Áp lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa
Trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ thương mại tăng trưởng âm như trong 5 tháng đầu năm. Tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới trông chờ nhiều ở trụ cột tiêu dùng trong nước.
Đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế - TS.Võ Trí Thành cho biết: trong khảo sát gần đây nhất của VCCI, doanh nghiệp đưa ra nhiều điểm nghẽn, trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, điểm nghẽn đầu tiên tất cả doanh nghiệp đều đề cập là giảm đơn hàng, suy giảm nhu cầu mua sắm và suy giam thị trường mà doanh nghiệp có thể bán được hàng hoá, dù đó là thị trường trong nước hay nước ngoài.
Nhìn ra thị trường nước ngoài, theo TS. Võ Trí Thành, trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ thương mại tăng trưởng âm như trong 5 tháng đầu năm nay với mức âm khá cao, cả xuất nhập khẩu khoảng 14 - 15%. Nhìn sâu hơn, xuất khẩu tăng trưởng âm phản ánh sự co hẹp của thị trường do khó khăn về tài chính, lạm phát.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng trưởng âm cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp vì nhập khẩu liên quan đến đầu ra xuất khẩu, phần lớn doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị máy móc liên quan đến đầu tư. Phần suy giảm này cho thấy đầu tư ở khu vực tư nhân chững lại trong khi đầu tư cũng là một trong thành tố của “cỗ xe tam mã” tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa).
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy, chỉ số xuất nhập khẩu hàng hoá chưa có điểm sáng. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 5 cũng đạt mức 6%, thấp hơn so với năm 2022 do nhu cầu bên ngoài yếu. Nhập khẩu giảm 18,4% phản ánh nhu cầu giảm dần đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Theo WB, chỉ số trên cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ còn tiến triển chậm trong những tháng tới.
Trong khi đó, doanh thu bán lẻ trong tháng 5 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với mức tăng trưởng trong tháng 4 trước đó. Doanh thu bán hàng hóa cải thiện từ mức 9,7% trong tháng 4 tăng lên 10,9% trong tháng 5. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ giảm từ 19,2% trong tháng 4 xuống còn 7,6% trong tháng 5.
Cũng theo công bố của WB, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 2,8% trong tháng 4 xuống mức 2,4% trong tháng 5 do giá năng lượng toàn cầu và chi phí vận tải trong nước giảm. Lạm phát cơ bản vẫn còn ở mức khá cao khi được ghi nhận là 4,5% trong tháng 5, gần như ngang bằng với mức 4,6% trong tháng 4.
Từ những chỉ số tích cực trên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, tốc độ tăng trưởng hàng hoá tiêu dùng mang đến những tín hiệu tích cực, trở thành trụ đỡ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới khi hai trụ cột còn lại chưa có sự bứt phá.
TS Võ Trí Thành cho rằng, dù có những tín hiệu tích cực song thị trường tiêu dùng nội địa vẫn tiềm năng còn lớn để tạo tăng trưởng tốt hơn. Để làm được điều này, cần giải quyết một số vấn đề tồn tại.
Thứ nhất, trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, cần chú ý đến xu hướng chuyển dịch điểm đến của khách du lịch Việt Nam từ du lịch trong nước sang du lịch nước ngoài. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam dù vẫn đang tăng trưởng nhưng con số đạt được vẫn thấp hơn so với tiềm năng và so với các nước láng giềng.
Thứ hai, cần tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nội địa, hình thành chuỗi cung ứng, phân phối và tiêu thụ hàng nội địa. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, một số chính sách kích cầu như giảm thuế VAT, thay đổi chính sách visa… góp phần thúc đẩy tăng trưởng nội địa.
Chia sẻ thêm về nội dung này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Vụ nhận được đề xuất của các Hiệp hội ngành hàng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu để hỗ trợ đưa hàng hoá sản phẩm vào tiêu thụ ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cho biết: Sản phẩm hàng hoá tiêu thụ ở trong nước khác với xuất khẩu, đặc biệt với khối doanh nghiệp vốn quen với gia công hàng hoá, chưa quen với xây dựng thương hiệu cũng như tổ chức chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ: vừa tăng trưởng hàng hoá nội địa vừa kiềm chế lạm phát, cân đối bài toán thị trường trong nước để đảm bảo hàng hoá bán được nhiều, người dân chi tiêu nhiều nhưng giá cả vẫn phải đảm bảo bình ổn, không tăng giá, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, Cục Xuất nhập khẩu để liên thông điều phối hàng hoá xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Theo bà Lê Việt Nga, một số quốc gia như Thái Lan, Philippin… thực hiện điều phối tốt trong việc đưa mặt hàng xuất khẩu thế mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.