Khuyến nghị chính sách phát triển ngành ôtô - xe điện Việt Nam
Sự bùng nổ của xe điện thực sự tạo ra cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam tạo dựng vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.
Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã xây dựng báo cáo về chuỗi cung ứng trong ngành ô tô - xe điện nhằm đánh giá lại tác động của dịch COVID-19 lên chuỗi cung ứng của ô tô - xe điện, khuyến nghị chính sách để Việt Nam tăng cường tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành công nghiệp ô tô đuối sức
Theo Bộ Công Thương, hiện nay trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó có một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Chính vì thế, vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực thụ.
Giá bán xe vẫn ở mức cao nhưng chất lượng vẫn thua kém xe nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra.
Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.
Tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh ở chính thị trường nội địa và khu vực.
Cơ hội đặt vào xe điện
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết có khoảng 3 triệu chiếc ô tô điện đăng ký mới trong năm 2020, tăng kỷ lục hơn 41% so với năm 2019. Họ cũng dự báo lượng ô tô điện, xe buýt, xe tải và xe tải hạng nặng tham gia giao thông đến năm 2030 sẽ đạt 145 triệu chiếc.
Hơn 3 triệu chiếc xe điện bán ra chỉ chiếm 5% doanh số ô tô nói chung nhưng theo dự báo của ngân hàng đầu tư UBS, đến năm 2025, 20% tổng số ô tô mới bán ra trên toàn cầu sẽ là xe điện. Con số này sẽ tăng vọt lên 40% vào năm 2030 và đến năm 2040, hầu như mọi chiếc ô tô mới được bán trên toàn cầu sẽ là xe điện. Thậm chí có những nơi có chất lượng cuộc sống cao như Norway, doanh số bán xe điện đã chiếm 54% so với xăng và diesel năm 2020.
Ngành công nghiệp ô tô đang có dấu hiệu bước sang kỷ nguyên xe điện.
Khác với ngành công nghiệp ô tô truyền thống đã hình thành cả trăm năm nay với các siêu cường thống trị như Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. Điểm xuất phát của các doanh nghiệp trong ngành xe điện hiện gần như bằng nhau.
Đó chính là cơ hội cho những doanh nghiệp mới nhảy vào ngành và những nước như Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ vào hệ sinh thái xe điện.
Để tạo cơ hội cho chính mình, theo UNDP, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa hai yếu tố cung và cầu. Lộ trình xác định các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng.
Mục tiêu chính của lộ trình là thay thế nhập khẩu, thậm chí tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Cụ thể: thành lập cơ quan ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm và điều phối các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai lộ trình, xây dựng bộ tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn chung để khuyến khích sản xuất trong nước, xây dựng tiêu chuẩn khí thải chuyên biệt cho các loại xe trên thị trường.
Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phân tích toàn diện về mức độ sử dụng, mật độ phương tiện, mô hình giao thông và tình trạng tắc nghẽn và phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện.
Sự bùng nổ của xe điện thực sự tạo ra cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam tạo dựng vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.