Khoảng 3 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản Việt Nam năm 2017
FDI đã tạo nên sự cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thời gian qua và cả trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, thị trường ASEAN cũng trở thành thị trường chung cho các nước thành viên và các nhà đầu tư quốc tế khác.
Năm 2017 sắp kết thúc, nhìn lại năm vừa qua có thể thấy nhiều dấu ấn thành công trong thu hút FDI, trong đó dấu ấn của các dự án bất động sản có vốn FDI đầu tư (bất động sản FDI) mang một nét sâu đậm đặc biệt.
Năm 2017, tuy bất động sản FDI chưa có ảnh hưởng lớn trong chi phối thị trường bất động sản Việt Nam, như trong lĩnh vực khách sạn - du lịch những năm ở thập kỷ trước, nhưng đã tiếp tục tạo nên nền móng của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế trong nhiều phân khúc. Hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí... đã được xây dựng bằng nguồn vốn FDI tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác trên cả nước.
Có thể nói, bất động sản FDI đã đem đến sự hiện đại, tiện nghi, cùng kiến trúc phù hợp, thiết kế đẹp, dịch vụ tốt... vô hình chung trở thành một nửa của phép so sánh với các dự án trong nước. Đồng thời trở thành bài học thực tế cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhìn nhận, học tập. Bất động sản FDI đã tạo nên sự cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển chung của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua và cả trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, khi thị trường ASEAN đã là thị trường chung cho các nước thành viên và các nhà đầu tư quốc tế khác.
Trong bản tổng hợp kết quả thu hút FDI 11 tháng năm 2017 (theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong 19 ngành lĩnh vực thu hút FDI đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, lĩnh vực bất động sản đứng ở thứ hạng cao (thứ 3) trong bảng xếp hạng các ngành nghề thu hút FDI.
Có 56 dự án FDI cấp mới trên tổng vốn đăng kí trên 1,76 tỷ USD, 22 lượt dự án hiện đang đầu tư, kinh doanh tăng vốn mở rộng sản xuất với giá trị vốn tăng thêm trên 280,3 triệu USD, 95 lượt nhà đầu tư ngoại góp vốn mua cổ phần tại các dự án bất động sản hiện có với giá trị mua vào, góp vốn trên 461,8 triệu USD, tạo nên tổng giá trị bất động sản FDI đăng kí đạt trên 2,5 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ đạt gần 3 tỷ USD trong cả năm 2017.
Dự án bất động sản FDI mang dấu ấn sáng, đậm nét nhất trong bức tranh bất động sản FDI 2017 là dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng kí 885,85 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư.
Nhìn lại cả quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản trong 30 năm qua (1987 - 2017 ), kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam ra đời vào 28/12/1987 (nay là Luật đầu tư) có thể thấy lĩnh vực bất động sản Việt Nam đang dần trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng, được giới đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm.
Tính lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến 20/11/2017, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 (chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo) trong thu hút FDI, đứng trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh còn lại.
Tính lũy kế đến nay riêng trong lĩnh vực bất động sản, Việt Nam đã thu hút được 630 dự án với tổng vốn FDI đăng kí trên 52,7 tỷ USD, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tạo nên công ăn việc làm cho nhiều triệu lao động cả trực tiếp và gián tiếp, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Bên cạnh các điểm sáng nêu trên của bất động sản FDI Việt Nam 2017,cũng còn có các điểm tối cần được đánh giá lại đầy đủ để có các giải pháp xử lý thích hợp cho phát triển bất động sản FDI bền vững, hiệu quả trong các năm tới.
Đó là còn có các dự án bất động sản FDI “treo", đặc biệt có một số dự án quy mô lớn được cấp phép trong giai đoạn phát triển "nóng" của thị trường bất động sản Việt Nam vào cuối nhưng năm 1980 thế kỷ trước; còn có hiện tượng chuyển giá – trốn thuế; chuyển nhượng dự án "lòng vòng" giữa các nhà đầu tư ngoại gây khó cho công tác quản lý nhà nước; đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp còn vắng bóng các dự án FDI; đầu tư từ nguồn kiều hối vào bất động sản còn rất nhỏ bé so với lượng kiều hối đổ về Việt Nam hàng năm…
Hướng đi sắp tới đối với thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn là vấn đề cần có quy hoạch rõ ràng về cả không gian, thời gian, địa điểm cho nhà đầu tư ngoại (bao gồm cả FDI, FII, không kể kiều hối). Trong đó việc lựa chọn đúng nhà đầu tư có tiềm năng (vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý phát triển đầu tư "xanh", có kế hoạch đầu tư rõ ràng, nghiêm túc và chứng minh được năng lực thực tế qua các dự án họ đã thực hiện ngoài Việt Nam) là một kinh nghiệm sống còn và cần thiết.
Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư FDI trong quá trình triển khai các dự án đầu tư như giải phóng mặt bằng và thuê lại đất của các chủ đầu tư Việt Nam để thực hiện dự án. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bất động sản – như sớm luật hóa được điều kiện đầu tư kinh doanh đối với loại hình sản phẩm bất động sản mới condotel...