Không nên né tránh kiện thương mại
(Tài chính) Đã có nhiều vụ kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, thậm chí là “kiện kép” xảy ra đối với các ngành hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Chủ động ứng phó với các vụ kiện là biện pháp duy nhất trong thời điểm hiện nay khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.
Có thể thấy rằng, thị trường Mỹ là một trong số những thị trường áp dụng nhiều biện pháp để “làm khó” hàng XK của Việt Nam. Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết luận đánh thuế chống bán phá giá cao một cách vô lý, với mức tăng trên 25 lần, đối với cá tra Việt Nam. Thông tin này làm tăng thêm khó khăn cho các DN XK cá tra bởi hiện tại người nông dân và DN đang “điêu đứng” do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và nhu cầu thị trường suy giảm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, với kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 8 (POR8), những DN có mức thuế cao sẽ không thể tiếp tục XK cá tra sang Mỹ trong năm nay.
Hoặc như mặt hàng tôm Việt Nam XK sang thị trường này, dù đã được “nới lỏng” các biện pháp chống bán phá giá (lần đầu tiên trong gần 10 năm xem xét vụ kiện với tôm Việt Nam, DOC công nhận tất cả các DN tham gia không bán phá giá) nhưng tôm Việt Nam vẫn không thoát khỏi vụ kiện chống trợ cấp. Hiện DOC vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện về chống trợ cấp, cùng với mặt hàng này của Việt Nam và một số quốc gia khác.
Như vậy, không chỉ đơn thuần là bị kiện mà các DN Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều vụ “kiện kép” đang trở nên phổ biến. Hơn nữa, tính phổ biến của các vụ kiện đã lan sang cả những thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Những mặt hàng bị kiện ở một số thị trường này có kim ngạch XK không phải là lớn như thép cuộn cán nguội, tôn tráng kẽm và tôn phủ màu... Ngay cả những ngành hàng chưa từng bị kiện cũng luôn tỏ ra lo lắng.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may dù chưa phải đối mặt với kiện phòng vệ, nhưng đây lại là nỗi lo thường trực với các DN trong ngành. Bởi các nước có thể “vin” vào mức tăng trưởng tốt của ngành để lấy cớ điều tra phòng vệ thương mại.
Chủ động
Trước sự dồn dập của các vụ kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các cơ quan liên quan, trong đó trực tiếp thực hiện là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần đưa ra hướng nghiên cứu cụ thể hơn để có những cảnh báo từ các thị trường, đặc biệt là các thị trường mới nổi.
Bởi hiện nay, trong lúc khó khăn về thị trường, chúng ta rất cần thị trường mới nổi, nhưng nếu không lưu ý về vấn đề tranh chấp thương mại thì sẽ mất rất nhiều công sức và bản thân DN cũng sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong hoạt động XK. Vì thế, Cục Quản lý cạnh tranh cần đưa ra định hướng cho những ngành hàng chính như nông sản, thủy sản và các ngành mới như tôn, thép. “Nếu những vấn đề phòng vệ và tranh chấp thương mại không xử lý được thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của DN”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hiện Cục Quản lý cạnh tranh đã khởi động chương trình cảnh báo sớm trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại đối với thị trường Mỹ - thị trường XK lớn nhất của Việt Nam và tiến tới mở rộng ra các thị trường XK khác để DN theo dõi. Cục Quản lý cạnh tranh cũng thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo và có những thông báo cụ thể về nguy cơ điều tra đến các DN trên website về cảnh báo sớm.
Đối với quốc gia có thế mạnh XK như Việt Nam, xu hướng kiện phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng là không thể tránh khỏi. Do vậy, DN không nên né tránh mà phải xem như đây là tiến trình bình thường trong thương mại quốc tế. Việc chủ động thích nghi, đối mặt với các vụ kiện và tìm cách để ứng phó là điều cần thiết với các DN.
Theo đó, DN cần chủ động theo dõi để có điều chỉnh phù hợp khi XK, không nên bán sản phẩm dưới giá thành và cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo uy tín, chất lượng cho hàng XK của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khuyến cáo, các DN, đặc biệt là tập đoàn lớn, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động pháp lý, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, có am hiểu chuyên sâu về các vấn đề phòng vệ thương mại, kiện chống bán phá giá, để khi có những vấn đề liên quan sẽ có cơ sở ứng phó tốt hơn.