Tỉnh Bạc Liêu:
Kích cầu tiêu dùng nội địa cuối năm
Dịp cuối năm là thời điểm “vàng” để người dân tập trung mua sắm chuẩn bị Tết. Tận dụng khoảng thời gian này, các đơn vị bán lẻ và doanh nghiệp (DN) chủ động tăng cường nhiều hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, mở rộng các kênh tiêu thụ và tung ra các chương trình khuyến mại đón sóng tiêu dùng cuối năm.
Xuất hiện nhiều chương trình khuyến mại
Bên cạnh chương trình khuyến mại thường kỳ, trong tháng 11 này, các đơn vị sẽ tổ chức Ngày mua sắm - Black Friday, không chỉ để gia tăng sức mua mà còn là dịp tri ân khách hàng. Tại các siêu thị, cửa hàng, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh, hàng Việt đa dạng hơn cả về chủng loại và mẫu mã sản phẩm, chất lượng cũng được nâng cao để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại.
Theo ông Huỳnh Thanh Điền - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Bạc Liêu, do kinh tế gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên kết quả kinh doanh của siêu thị giảm 20% so với cùng kỳ. Kỳ vọng thị trường sẽ “ấm lên” trong mua sắm cuối năm và dịp Tết, siêu thị đã chủ động tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với các tháng kinh doanh bình thường. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tri ân khách hàng thông qua tặng quà, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, nhất là hàng hóa mang nhãn riêng Co.opMart.
Với ngành hàng điện tử, đồ gia dụng, các đơn vị kinh doanh bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm có giá khuyến mại hấp dẫn để tăng doanh thu. “Mùa kinh doanh cuối năm được xem là cơ hội “vàng” để siêu thị bứt phá doanh thu. Hiện siêu thị đã tăng lượng hàng hóa gấp đôi so với bình thường và áp dụng khuyến mại từ 30 - 50%”, ông Phạm Chí Nguyện - quản lý Siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn, cho hay.
Mấy ngày qua, các cửa hàng, shop quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức cũng tăng cường triển khai các chương trình giảm giá để tăng sự chú ý, nâng cao sức mua của khách hàng như: tri ân khách hàng, xả hàng cuối năm… Song song đó là tăng cường bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người tiêu dùng.
Tăng cường giải pháp bình ổn thị trường
Toàn tỉnh hiện có 6 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 63 chợ, 24 cửa hàng tiện lợi, 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và hàng chục ngàn điểm mua bán các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, vật tư, sản phẩm hàng hóa nông - thủy sản được phân bổ dọc các trục giao thông và các cụm dân cư trong tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc phát triển rầm rộ của các hệ thống bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ của tỉnh luôn ở đà khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng qua đạt gần 63.000 tỷ đồng, tăng 19,38% so với cùng kỳ.
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2024, Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng; quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tuyên truyền, khuyến khích DN tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường. Tổ chức rà soát, đôn đốc các DN, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tổ chức sắp xếp trật tự kinh doanh văn minh, an toàn mua bán và tăng sức mua bán tại hệ thống chợ; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành lân cận và các DN ở các tỉnh nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, tìm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh; tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn...
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn, bán lẻ để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường. Xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất - kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.