Không còn nhiều lý do để khối ngoại tiếp tục bán ròng

Theo Nhã An/tinnhanhchungkhoan.vn

Ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức - CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, điểm hấp dẫn nhất ở TTCK Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài là một số ngành/công ty có khả năng hồi phục rất nhanh, thậm chí vẫn có tăng trưởng so với trước dịch. Ngoài ra, triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 là khá rõ ràng.

Phóng viên: TTCK tháng 5 đã tăng mạnh hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước cũng như áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài giảm. Ông có nhìn nhận gì về dòng vốn ngoại trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Anh Đức.
Ông Nguyễn Anh Đức.

Ông Nguyễn Anh Đức: Dòng vốn ngoại trong giai đoạn từ tháng 5 trở đi đã diễn biến tích cực hơn thời gian trước đó nhờ hai lý do:

Một là, áp lực nhanh chóng giảm tỷ trọng đầu tư vào các thị trường mới nổi và nâng tỷ lệ tiền mặt để giảm thiểu rủi ro khi dịch Covid-19 xảy ra về cơ bản đã hoàn tất;

Hai là, sau khi dịch bệnh có xu hướng được kiểm soát tốt, các quỹ ngoại đã có động thái mua trở lại và giảm tỷ trọng tiền mặt.

Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới do hầu hết áp lực bán của khối ngoại đã được thị trường hấp thụ trong thời gian qua.

Thông tin thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, lực cầu từ khối ngoại được đóng góp lớn từ các ETF nội địa mới. Diễn biến này nói lên điều gì và liệu động thái có tiếp tục diễn ra trong thời gian tới?

Về cơ bản, 2 ETF mới là VN Diamond và VN Finlead đáp ứng khá tốt nhu cầu của khối ngoại trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, VN Diamond cho phép các quỹ ngoại có thể tiếp cận đầu tư vào một rổ các cổ phiếu đã hết room, bao gồm các cổ phiếu ưa thích như MWG, FPT, PNJ…, mà không phải trả mức giá premium cao như trước đây (20 - 30%).

Còn VN Finlead cho phép các quỹ mua được một tỷ trọng đáng kể ngành tài chính - ngân hàng trong danh mục của mình mà trước đây rất khó do hầu hết các ngân hàng tốt đã hết room (MBB, VPB, TCB, ACB, TCB…).

Do đó, chúng tôi kỳ vọng hai quỹ này sẽ tiếp tục thu hút vốn mạnh mẽ trong thời gian tới và sẽ nằm trong các quỹ có quy mô lớn nhất trên thị trường trong một vài năm tới.

Ngoài ra, các quỹ ETF nội sắp triển khai khác cũng sẽ cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài các lựa chọn đa dạng hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của mình, qua đó hỗ trợ thúc đẩy khối ngoại giải ngân nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

SSI cho rằng, vốn đầu tư vào 2 quỹ ETF mới (VN Diamond và VN Finlead) sẽ chủ yếu đến từ khối ngoại do đáp ứng được nhu cầu của khối ngoại. Từ đó, các quỹ này sẽ tiếp tục giải ngân lượng vốn trên vào các cổ phiếu trong danh mục và điều này sẽ có tác động tích cực tới thị trường.

Lượng vốn ngoại đổ vào 2 ETF này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng và các ETF này sẽ nhanh chóng lọt vào danh sách các ETF lớn nhất trên thị trường Việt Nam, thu hút lượng giải ngân mạnh vào các cổ phiếu trong danh mục trong thời gian tới.

Nhưng xu hướng của khối ngoại dường như vẫn chưa rõ ràng, trong khi đã khá “trường kỳ” bán ròng. Vậy có lo ngại khối này bán ròng tiếp trong thời gian tới, theo ông?

Việc nhanh chóng bán cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro của khối ngoại khi dịch bệnh xảy ra là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và bước vào giai đoạn kế tiếp: phục hồi kinh tế. Rủi ro lớn nhất đã qua và cơ hội phục hồi trong năm nay và năm sau là khá lớn.

Do đó, chúng tôi không thấy còn nhiều lý do để khối ngoại tiếp tục bán ròng trong thời gian tới. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn, bị ảnh hưởng về kinh tế ít hơn, khả năng hồi phục tốt hơn đa số các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam được đánh giá kiểm soát dịch bệnh tốt. Là công ty chứng khoán có lượng khách hàng tổ chức nước ngoài lớn, SSI có ghi nhận được nhu cầu, quan điểm gì của nhà đầu tư nước ngoài đối với TTCK Việt Nam?

Chúng tôi nhận thấy khá nhiều quỹ đã quan tâm và giải ngân thêm ở giai đoạn hiện tại. Thông tin trên thị trường cũng cho thấy, rất nhiều quỹ chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam đã hạ tỷ trọng tiền mặt trong tháng 4 - 5 vừa qua.

Chẳng hạn, trong báo cáo quỹ hàng tháng, quỹ VEIL của Dragon Capital hạ tỷ trọng tiền mặt cuối tháng 5 còn 1,43% so với cuối tháng 4 là 4,7%.

Quỹ VOF của Vina Capital giảm tỷ trọng tiền mặt từ 5% vào cuối tháng 3 xuống 4,4% cuối tháng 4 và nâng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết lên 57,6% từ mức 53,7%. PYN hạ tỷ trọng tiền từ 9% cuối tháng 3 về 6% trong cuối tháng 4. Vietnam Holding hạ tỷ trọng tiền mặt từ 7% cuối tháng 3 về 4% cuối tháng 4…

Tuy nhiên, về quan điểm, họ vẫn thận trọng với khả năng hồi phục của nền kinh tế ở mức từ từ do sức cầu của nền kinh tế sẽ mất thời gian để hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, du lịch và nhiều ngành khác vẫn còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc dừng các chuyến bay quốc tế.

Tổng lợi nhuận của các công ty có thể suy giảm 10 - 15% trong năm nay. Nhưng nhờ Việt Nam vẫn được đánh giá tốt hơn nhiều nước khác trong việc kiểm soát dịch bệnh và triển vọng hồi phục khá cao, do đó càng ngày càng có nhiều quỹ tự tin hơn trong việc giải ngân.

Điểm hấp dẫn mà họ nhìn thấy ở thị trường Việt Nam là gì và họ lo ngại điều gì nhất?

Điểm hấp dẫn nhất là một số ngành/công ty có khả năng hồi phục rất nhanh, thậm chí vẫn có tăng trưởng so với trước dịch. Ngoài ra, triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 là khá rõ ràng.

Tăng trưởng lợi nhuận thị trường trong năm 2021 có thể vượt qua mức 15% (do lợi nhuận 2020 ở mức thấp). Trong khi đó, giá cổ phiếu đã giảm tương đối mạnh, từ đó tạo ra cơ hội mua ở khá nhiều cổ phiếu ở mức giá rất tốt.

Điều nhà đầu tư lo ngại nhất ở thời điểm hiện tại là các yếu tố bất ngờ về dịch bệnh nếu có, ví dụ như dịch có thể bùng phát trở lại nếu Việt Nam không kiểm soát tốt khi mở cửa không phận trở lại, hoặc việc đóng cửa các chuyến bay quốc tế bị kéo dài hơn lâu dự kiến, khiến cho việc hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn ước tính.

Bên cạnh các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quen thuộc, SSI có ghi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức mới không?

Chúng tôi ghi nhận một số lượng các tổ chức mới đã gia nhập thị trường trong thời gian 2 - 3 tháng gần đây, đặc biệt khi thị trường hồi phục trở lại trong tháng 5. Tuy nhiên, con số này không thực sự nhiều nếu so sánh với các đợt bùng nổ của thị trường trước đây (ví dụ đầu năm 2018).

Tại SSI, số lượng tài khoản tổ chức nước ngoài mở mới trong tháng 3-5 là chỉ ở mức 30% so với thời điểm quý I/2018.

Các nhà đầu tư đang ưa thích lĩnh vực nào, muốn đầu tư cổ phần đã niêm yết hay công ty chưa niêm yết, góp vốn hay M&A…?

Chúng tôi nhận thấy các ngành tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ, tài chính ngân hàng, bán lẻ… khá được ưa thích. Nguyên nhân là nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng các ngành này sẽ giữ được mức tăng trưởng hợp lý và hồi phục tốt sau dịch.

Ngoài ra, các ngành vật liệu xây dựng, khu công nghiệp cũng được quan tâm do có khả năng hưởng lợi từ chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ và khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.

Việc Việt Nam thông qua EVFTA và EVIPA gần đây cũng mở ra triển vọng cho các ngành xuất khẩu trong dài hạn (thủy sản, dệt may, nông sản…) nhờ vào việc cắt giảm hầu hết các dòng thuế xuất khẩu vào thị trường châu Âu về mức 0% trong vòng 10 năm tới.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với công ty chưa niêm yết hoặc M&A từ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn cao. Một số các quỹ lớn (ví dụ SK Group) đã thực hiện khá nhiều giao dịch trong năm qua.

Chúng tôi tin rằng, đây vẫn sẽ là một lĩnh vực tiềm năng với các tổ chức đầu tư nước ngoài trong tương lai. Tuy nhiên, đối tượng đầu tư vào mảng này tương đối khác với đối tượng nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư vào cổ phần công ty niêm yết trên sàn.