Khởi động sớm những giải pháp bình ổn
(Tài chính) Với mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5,6% và xuất khẩu 16%, bức tranh của kinh tế Việt Nam đã hiện lên rõ ràng sau 11 tháng. Tháng còn lại của năm 2013 được đánh giá sẽ không có nhiều đột biến.
Con số được ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương)- đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng của Bộ Công Thương ngày 2/12 cho thấy: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 11 tháng ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn giữ đà tăng trưởng với mức tăng 7,1% sau 11 tháng, trong đó nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, thiết bị điện, động cơ tăng từ 15 - 22,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 2.386,1 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, đà tăng trưởng xuất khẩu được củng cố vững chắc: tháng 11, Việt Nam xuất siêu 50 triệu USD và tính chung 11 tháng, con số nhập siêu chỉ ở mức thấp là 96 triệu USD.
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tháng 11/2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 11 tháng, xuất khẩu thu về 121,023 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, tháng còn lại của năm 2013, xuất khẩu dự kiến đạt 12,5 tỷ USD, cả năm 2013, con số kim ngạch 133,5 tỷ USD năm trong tầm tay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại đang có xu hướng tăng trưởng tốt. Các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị kinh doanh tập trung rà soát các mục tiêu của năm và quyết liệt thực hiện, đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch năm 2014.
Ổn định thị trường năm 2014
Nhiệm vụ đầu tiên của năm 2014 chính là việc ổn định thị trường dịp Tết. Chính vì thế, các Sở Công Thương và đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều phương án bảo đảm đủ hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.
Được biết, từ giữa tháng 11, Bộ đã chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường Tết, tới thời điểm này đã có 12 tỉnh, thành phố có kế hoạch cụ thể về bình ổn thị trường.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc duy trì các chương trình bình ổn giá, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các ngành và quận, huyện trên địa bàn triển khai công tác quản lý thị trường, cung - cầu hàng hóa tiêu dùng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết.
Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Vũ Hồng Thủy khẳng định: “Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác chống buôn lậu dịp cuối năm, nhất là hoạt động chống gia cầm nhập lậu vào dịp Tết”...
Nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch năm 2014, từ tháng 11/2013, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để có những giải pháp cụ thể cho hoạt động xuất nhập khẩu trong năm tới.
Theo Cục trưởng Phan Văn Chinh, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tập trung những ý kiến để đề xuất với Chính phủ những giải pháp ở từng lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như logistis nhằm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Đối với xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng đang cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành tập trung ý kiến về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu gạo theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, để có phương án hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân...