Khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Hà Nội
Theo TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, tính đến nay, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của TP. Hà Nội đều chưa như kỳ vọng đề ra. Do đó, TP. Hà Nội cần có cơ chế chính sách để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực này.
Hà Nội ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh còn hạn chế
Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đề ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu đưa tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo đạt trên 50%.
Tại hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ trong nông nghiệp thông minh”, ngày 25/9, TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, các chỉ tiêu như trên đều phải dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
TS. Lê Xuân Rao nhấn mạnh, mặc dù TP. Hà Nội đã đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất nhiều, tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao.
Đặc biệt, với mục tiêu là từ năm 2024, Hà Nội bắt đầu nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho hay, tiềm năng về khoa học công nghệ của Hà Nội rất lớn, tuy nhiên Hà Nội lại áp dụng công nghệ trong nông nghiệp thông minh ít hơn một số địa phương.
“Tính đến nay, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của Hà Nội đều chưa đạt được. Hà Nội cần có cơ chế chính sách gì để giải quyết điểm nghẽn trong lĩnh vực này là câu hỏi cần được giải đáp”, TS. Lê Xuân Rao bày tỏ.
Làm rõ hơn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, PGS., TS. Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả nêu, nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa...); công nghệ sản xuất, bảo quản sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP...) công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào sản xuất, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
PGS., TS. Đặng Văn Đông khẳng định, nông nghiệp thông minh có vai trò giúp tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư để góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa. Có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như: Cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng...
Tranh thủ các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
PGS., TS. Đặng Văn Đông nêu, mặc dù TP. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để ứng dụng nông nghiệp thông minh nhưng hiện vẫn loay hoay với những cơ chế, chính sách và những khoản đầu tư chưa tới. Do vậy, PGS. TS. Đặng Văn Đông đề xuất, các cơ quan chức năng nghiên cứu để có những chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng mô hình công nghệ nhằm phát huy những tiềm năng sẵn có đưa ngành nông nghiệp của TP. Hà Nội tiếp tục tiến xa hơn nữa.
Là một đơn vị trực tiếp ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bà Bùi Thị Hường Bích - Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài cho biết, trong quá trình tiếp nhận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tiến, bảo dưỡng thiết bị, thiếu công nghệ phù hợp điều kiện sản xuất, điều kiện kinh tế của đơn vị. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.
Giám đốc Bùi Thị Hường Bích nêu rõ, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là đòi hỏi nguồn đầu tư lớn. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ. TP. Hà Nội là địa bàn tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của cả nước, tiềm năng khoa học – công nghệ rất lớn, tuy nhiên, do thiếu thông tin và sự liên kết phối hợp, nhất là từ phía doanh nghiệp, cho nên việc các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu có dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Căn cứ vào những hạn chế nêu trên, bà Bùi Thị Hường Bích nhấn mạnh, để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới, nhất là đối với nông nghiệp Thủ đô, Hợp tác xã Đan Hoài kiến nghị cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Cùng với việc hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong nước, cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp tiếp thu công nghệ của từ nước ngoài vào Việt Nam nếu những tiến bộ kỹ thuật đó mới hơn, hiệu quả hơn.