Kịch bản nào cho thị trường dầu mỏ?

Theo Trần Võ/nhadautu.vn/CNBC

OPEC và các đồng minh đã gây ra một cú sốc lớn cho thị trường dầu mỏ sau khi họ tuyên bố hoãn vô thời hạn các cuộc đàm phán để giải quyết bất đồng về việc hạn chế sản lượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giá dầu thô lần đầu tiên tăng lên mức cao nhất trong sáu năm, sau đó giảm xuống và sự không chắc chắn tiếp tục đeo bám chính sách OPEC+ trong tương lai.

Nhưng ít nhất các nhà phân tích năng lượng vẫn mong đợi một bước đột phá sẽ sớm đến.

Stephen Schork, cố vấn chính tại công ty phân tích năng lượng The Schork Group, cho biết: "Tôi nghĩ rằng rất có thể vấn đề sẽ sớm được giải quyết. OPEC là tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều năm qua, và họ sẽ không muốn đánh mất vị thế của mình".

Xung đột trong OPEC

Liên minh năng lượng đã nhóm họp vào tuần trước để thảo luận về chính sách sản lượng, nhưng UAE đã bất ngờ bác bỏ các đề xuất tăng nguồn cung và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng còn lại đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như đã thỏa thuận trước đó.

Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng của UAE, nói rằng đó "không phải là một thỏa thuận tốt" vì việc cắt giảm sản lượng được đo lường dựa trên mức sản lượng cơ bản năm 2018.

Nước này đã tăng công suất sản xuất, nhưng không thể bơm thêm dầu trong khi thỏa thuận OPEC vẫn còn hiệu lực.

Nga được cho là đang cố gắng đàm phán một giải pháp.

Neil Beveridge, một nhà phân tích tại Bernstein, cho biết chính sách của OPEC đã tập trung vào việc kiểm soát nguồn cung để quản lý giá cả. Tuy nhiên, UAE đang nhìn nhận tình hình dưới góc độ thị phần của thị trường và đó là lý do vì sao họ muốn tăng hạn ngạch lên mức cao hơn.

Dầu 50 USD so với dầu 100 USD

Các nhà quan sát cho rằng hai kịch bản có thể xảy ra nếu OPEC không đạt được thỏa thuận mới. Đầu tiên là sự sụt giảm giá cả.

Ông Beveridge lưu ý rằng OPEC hiện đang có gần 6 triệu thùng công suất dự phòng. Nếu các quốc gia quyết định tăng nguồn cung và giành thị phần, thì ảnh hưởng có thể là rất "đáng kể".

"Chúng ta có thể thấy giá dầu giảm trở lại dưới 50 USD một lần nữa… khá nhanh, nếu điều đó xảy ra", ông nói.

Kịch bản thứ hai là kịch bản mà các quốc gia tiếp tục sản xuất dầu theo hạn ngạch đã được thỏa thuận trước đó. Giá dầu sẽ tăng đột biến, có thể lên tới 100 US/thùng, với nhu cầu vượt cung.

Theo ông Schork, OPEC có lẽ không muốn con thuyền "rung chuyển" theo cả hai hướng.

"Họ đang ở một vị trí rất tốt vào thời điểm này. Tại sao họ lại phải chấp nhận rủi ro, khả năng xảy ra một cuộc chiến giá cả?", ông nhận định.

Mặt khác, giá dầu quá cao không phải kết quả lý tưởng. "Càng lên cao, bạn sẽ bắt đầu nghe thấy những luồng gió chính trị chống lại họ, đặc biệt là ở Mỹ", ông nói thêm.

Giải pháp

Stephen Schork cho biết ông tin rằng UAE sẽ được phép tăng sản lượng và nước này sẽ tuân theo hạn ngạch của họ.

Tuy nhiên, các thành viên OPEC+ khác cũng sẽ muốn tăng hạn ngạch sản xuất của họ.

"Điều đó có thể dẫn đến việc sụt đổ hoàn toàn thỏa thuận OPEC mà chúng ta có… và điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự giảm giá rất đáng kể đối với giá cả. Thỏa thuận chỉ có hiệu quả nếu tất cả mọi người đều cam kết thực hiện, nhưng hãy lưu ý rằng đã có sự tuân thủ rất tốt từ các thành viên OPEC trong 12 tháng qua", ông nói.

Về dài hạn, ông Schork cho biết liên minh sản xuất dầu sẽ được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng.

"Khi các công ty dầu mỏ phương Tây vượt qua chính mình trong những năm tới để trung hòa cacbon, thị phần của OPEC trên thị trường dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên. Tất cả các cầu thủ bên phía OPEC đều có thể chơi tốt, vì vậy tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm có cách giải quyết cho tình hình", ông nói thêm rằng nhu cầu dầu có thể sẽ tăng cho đến cuối thập kỷ.