Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, chất lượng giải quyết nhiều vụ án hành chính về đất đai đã bảo đảm yêu cầu, song vẫn có không ít vụ án còn nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng, bị Hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm tuyên sửa, hủy án để giao về xét xử lại dẫn đến vụ án bị kéo dài.
Vụ án hành chính nói chung và vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng là loại án mang tính chất đặc thù vì quan hệ giữa người khởi kiện với người bị kiện tuy bình đẳng về tố tụng trước Tòa án nhưng trong quan hệ hành chính thì người bị kiện là người quản lý, còn người khởi kiện là người bị quản lý.
Khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thường là khiếu nại kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm nên khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai cần chú ý đến việc xác định thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Mặt khác, theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), thực tế thời gian qua cũng cho thấy, người bị kiện trong vụ án hành chính thuộc lĩnh vực đất đai là người có chức vụ trong cơ quan quản lý nhà nước, nhiều trường hợp người bị kiện còn giữ chức vụ trong cơ quan Đảng như Thường vụ, Phó Bí thư huyện ủy, tỉnh ủy; do đó, khi giải quyết loại án này vừa phải đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, vừa phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng để góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai, VKSNDTC đã ban hành Hướng dẫn số 22/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Về xác định thời hiệu khởi kiện
Khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thường là khiếu nại kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm nên khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai cần chú ý đến việc xác định thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; quyết định giải quyết khiếu nại). Trong đó, việc xác định thời điểm nhận được quyết định hành chính thông qua các hình thức giao nhận trực tiếp; nhận qua đường bưu điện; nhận qua chính quyền địa phương cần căn cứ vào các tài liệu như biên bản giao nhận, dấu bưu điện... Trường hợp không nhận được quyết định hành chính thì thời điểm được tính từ khi người khởi kiện biết được có quyết định đó như: số; ngày; tháng; năm; cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định, nội dung của quyết định mà quyết định đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.
Về xác định đối tượng khởi kiện
Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai. Việc xác định đối tượng khởi kiện là một trong những nội dung quan trọng khi kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai; trong đó, cần chú ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Việc xác định hành vi hành chính khi nào là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước, khi nào là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước và khi nào là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan; thời hạn thực hiện đối với nhiệm vụ, công vụ đó và phân biệt như sau: Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước, nhưng do người trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện theo sự phân công hoặc ủy quyền, ủy nhiệm thì hành vi đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước mà không phải là hành vi hành chính của người đã thực hiện hành vi hành chính đó.
Thứ hai, đối với đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, cần phân biệt quyết định hành chính bị khởi kiện với quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức. Đồng thời, cần xác định quyết định hành chính bị kiện là quyết định có nội dung làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó có thể là quyết định mang tính tổng thể, nhưng có danh sách kèm theo hoặc có bản quy định chi tiết đối với từng hộ gia đình, cá nhân kèm theo, qua đó xác định được cụ thể quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình bị xâm phạm thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với phần xác định cụ thể đó (tham khảo Án lệ số 10/2016/AL theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao).
Thứ ba, việc xác định quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính còn là căn cứ để xác định các quyết định hành chính có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện cần được xem xét, giải quyết theo hướng dẫn tại tiểu mục 5 mục V Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, hành chính: Trong quá trình xét xử, HĐXX có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả các quyết định hành chính có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện mà không phụ thuộc vào việc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện.
Về xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện
Khi kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính cần xem xét có hay không việc đương sự vừa khởi kiện vụ án hành chính vừa khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo nhưng Tòa án vẫn thụ lý. Theo đó, cần xem xét nội dung đơn khởi kiện của đương sự có cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hay không (theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính năm 2015). Đồng thời, xem xét việc Tòa án có tiến hành xác minh, thu thập tài liệu về việc đương sự có đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết không. Từ đó có căn cứ xác định việc khởi kiện của đương sự đảm bảo về điều kiện khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật.
Về thu thập tài liệu, chứng cứ, áp dụng pháp luật của Tòa án
Khi kiểm sát việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để đánh giá xem việc thu thập chứng cứ của Tòa án có khách quan, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định không. Trong đó, cần lưu ý trường hợp: trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng đương sự chưa cung cấp mà không có lí do chính đáng; sau đó, khi Tòa án đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án; nhưng HĐXX vẫn sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Đây là những vi phạm thường gặp của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án gây ảnh hưởng đến quyền lợi của một trong các bên đương sự. Kiểm sát viên khi phát hiện vi phạm này phải kịp thời yêu cầu hoặc kiến nghị đối với Tòa án.
Đối với việc giải quyết vụ án hành chính ở cấp phúc thẩm, cần yêu cầu Tòa án thu thập cả những chứng cứ mà ở cấp sơ thẩm, Kiểm sát viên đã yêu cầu nhưng Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ mà xét thấy cần thiết cần tiếp tục thu thập làm cơ sở để giải quyết vụ án. Khiếu kiện liên quan đến đất đai thường phức tạp, kéo dài nên khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, áp dụng pháp luật, Kiểm sát viên cần chú ý đến thời điểm ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu kiện để từ đó xác định văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm đó để đánh giá tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Lưu ý đối với vụ án hành chính về bồi thường khi thu hồi đất
Tại Hướng dẫn số 22/HD-VKSTC cũng nêu rõ những lưu ý đối với một số loại án cụ thể như: vụ án hành chính về thu hồi đất, vụ án hành chính về bồi thường khi thu hồi đất, vụ án hành chính khởi kiện quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất công, vụ án hành chính liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vụ án hành chính khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, vụ án hành chính khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai. Trong đó, một trong những nội dung được dư luận quan tâm là vụ án hành chính về bồi thường khi thu hồi đất bởi đây là trường hợp phổ biến mà đương sự khởi kiện khi bị thu hồi đất.
Do vậy, theo VKSNDTC, khi xem xét về trình tự, thủ tục bồi thường khi thu hồi đất, cần lưu ý: Để phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật phải xác định mục đích thu hồi, diện tích, loại đất, tài sản có trên đất có phù hợp với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; biên bản kiểm kê tài sản; bảng giá đất của địa phương và các văn bản của địa phương về chính sách đối với hộ gia đình, cá nhân khi có đất bị thu hồi để thực hiện dự án hay không. Đồng thời, phải xem xét để làm rõ nguồn gốc đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận không, để đối chiếu với phương án đền bù xem có phù hợp hay không.
Bên cạnh đó, khi đánh giá về nội dung của phương án bồi thường, cần xem xét lại vị trí từng loại đất trên thực địa có đúng với vị trí loại đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp nhà và tài sản khác có diện tích không đúng vị trí ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải điều chỉnh lại vị trí đúng theo thực tế sử dụng để áp dụng chính sách bồi thường khi thu hồi đất. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền không điều chỉnh lại vị trí nhà mà vẫn áp dụng vị trí ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để áp giá bồi thường là không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, kiểm sát viên cần chú ý làm rõ các lý do mà người khởi kiện đưa ra để lý giải cho việc không đồng ý với phương án bồi thường và những ý kiến phản biện của người bị kiện, để từ đó xác định tính hợp lý của yêu cầu khởi kiện.