Khung pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Nhật Bản, Canada và thực tiễn ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tiền kỹ thuật số chưa được công nhận, chưa có hành lang pháp lý cho thị trường tiền kỹ thuật số.
Mặc dù, thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh thị trường tiền kỹ thuật số, nhưng hoạt động kinh doanh tiền kỹ thuật số diễn ra sôi động và liên tục mở rộng phạm vi và quy mô. Bài viết đánh giá kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý điều chỉnh thị trường tiền kỹ thuật số và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam.
Khung pháp lý điều chỉnh thị trường tiền kỹ thuật số tại một số quốc gia
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, hoạt động kinh doanh và trao đổi tiền kỹ thuật số được điều chỉnh bởi Đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2016). Theo đó, Luật Dịch vụ thanh toán quy định tiền kỹ thuật số được hiểu là loại phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng không phải là một loại tiền tệ.
Cụ thể, Điều 2 Khoản 5, Luật Dịch vụ thanh toán định nghĩa: Tiền kỹ thuật số được hiểu là: (i) Giá trị tài sản có thể được sử dụng làm khoản thanh toán cho việc mua bán, cho thuê hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ bởi những người không xác định và có thể chuyển nhượng qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử; (ii) Giá trị tài sản có thể trao đổi qua lại cho nhau bởi những người không xác định và có thể chuyển nhượng thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Từ định nghĩa trên, thuật ngữ “tiền kỹ thuật số” đã được các nhà lập pháp Nhật Bản đưa ra các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, tiền kỹ thuật số được xác định là một giá trị tài sản. Các thông tin về chủ sở hữu và các bên trong giao dịch tiền kỹ thuật số mang tính chất “ẩn danh”.
Thứ hai, khác so với đồng tiền pháp định được phát hành bởi ngân hàng trung ương, đảm bảo tính thanh khoản và được quản lý một cách tập trung, thống nhất bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, tiền kỹ thuật số không phải là một loại tiền tệ, do đó không được đảm bảo tính thanh khoản bắt buộc. Tiền kỹ thuật số có giá trị đối với các bên chấp nhận nó là một loại hình thanh toán.
Thứ ba, tiền kỹ thuật số với đặc tính được lưu giữ trên các thiết bị điện tử hoặc các phương thức điện tử. Do đó, các giao dịch tiền kỹ thuật số đòi hỏi phải được thực hiện thông qua hệ thống mạng internet.
Một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính tại Nhật Bản nhận định: Tiền kỹ thuật số được coi là một loại tài sản. Tuy nhiên, theo các luật chuyên ngành như: Luật Thi hành án dân sự và Luật Thu hồi thuế quốc gia của Nhật Bản thì tiền kỹ thuật số không thuộc diện tài sản có thể kê biên để thi hành án. Do đó, trường hợp một cá nhân hay công ty quy đổi tài sản của mình sang tiền kỹ thuật số trước khi công ty bị phá sản, các chủ nợ sẽ không thể thu hồi được lượng tài sản đã được quy đổi sang tiền kỹ thuật số đó.
Theo Luật Dịch vụ thanh toán Nhật Bản, các công ty phát hành tiền kỹ thuật số lần đầu ra công chúng nếu thỏa mãn các điều kiện về giá trị tài sản được quy định tại Điều 2 Khoản 5 của Luật Dịch vụ thanh toán hoặc các công ty hoạt động cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số một cách thường xuyên sẽ phải đăng ký với Cục Tài chính ở địa phương mới được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số.
Công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số cũng phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ về nghĩa vụ cung cấp thông tin về phí, điều khoản và điều kiện của hợp đồng sử dụng dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số phải được doanh nghiệp giải thích cho nhà đầu tư.
Đạo luật ngăn ngừa chuyển tiền trong tố tụng hình sự Nhật Bản quy định, các công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số có nghĩa vụ kiểm tra danh tính của nhà đầu tư tiến hành mở tài khoản, lưu giữ hồ sơ giao dịch và thông báo cho cơ quan chức năng khi nhận ra giao dịch đáng ngờ.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) là cơ quan quản lý tài chính quốc gia chịu trách nhiệm giám sát, quản lý những hoạt động liên quan đến việc giao dịch, trao đổi tiền kỹ thuật số. Luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản yêu cầu tất cả các trao đổi tiền kỹ thuật số phải được đăng ký theo giấy phép của FSA. Đồng thời, các công ty kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ kế toán về các giao dịch tiền kỹ thuật số tại doanh nghiệp và gửi báo cáo kinh doanh cho FSA vào khoảng thời gian cuối năm tài chính. Cơ quan Dịch vụ Tài chính có quyền thanh tra các doanh nghiệp và có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện hoạt động kinh doanh theo thời hạn luật định. FSA có thể hủy bỏ việc đăng ký kinh doanh trao đổi tiền kỹ thuật số hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp với thời hạn tối đa 6 tháng.
Canada
Pháp luật Canada cho phép sử dụng tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin. Theo Cơ quan tiêu dùng tài chính Canada, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại tiền kỹ thuật số để mua hàng hóa và dịch vụ trên internet và trong các công ty chấp nhận tiền kỹ thuật số. Đồng thời, người tiêu dùng có thể mua và bán tiền kỹ thuật số trên các sàn giao dịch mở. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin, không được coi là tiền tệ hợp pháp tại Canada. Cụ thể, Đạo luật tiền tệ Canada năm 1985 định nghĩa tiền tệ hợp pháp là: Tiền giấy và tiền đồng do Ngân hàng Canada phát hành.
Về khung pháp lý thì Canada thông qua Đạo luật tài chính (Bill C-31), trong đó có quy định một số điều khoản liên quan đến tiền kỹ thuật số thông qua việc quy định các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền và chống khủng bố tài chính. Theo đó, Khoản 1 Điều 29 Đạo luật Bill C-31 quy định: Hoạt động chuyển tiền kỹ thuật số được hiểu là việc sử dụng các thiết bị điện tử, thiết bị điện thoại hay bất kỳ máy tính nào để thực hiện truyền tải lệnh chuyển tiền, trong trường hợp sử dụng tin nhắn viễn thông liên ngân hàng thì chỉ bao gồm loại tin nhắn SWIFT MT103.
Như vậy, Luật Thực định Canada không công nhận tiền kỹ thuật số là tiền pháp định. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số được quy định là công cụ tài chính, do đó tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng để thanh toán cho các giao dịch. Các quy định về thuế của Canada cũng áp dụng cho các giao dịch tiền kỹ thuật số. Theo cơ quan thuế của Canada thì việc sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ được coi là một giao dịch trao đổi, do đó phải được đưa vào thu nhập của người bán hoặc người cung ứng dịch vụ để tính thuế. Vì vậy, bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào từ việc sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ đều phải được khai báo thuế.
Đồng thời, Đạo luật Bill C-31 không cho phép các ngân hàng mở tài khoản cho tiền kỹ thuật số dưới dạng dịch vụ chuyển đổi tiền nếu chưa được đăng ký. Cụ thể, các ngân hàng sẽ bị cấm mở và duy trì quan hệ ngân hàng đại lý với tiền kỹ thuật số dưới dạng dịch vụ chuyển đổi tiền mà chưa được đăng ký với Trung tâm phân tích báo cáo và giao dịch tài chính Canada.
Khung pháp lý điều chỉnh thị trường kỹ thuật số tại Việt Nam và kiến nghị giải pháp
Khung pháp lý điều chỉnh thị trường kỹ thuật số tại Việt Nam
Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số, vì vậy chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Theo Bộ Công Thương Việt Nam (2017), Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nhận định, Bitcoin (và các loại tiền kỹ thuật số tương tự) không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể, ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản với quan điểm: “Bitcoin, Litecoin không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động đầu tư, kinh doanh và huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh.
Trước tình hình đó, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác. Chỉ thị nêu rõ, việc sử dụng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo bởi tiền kỹ thuật số có tính ẩn danh, hoạt động phân tán và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Do vậy, để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật,
Đồng thời, ngày 20/7/2018, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) ban hành Công văn số 4486/UBCK-GSDC yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản và Quỹ Đầu tư chứng khoán tuân thủ các quy định sau: (i) Không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động phát hành, giao dịch hoặc môi giới giao dịch bất hợp pháp nào liên quan đến tiền kỹ thuật số; (ii) Tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Dưới góc độ luật thực định thì kỹ thuật số không được công nhận là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định, chỉ có Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền phát hành tiền giấy, tiền kim loại là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ) quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại các trường hợp nêu trên...
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm Khoản 6 Điều 27 Nghi định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân và đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 48 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14.
Kiến nghị một số giải pháp
Với sự phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là điều tất yếu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý được tiền kỹ thuật số. Việc thừa nhận thị trường kỹ thuật số và xây dựng khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số là xu thế tất yếu. Thống kê cho thấy, trên thế giới có 40% quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ và không đưa ra các quy định hạn chế giao dịch đối với tiền kỹ thuật số.
Việc xây dựng khung pháp lý quản lý thị trường tiền kỹ thuật số cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép sử dụng tiền kỹ thuật số để giao dịch, tuy nhiên phải kiểm soát được các rủi ro, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và hội nhập quốc tế. Điều này sẽ tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sử dụng tiền kỹ thuật số; đồng thời, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ việc thu thuế các giao dịch sử dụng tiền kỹ thuật số. Theo đó, cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, xác định tiền kỹ thuật số là công cụ thanh toán hợp pháp. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, tiền kỹ thuật số chịu sự điều chỉnh của Luật Dịch vụ thanh toán. Trường hợp chào bán tiền kỹ thuật số lần đầu ra công chúng mà thỏa mãn các điều kiện như việc đầu tư và mua đồng tiền kỹ thuật mới phát hành bằng một loại tiền kỹ thuật số khác thực tế có tính chất tương đương như việc sử dụng đồng tiền pháp định để đầu tư, thì việc chào bán tiền kỹ thuật lần đầu ra công chúng được xem như hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng và phải tuân theo quy định của Luật Công cụ và giao dịch tài sản.
Thứ hai, quy định tiền kỹ thuật số là tài sản theo pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Các bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Vậy, trong các loại tài sản mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như trên, liệu có thể xếp tiền kỹ thuật số vào nhóm quyền tài sản do tính chất vô hình của nó. Với những quy định hiện có đủ để nói rằng tiền kỹ thuật là một loại tài sản, mà cụ thể đó là quyền tài sản. Quyền tài sản này thuộc về nhóm động sản do không gắn liền với bất kỳ bất động sản nào theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ ba, cần quy định lộ trình cụ thể về việc xây dựng khung pháp lý về thị trường tiền kỹ thuật số. Nghiên cứu cho thấy, mặc dù một số quốc gia đã quan tâm về tiền kỹ thuật số, nhưng các cơ quan chức năng không đưa ra lộ trình phát triển cụ thể. Điển hình như: Chính phủ Pháp nhận định: Nếu sử dụng tiền kỹ thuật số để trao đổi không thường xuyên nhằm mục đích thương mại thì đánh thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nếu việc trao đổi tiền kỹ thuật số thường xuyên thì sẽ bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Ở Pháp, các nhà luật học đang tìm hiểu các vấn đề pháp lý chưa được biết đến trên nhiều phương diện để có thể làm rõ các khái niệm: cơ sở dữ liệu blockchain, cách tạo ra tiền kỹ thuật số (tiền hay thẻ) và dưới góc độ pháp lý hợp đồng thông minh. Nhiều vấn đề pháp lý được các luật gia đặt ra và chưa có giải pháp cụ thể. Ngoài ra, chính sách tiền tệ của các quốc gia liên quan đến sự bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, trong khi đó giá trị của tiền kỹ thuật số thay đổi gần như mỗi ngày. Do vậy, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng khung pháp lý về thị trường tiền kỹ thuật số.
Thứ tư, thiết lập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số trên thị trường. Việc thiết lập ra một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số “tập trung” có thể giúp vận hành và quản lý thị trường hiệu quả. Qua đó, Nhà nước có thể giám sát, thu thuế và kiểm soát hành vi bất chính nhằm bảo vệ nhà đầu tư khỏi nguy cơ lừa đảo, huy động vốn trái phép. Tuy nhiên, để được phép hoạt động thì các sàn giao dịch phải đăng ký giấy phép hoạt động với cơ quan chức năng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập. Đồng thời, tuân thủ các quy định khác như hệ thống máy tính ổn định, kiểm tra được hồ sơ nhà đầu tư để tránh rửa tiền, đa dạng hóa sản phẩm cũng như các loại hình bảo hiểm rủi ro cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Thứ năm, xây dựng cơ quan chuyên trách giám sát. Hoạt động mua bán, trao đổi và cung cấp các dịch vụ về tiền kỹ thuật số có mức độ rủi ro và ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ quốc gia nếu như không được kiểm soát thích hợp và chặt chẽ. Do đó, thành lập và trao quyền cho một cơ quan chuyên trách để quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số (Ví dụ: Cơ quan FSA Nhật Bản) là phù hợp trong quá trình xây dựng khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam.
Thứ sáu, xây dựng đồng tiền kỹ thuật số có phạm vi giao dịch trên toàn quốc. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, xây dựng kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật được sử dụng trên phạm vi toàn quốc với tên gọi J-Coin. Đồng J-Coin sẽ được buộc “tỷ giá” với đồng Yên Nhật và được sử dụng cho hoạt động thanh toán và chuyển tiền thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.
Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài mã số: KTD 2019-06 (Quyết định số 687/2019/QĐ-ĐHKTĐN).
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2017), Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khuyến cáo về việc giao dịch tiền kỹ thuật số trên các website thương mại điện tử;
2. Nguyễn Thị Hiền (2018), “Một số khuyến nghị hoàn thiện khung pháp lý quản lý các loại tiền kỹ thuật số, tiền điện tử”, Tạp chí Tài chính số 680, tháng 5/2018;
3. Đồng Thị Huyền Nga, Hoàng Thảo Anh (2019), “Blockchain, và hợp đồng thông minh- Xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra”, Hội thảo quốc tế Trách nhiệm dân sự và hợp đồng - Kinh nghiệm của Việt Nam và Liên minh châu Âu , Trường Đại học Luật, Đại học Huế;
4. Nguyễn Huy Hoàng Nam (2018), “Chào bán tiền kỹ thuật số lần đầu ra công chúng ở Nhật Bản và vấn đề xây dựng pháp luật về quản lý tiền kỹ thuật số ở Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số 313;
5. Payment Services Act, Act No. 59 of 2009, as amended by Act No. 62 of 2016,http://www.japaneselawtranslation.go.jp/law/detail/?id=3078&vm=02&re=02&new=1.