Cần lưu ý gì khi khởi kiện tranh chấp đất đai?

Theo Trường An/cafeland.vn

Việc nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai lên tòa án là điều không ai muốn, nhưng một khi đã làm thì phải nắm rõ trình tự thủ tục khởi kiện và các bước tiến hành được quy định theo pháp luật hiện hành.

Cần lưu ý gì khi khởi kiện tranh chấp đất đai?
Cần lưu ý gì khi khởi kiện tranh chấp đất đai?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tính phức tạp của tranh chấp đất đai không chỉ dừng lại ở khía cạnh tranh chấp dân sự mà còn có thể dẫn đến các vụ án hình sự, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Theo đó, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng, bao gồm cả tranh chấp xác định ranh giới giữa các thửa đất. Những tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai.

Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?

Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

- Đối với đương sự là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì thẩm quyền giải quyết lần một là Chủ tịch UBND cấp huyện, thẩm quyền giải quyết lần hai là Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

- Đối với đương sự một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết lần một là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thẩm quyền giải quyết lần hai là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nếu các đương sự không đồng ý với kết quả giải quyết lần một thì có thể khiếu nại để giải quyết lần hai hoặc khởi kiện tại tòa án theo trình tự tố tụng hành chính.

Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong các trường hợp:

- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.

- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có các loại giấy tờ nêu trên thì đương sự có quyền lựa chọn khởi kiện tại tòa án mà không cần giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền.

- Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

Cần lưu ý gì khi khởi kiện tranh chấp đất đai? - Ảnh 1

 

Người khởi kiện cần phải nắm

Khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp trên phần tài sản (đất đai, nhà cửa,…) của mình bị xâm hại thì người dân có quyền khởi kiện đến tòa án yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, đối với những vụ án dân sự thì trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự (người khởi kiện).

Kèm theo đơn khởi kiện, phải gửi kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chẳng hạn:

- Bản sao Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật.

- Bản sao hợp đồng chuyển nhượng (nếu có).

- Biên lai nộp thuế sử dụng đất (nếu có).

- Biên bản hòa giải giải quyết tranh chấp tại UBND các cấp (nếu có).

Khi xảy ra tranh chấp đất đai, các bên nên thỏa thuận hoặc hòa giải để giải quyết. Trường hợp không hòa giải được mà chọn phương án giải quyết là khởi kiện tại tòa án thì các bên đương sự (nhất là người khởi kiện) phải xem xét kỹ các nội dung trên.

- Nếu nguyên đơn (người khởi kiện) thua kiện thì phải mất án phí.

- Thời gian khởi kiện để giải quyết tranh chấp đất đai thường kéo dài.