Khoác áo mới cho chợ Việt

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tiểu thương trong chợ thường xuyên được tập huấn văn hóa kinh doanh, thái độ ứng xử với khách. Đặc biệt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh thoát nước đã được chợ đầu tư mới hoàn toàn. Bản thân rất nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cũng mong muốn môi trường kinh doanh của mình thay đổi tốt lên.

Khoác áo mới cho chợ Việt
Chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh phân phối được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn vì ưu điểm hàng hóa phong phú và giá rẻ... Nguồn: internet
Bà Nguyễn Thị Hoàng, chủ sạp trái cây tại chợ An Đông cho rằng, so với những chợ khác, sự nổi tiếng của chợ An Đông không thua kém, nhưng hiện nay về hình thức thì đang ở tình trạng xuống cấp. Là người buôn bán tại gần 3 thế hệ tại chợ, bà luôn mong muốn chợ đổi mới hơn, đẹp và hiện đại hơn. Việc để chợ cũ, xuống cấp đang làm giảm lượng khách đến chợ, nhất là làm mất hình ảnh đẹp của chợ đối với khách du lịch.

Theo dự báo, chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh phân phối được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn vì ưu điểm hàng hóa phong phú và giá rẻ, vị trí thuận lợi, gần khu dân cư. Tuy nhiên, thực trạng của chợ Việt Nam từ trước đến nay luôn là hạ tầng cơ sở kém phát triển, mặc dù so với 10 năm trước, tính chất xây dựng chợ đã cải thiện, tỷ lệ chợ lán, chợ tạm hiện giảm trên 50%.

Hiện tại, mục tiêu của Bộ Công Thương về quy hoạch phát triển hệ thống chợ đến năm 2025 là củng cố, cải tạo toàn bộ các chợ tổng hợp hạng 1 và chợ đầu mối bán buôn theo tiêu chí phát huy đầy đủ công năng, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. Tại từng địa bàn, chợ đầu mối bán buôn đảm bảo tiêu thụ được đại bộ phận nông sản, hàng hóa và cung cấp đủ nguồn cho hệ thống bán lẻ. Ở thị trường nông thôn, phát triển rộng rãi mạng lưới chợ dân sinh hạng 1, 2 trung tâm huyện, vừa bán buôn vừa bán lẻ…

Đặc biệt, việc quy hoạch chợ từ nay đến 2025 đặt mục tiêu cụ thể bảo vệ môi trường. Hướng đến hệ thống chợ cả nước giảm 40 - 50% lượng túi ni lon đang sử dụng, thay bằng bao gói thân thiện và tái sử dụng nhiều lần. 100% hàng hóa bán trong chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. 100% chợ có hệ thống thu gom, phân loại và xử lý chất thải tại chỗ, 95% hộ kinh doanh được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, sao cho đến năm 2025 đạt 70% - 80% chợ đạt tiêu chuẩn xanh..

Trong thực tế, tại những đô thị lớn của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều chợ gần như đã đạt được đến 70% tiêu chí mà quy hoạch tổng thể chợ đến năm 2025 Bộ Công Thương đã đặt ra. Theo ông Lê Hoàng Định, Phó Ban quản lý chợ Bến Thành, mặc dù chợ truyền thống vẫn không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhưng trước rất nhiều sự lựa chọn, thì ít nhiều người tiêu dùng cũng giảm sự chú ý vào chợ.

Như chợ Bến Thành trong 5 năm trở lại đây, sức mua đã giảm từ 20 - 30% so với trước đó, một mặt do người dân giảm chi tiêu, mặt khác do kênh hiện đại hút bớt khách từ chợ.

Để cạnh tranh, từ năm 2010 Ban quản lý chợ đã tuyên truyền, vận động tiểu thương thay đổi hình thức bán mua được cho là “chộp giật” (nói thách giá, hàng kém chất lượng, không tôn trọng khách...). Hiện nay, tại chợ có trên 80% tiểu thương niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá. Ngành hàng thời trang, may mặc, quà tặng lưu niệm… được tiểu thương đầu tư mở quầy sạp theo hướng hiện đại,  hướng trung tâm thương mại.

Ngành hàng thực phẩm tươi sống có thiết bị lạnh bảo quản, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Ngành rau quả tăng cường lượng hàng chất lượng cao từ những DN sản xuất lớn.

Tiểu thương trong chợ thường xuyên được tập huấn văn hóa kinh doanh, thái độ ứng xử với khách. Đặc biệt, hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh thoát nước đã được chợ đầu tư mới hoàn toàn. Đến chợ hiện nay có thể thấy, một môi trường mua sắm hoàn toàn mới. Tương tự, các chợ lớn khác tại TP. Hồ Chí Minh như Hòa Bình, Bình Tây… đều đã tự mình chỉnh trang thay đổi cả về hình thức quầy sạp, lẫn cung cách kinh doanh ứng xử. Bản thân rất nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cũng mong muốn môi trường kinh doanh của mình thay đổi tốt lên.

Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Lý, Trưởng Bộ phận Kinh doanh, Ban quản lý chợ Nhật Tảo (quận 10, TP. Hồ Chí Minh), để đạt mục tiêu “chợ xanh” đối với nhiều chợ cấp 2, 3 vẫn còn khó, phải từng bước thực hiện. Bởi việc thay đổi nhiều thói quen kinh doanh, ví dụ như sử dụng bao bì thân thiện môi trường sẽ tăng giá hàng hoá… Hệ thống thu gom rác thải vẫn còn thủ công… chưa thể thực hiện ngay.