"Không một cơ chế quản lý nào tốt hơn là sự cạnh tranh"
(Tài chính) Tạo lập một môi trường đầu tư có sự cạnh tranh công bằng chính là điểm mấu chốt để tăng tính hiệu quả nền kinh tế. Đó là một trong những thông điệp mà nữ Thị trưởng Trung tâm Tài chính London Alderman Fiona Woolf muốn gửi gắm đến chính phủ Việt Nam trong chuyến công du nước sở tại từ ngày 5-7/10.
“Họ chẳng bao giờ thích thú…”
Bà Fiona Woolf - với tư cách Đại sứ cho ngành dịch vụ tài chính và tư vấn chuyên nghiệp của Vương quốc Anh - cho rằng một trong những tiền đề thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế và thương mại sẵn có giữa hai nước là việc cải thiện môi trường đầu tư.
"Tôi nghĩ rằng có hai điều mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào. Đầu tiên là mức độ ổn định xã hội và khuôn khổ pháp lý. Họ chẳng bao giờ thích thú nếu những điều này thay đổi qua từng năm, đặc biệt là thay đổi về thuế, về các điều luật. Vì thế, việc làm rõ ràng các tuyên bố chính sách và thể hiện nó là điều vô cùng quan trọng. Thực lòng mà nói, tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nên có sự hợp lý hóa trong việc điều hành về hợp tác."
"Có một điều mà người ta đề cập với tôi là sự hạn chế đối với quyền sở hữu của người nước ngoài, như công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán chỉ được sở hữu 49% vốn, hay một tỷ lệ thấp hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Các công ty (nước ngoài) chỉ được hưởng lợi từ chính kinh nghiệm quản lý của họ. Hãy biết đặt ra những áp lực cạnh tranh vì chúng ta không thấy có một cơ chế quản lý nào tốt hơn là sự cạnh tranh, để tăng tính hiệu quả của nền kinh tế," bà Fiona Woolf khuyến nghị.
Việc ký thỏa thuận Đối tác chiến lược từ năm 2010 đã mở ra những định hướng cụ thể cho sự hợp tác Việt Nam-Vương quốc Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quy mô tốc độ tăn
Doanh nghiệp Anh chậm trễ?
Trong chuyến công du Việt Nam với sự tháp tùng của một phái đoàn đại diện cho các doanh nghiệp Anh, bà Fiona Woolf khẳng định rằng Việt Nam và Vương quốc Anh hoàn toàn có thể hợp tác tốt hơn, làm được nhiều việc hơn trong các lĩnh vực hợp tác.
"Vì thế, tôi đã có mặt ở đây, với tư cách của người đưa ra thông điệp của Trung tâm Tài chính London," bà Fiona Woolf quả quyết, "rằng chính phủ Việt Nam hãy tiếp tục có những hành động như đã từng có để chứng tỏ rằng Việt Nam rất cởi mở và hoan nghênh các doanh nghiệp, và việc kinh doanh (tại Việt Nam) là dễ dàng."
Trước ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Anh có thể đã... chậm trễ trong việc khai thác thị trường Việt Nam trong thời điểm rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, với những dự án rất lớn, nữ Thị trưởng Trung tâm Tài chính London cho rằng điều quan trọng là có thể đánh giá đúng tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, để từ đó nắm bắt các cơ hội đầu tư.
Ngoài hợp tác đầu tư về hạ tầng cơ sở, bà Fiona Woolf cho rằng có một số khu vực nhất định mà các doanh nghiệp Anh đã sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là những lĩnh vực mà họ có thế mạnh như y tế, năng lượng và dịch vụ năng lượng, thực phẩm, dệt may hay giáo dục, đào tạo và cấp bằng (ETQ) trong lĩnh vực tài chính và tư vấn chuyên nghiệp - một trong những thế mạnh truyền thống của Vương quốc Anh.
Cùng tham dự buổi phỏng vấn, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever cũng nhất trí với nhận định của bà Fiona Woolf về cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Anh. Theo một số báo cáo, nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 250% trong thập kỷ này, cao hơn nhiều so với một số nền kinh tế mới nổi khác.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam được Cơ quan Thương mại và Đầu tư Anh quốc (UKTI) đưa vào danh sách 20 thị trường tăng trưởng cao trên toàn thế giới (đây là những thị trường ưu tiên vì có tiềm năng lớn cho các công ty Anh quốc hợp tác với các đối tác nội địa).
Năng lượng hạt nhân dân sự
Liên quan tới lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi, Đại sứ Giles Lever cho rằng dù thực tế, trữ lượng dầu khí của Việt Nam chưa thể so sánh với những quốc gia như Saudi Arabia hay Iran, nhưng đang có tiềm năng hợp tác rất lớn giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực hóa lọc dầu, sản xuất khí đốt tự nhiên. Ngoài ra, Đại sứ cũng khẳng định: "Chúng tôi cũng rất tập trung, ủng hộ chính phủ Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân dân sự. Chúng tôi có thế mạnh trong lĩnh vực này, với năng lực kỹ thuật sản xuất điện hạt nhân chất lượng cao."
Về lĩnh vực hợp tác tài chính, một trong nội dung chính của thỏa thuận Đối tác chiến lược, bà Fiona Woolf cho biết, lý do bà có mặt tại Việt Nam lần này với phái đoàn doanh nghiệp Anh là "để nói lên rằng, đây đặc biệt là thời điểm rõ ràng để chúng ta thực hiện điều đó (hợp tác tài chính), vì Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và năng lực kiểm soát nền kinh tế với tỷ lệ lạm phát đang giảm."
"Đang có sự tập trung, thu hút thực sự vào Việt Nam như là một quốc gia có sự hợp tác về tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, mà tôi nghĩ rằng đó sẽ là điểm tiềm năng thu hút nhiều đầu tư trực tiếp và thương mại. Và điều đó là hết sức tốt đẹp cho cả hai nước," nữ Thị trưởng thứ hai trong lịch sử 800 năm của Trung tâm Tài chính London nhận định.
Đại sứ Giles Lever cũng cho rằng một trong những lợi ích từ thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam-Anh năm 2010 là tạo ra một khuôn khổ toàn diện cho quan hệ đối tác trong những lĩnh vực cụ thể. Sau thỏa thuận trên, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Vương quốc Anh đã ký một số bản ghi nhớ (MOU). Và ở bản MOU thứ hai, hai nước đã thống nhất về sự hợp tác về kỹ thuật, ví dụ như điều hành các thị trường tài chính, phát triển trong khuôn khổ đào tạo và cấp bằng (ETQ) trong lĩnh vực tài chính và tư vấn chuyên nghiệp.
Đại sứ nhấn mạnh: "Vì vậy, tôi nghĩ rằng bản MOU giữa hai bộ đã khẳng định tính hữu dụng và tôi hy vọng trong tương lai, hai bên sẽ gia hạn và kéo dài bản ghi nhớ này cho sự hợp tác lâu dài hơn.''
Một trong những kinh nghiệm về tài chính và tư vấn chuyên nghiệp mà phía Anh muốn chia sẻ với Việt Nam, là kinh nghiệm khác phát triển trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. Theo bà Fiona Woolf, khi đã có những kế hoạch đầy tham vọng về phát triển hạ tầng cơ sở, Việt Nam cần có một năng lực cần thiết về tài chính để sử dụng hợp tác công-tư mà mỗi quốc gia đều đang sử dụng cho phát triển hạ tầng.
Sau các cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam phát triển khu vực dịch vụ tài chính, bà Fiona Woolf đã đề xuất Việt Nam thực hiện một số cải cách khu vực ngân hàng, phát triển các thị trường vốn, đặc biệt là khu vực bảo hiểm của Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng lớn./.