Khối ngoại mua ròng khi thị trường giảm sâu
Tận dụng nhịp điều chỉnh sâu trong diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán phiên ngày 23/10, khối ngoại có động thái gom hàng, dù chỉ mua ròng hơn 80 tỷ đồng.
Áp lực bán mạnh quay trở lại ngay từ phiên giao dịch sáng với sự gia tăng nhanh chóng của lực bán chủ động khiến cho VN-Index nhanh chóng mất điểm, lùi sát về khu vực 1.090 điểm.
Hầu như tất cả các nhóm ngành đều chịu áp lực lớn, trong đó nhóm Bán lẻ ghi nhận mức giảm lớn nhất xấp xỉ 2,4%. Thêm vào đó, việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 chìm trong sắc đỏ như VCB, VPB, VNM cũng tạo tiền đề tiêu cực khiến cho chỉ số chung liên tục mất điểm.
Lực cầu được ghi nhận trong phiên chiều nhưng khá thưa thớt và chưa thể giúp cho VN-Index thu hẹp được đà giảm. Chỉ số VN-Index quay quanh mức giá 1.090 điểm trong suốt cả phiên chiều và có bật hồi đôi chút về cuối phiên. Tuy nhiên, với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử do lực bán trên diện rộng vẫn khá lớn, thị trường đã không thể thoát khỏi phiên điều chỉnh giảm tương đối mạnh.
Thị trường hôm nay giảm điểm trên diện rộng, hầu hết các nhóm ngành đều kết phiên trong sắc đỏ. Nhóm Thuỷ sản giảm mạnh nhất với ANV -4,1%, FMC -2,9%, IDI -1,6%... CMX ngược chiều tăng 1,8%, ACL đứng tham chiếu. Nhóm chứng khoán ghi nhận nhiều cổ phiếu có mức giảm quanh 2% như MBS (-2,4%), PSI (-2,3%), SHS (-2,4%), SSI (-2,2%), TVB (-2,7%), VND (-2,8%)…
Nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính lên thị trường khi có tới 27 mã giảm và chỉ 2 mã tăng. Giảm giá mạnh nhất là MSN (-4,4%), MWG (-3,8%), GVR (-3,7%), GAS và SAB cùng giảm 3%; SSI, VNM, VPB, VRE giảm hơn 2%... Kết phiên 23/10, VN-Index giảm 14,5 điểm so với kết phiên cuối tuần trước, lùi về mốc 1.093,53 điểm. HNX-Index giảm 2,2 điểm trong khi UPCoM giảm 0,35 điểm.
Trước diễn biến tiêu cực và rung lắc mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, khối ngoại tỏ ra thận trọng và chỉ mua ròng với thanh khoản khoảng 85 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VHM (1.046 tỷ đồng) và KBC (26,4 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 0.56 tỷ đồng, trong đó SHS bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 30 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm so với mức trung bình gần đây, với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 12,1 nghìn tỷ đồng, với khối lượng 563 triệu đơn vị; HNX-Index đạt khối lượng 69,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1,4 nghìn tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất hôm nay là nhóm cổ phiếu ngành Nông nghiệp, nhờ sự bứt phá của HAG khi tăng sát trần 6,87% với thanh khoản cũng cao đột biến với 32,7 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Hoàng Anh Gia Lai mới công bố tình hình sản xuất kinh doanh với lợi nhuận quý III/2023 đạt 324 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý III vừa qua, HAG ghi nhận khoản doanh thu từ thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng. Chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG cho biết đây chính là khoản thu từ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.