Khơi dòng kiều hối

Theo Nhung Nguyễn/sggp.org.vn

Theo Dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018.

Để đón dòng kiều hối cuối năm, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền.
Để đón dòng kiều hối cuối năm, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền.

“Tốp 10” nhận kiều hối 

Trong 2 thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000, lên 16,7 tỷ USD vào năm nay và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho thấy, Việt Nam chiếm khoảng 2,5% lượng kiều hối toàn cầu. Trong tổng lượng kiều hối về Việt Nam, Mỹ là quốc gia chuyển về lớn nhất, chiếm 55%, tiếp đến là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều và lao động xuất khẩu.

Trong đó, Việt kiều định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn, khoảng 80%-90% lượng kiều hối gửi về nước. Còn xuất khẩu lao động chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 6%-7% tổng lượng kiều hối, nhưng đang tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, nhận xét nhiều năm qua kiều hối chuyển về TPHCM tăng bình quân 8%-10%/năm. Từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối gửi về nước ổn định và tăng dần đều. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, lượng kiều hối về TPHCM khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Nguồn kiều hối gửi về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kế đến là bất động sản và hỗ trợ người thân.

Theo thống kê của WB, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục nhiều năm qua và vào tốp 10 thế giới. Năm 2016 là 11,88 tỷ USD, năm 2017 là 13,8 tỷ USD và năm 2018 gần 16 tỷ USD. Dự báo năm nay, lượng kiều hối tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam dù thế giới có nhiều biến động, ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với năm 2018.

Để đón dòng kiều hối cuối năm, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền. Cụ thể, Vietcombank dành giải thưởng tổng cộng 2,8 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối trị giá 500USD trở lên trong thời gian từ nay đến ngày 22-1-2020. Sacombank có các dịch vụ chuyển tiền kiều hối phong phú và khách hàng nhận tiền chỉ trong vòng 10 phút, từ lúc người chuyển hoàn tất thủ tục ngân hàng và không phải tốn phí.

HDBank cũng hợp tác với MoneyGram trả kiều hối trong vòng 3 giờ tại nhà. Agribank làm đại lý chi trả kiều hối lớn nhất của Western Union tại Việt Nam, cung cấp cả dịch vụ chuyển tiền đi và chi trả tiền tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank. Eximbank chuyển tiền kiều hối bằng điện SWIFT, có thể nhận kiều hối tại quầy giao dịch, ATM hoặc tại nhà riêng kể cả ngoài giờ hành chính…

Chọn kênh an toàn

Thực tế cho thấy, nhờ các dịch vụ chuyển tiền hiện đại và giảm phí nên hiện nay nhiều người nhận tiền qua kênh ngân hàng. Chị Trâm Anh (quận 5) cho biết, mọi năm chị thường nhờ người quen cầm tiền người thân gửi từ Mỹ đem về hoặc nhờ dịch vụ “chợ đen” vì dịp cuối năm, các phòng giao dịch ngân hàng thường bị quá tải, dẫn đến chờ đợi làm thủ tục tốn thời gian và nhất là khó được nhận tiền khi cần gấp. Tuy nhiên, do năm trước chị nhận phải 200USD tiền giả nên năm nay chị nói người thân gửi qua các kênh chính thống để yên tâm.

“Tôi sử dụng dịch vụ nhận tiền trả tại nhà của Công ty Kiều hối Đông Á, phí không chênh nhiều so với “chợ đen”, nhưng được giao tiền tận nhà và còn có cơ hội bốc thăm trúng thưởng điện thoại”, chị Trâm Anh cho hay. 

Đại diện Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết, hiện kiều hối chuyển về Việt Nam thực hiện qua 4 kênh: hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện. Kênh chuyển tiền phổ biến nhất là qua hệ thống ngân hàng thương mại với mạng lưới rộng khắp, dịch vụ hiện đại an toàn với các giao dịch giá trị lớn, đạt khoảng 72,6% doanh số kiều hối chuyển về nước. Phần còn lại có thể đi qua các kênh chuyển không chính thức.

Việc lựa chọn dịch vụ của ngân hàng thương mại với đội ngũ nhân viên am hiểu pháp luật, cũng là một trong những yếu tố quan trọng, đảm bảo giao dịch của khách hàng hiệu quả, thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào cùng với các dòng sản phẩm ngoại hối phong phú, cũng là điểm mạnh giúp các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức hàng đầu về việc đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Mặc dù vậy, hiện còn không ít người sử dụng dịch vụ chuyển tiền “chợ đen” để bớt tốn phí và không phải chứng minh nguồn tiền, thực hiện đơn giản…

Tuy nhiên, hình thức chuyển tiền này được các cơ quan chức năng khuyến cáo tiềm ẩn nhiều rủi ro và chủ yếu dựa vào niềm tin. Rất nhiều trường hợp mất tiền đáng tiếc đã xảy ra mà người mất không thể đòi lại, cũng như không được đền bù.

Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, do Thanh tra Chính phủ vừa công bố cho thấy, đối với lĩnh vực đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ, nguy cơ rửa tiền qua kênh chính thức là trung bình cao. Tuy nhiên, kênh chuyển tiền phi chính thức (chuyển tiền ngầm) với phí thấp, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, tính đơn giản về thủ tục... vẫn được sử dụng để chuyển kiều hối về Việt Nam.