sắc hơn cho năm 2014. Tuy nhiên, với những khó khăn về lãi suất, giá thuê đất, chi phí vận chuyển… nếu không được tháo gỡ thì khó khăn còn “đeo bám” DN.
Giá thuê đất gấp 8 lần
Bà Trương Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, giá thuê đất hiện nay đã cao gấp 8 lần so với năm 2010 làm giảm sức cạnh tranh của DN. Hiện sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật rất khó có thể tăng giá bởi thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng cũng như giá thành ổn định, thậm chí giá cả còn phải giảm để cạnh tranh.
Trong khi đó, chi phí đầu vào luôn tăng, cộng với những áp lực về lãi suất, giá thuê đất càng tạo thêm gánh nặng cho DN. Cùng chung nỗi lo trên, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, hiện DN phải “gánh” giá thuê đất ngang nhau đối với cả diện tích chính, diện tích phụ, phần hành lang xung quanh. Giá thuê đất ở các tầng tuy có khác nhau nhưng hệ số điều chỉnh chưa cao, gây ra tình trạng không công bằng giữa các DN...
Ngoài khó khăn về giá thuê đất, mặc dù đã nhìn thấy vài tín hiệu tích cực của nền kinh tế song ông Sơn vẫn rất lo lắng về thị trường xuất khẩu khi các nước vẫn có xu hướng cắt giảm chi tiêu và sử dụng hàng rào thuế quan. Trong khi đó, nội tại hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh về giá do chi phí vẫn cao. Đơn cử như chi phí vận tải đi nước ngoài của cả đường hàng không và đường biển cao hơn các nước khu vực khoảng 20%.
Thêm vào đó, từ năm 2012 đến nay, vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết nên dẫn đến tình trạng DN cung ứng hàng xuất khẩu, đặc biệt là DN nhỏ nợ đọng lẫn nhau, không có khả năng cung ứng hàng hoá thường xuyên. Do vậy, các DN mua hàng xuất khẩu không dám ứng vốn nhiều, đồng thời gặp nhiều khó khăn để đáp ứng được đơn hàng.
Chưa hết, việc tiếp cận vốn vẫn “bế tắc” đã khiến cho DN không có khả năng tái đầu tư kinh doanh. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội, mặc dù UBND TP. Hà Nội đã có các chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi, song đến nay vẫn chưa có DN nhỏ và vừa nào tiếp cận được các gói vay có lãi suất hợp lý, nên khó có khả năng mở rộng đầu tư, tái sản xuất.
Cần gỡ khó
Với những khó khăn trên, đại diện của nhiều DN kiến nghị, cần xem xét và đánh giá lại cơ chế thuê đất, giảm giá thuê đất để tăng sức cạnh tranh cho DN, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Ông Sơn kiến nghị thêm, ngân hàng mạnh dạn giãn nợ để DN, nhất là DN nhỏ và vừa có thời gian trả nợ, tạo điều kiện cho DN vay dựa trên cơ sở năng lực sản xuất – kinh doanh, mức độ tín nhiệm của ngân hàng với DN hơn là tài sản bảo lãnh vì DN vừa và nhỏ rất khó khăn về tài sản thế chấp. “Có như vậy, DN mới có điều kiện tái sản xuất, ổn định để trả nợ ngân hàng”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN trong đó có việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và nhỏ giúp các DN sớm mở rộng khả năng tiếp cận vốn. Bởi hiện nay, đa số các DN đều “tắc” khi tiếp cận vốn, còn ngân hàng “dè dặt” trong tái cơ cấu nợ, luôn yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh những hỗ trợ về lãi suất, về vốn, vấn đề xúc tiến thương mại cũng rất quan trọng, cần có sự thay đổi. Ông Thân Đức Việt, Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng, bên cạnh các thị trường truyền thống, cần tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cho DN đến các thị trường mới, có nhiều tiềm năng như Mỹ la tinh, Nam Phi. “Không chỉ mang tiền đi xúc tiến nước ngoài, để tiết kiệm chi phí xúc tiến, chúng ta có thể thay đổi cách thức xúc tiến bằng cách mời gọi và tổ chức các đoàn DN nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu, khảo sát thị trường đến gặp DN nội địa. Lúc đó, sẽ có nhiều DN tham gia xúc tiến hơn” ông Việt nói.
Còn theo vị đại diện của Hapro, các chương trình xúc tiến cần gắn với các sản phẩm chủ lực, gắn với chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng hàng Việt, mở rộng kênh bán hàng cho DN.