Kịch bản điều hành giá năm 2013
(Tài chính) Không chủ quan trong công tác điều hành, quản lý giá năm 2013 bởi năm 2012 có thể coi là năm thành công khi chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt. Trong cuộc hội thảo mới đây của Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần thận trọng trong lộ trình điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bởi áp lực tăng giá những mặt hàng này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lạm phát trong năm 2013.
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), năm 2013 tuy được kế thừa những kết quả tích cực bước đầu từ việc kiềm chế lạm phát của năm 2012 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là những yếu kém, tồn tại chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn như: quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ là bước đầu, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, kết quả kiềm chế lạm phát chưa thật vững chắc, sức đề kháng của nền kinh tế trước những cú sốc lớn từ thị trường bên ngoài và các yếu tố thiên tai, dịch bệnh… chưa cao.
Bên cạnh đó, tác động (theo độ trễ) của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, phục vụ mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường từ năm 2012 chuyển qua; cộng với việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, than, dịch vụ công.... sẽ là những áp lực gây tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Cục Quản lý Giá cho rằng, việc giữ cho lạm phát ở mức độ ổn định sẽ là điều kiện cơ bản để nền kinh tế có cơ sở vững chắc để tăng trưởng bền vững. Do đó, đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ và linh hoạt của nhiều giải pháp, công cụ chính sách kinh tế trong đó có giải pháp quản lý, điều hành giá cả.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, những dự báo này cho thấy tiềm ẩn của lạm phát trong năm 2013. Cùng với các nguyên nhân sâu xa, căn bản từ cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, dù đang được khắc phục song chắc chắn vẫn còn rất yếu, “các yếu tố chi phí đẩy sẽ kích lạm phát lên nếu điều hành không nhất quán và đúng hướng”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, khuyến cáo.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác quản lý và điều hành giá các mặt hàng thiết yếu phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp mục tiêu. Quan trọng nhất là công bố giá minh bạch với người tiêu dùng. Việc thắt chặt quản lý cũng phải được thực hiện ngay từ đầu năm.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp tục khuyến khích thực hiện hiệu quả nhằm tránh tình trạng giá hàng hóa mang tính thời vụ trong những thời kỳ cao điểm. Bên cạnh đó, các địa phương có thể nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng vật tư, thiết yếu…
Cục Quản lý Giá cho biết, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2013 sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và điều hành giá thông qua việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giá.
Đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu thị trường và phù hợp với các quy định của pháp luật; Nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá hàng hóa dịch vụ và mặt bằng giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá theo quy định của pháp luật...
Ngoài ra, sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá; Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, xử lý, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...