“Kết thúc đẹp” trong điều hành giá năm 2013

Hai năm liên tiếp 2010-2011, diễn biến thị trường giá cả trong nước đầy biến động với CPI lên tới gần 20%, buộc Việt Nam phải chuyển trọng tâm chính sách từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), kiềm chế lạm phát.

Thông qua hàng loạt Nghị quyết của Chính phủ, từ Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP, Nghị quyết số 01/2012/NQ-CP, Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP đến Nghị quyết số 01 và 02/2013/NQ-CP, những biện pháp kiềm chế lạm phát đã được thực thi, trọng tâm là thắt chặt chính sách KTVM đi đôi với kiểm soát chặt chẽ thị trường và giá cả, song song với việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Đúng như dự báo, diễn biến CPI hàng tháng trong năm 2013 gần như lặp lại kịch bản của năm 2012, khi CPI hai tháng đầu năm tăng trên 1% với nguyên nhân chủ yếu là tác động mùa vụ. Bên cạnh đó, giá cả một số hàng hoá và dịch vụ cũng tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm như nước sinh hoạt, dịch vụ xe buýt, sữa nhập khẩu, cùng với áp lực tăng giá điện và giá xăng dầu đã khiến lạm phát 2 tháng đầu năm 2013 tăng khá cao. Duy chỉ có điểm sáng hiếm hoi trên thị trường thời gian này là giá gas giảm, không tăng mạnh như đầu năm 2012.

Kiểm soát lạm phát – Bài học và triển vọng năm 2014 - Ảnh 1

Một số ý kiến cho rằng, nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn và mục tiêu lạm phát tăng 7% trong năm 2013 của Quốc hội có vẻ khả thi hơn. Chính vì vậy, lộ trình tăng giá điện được đưa ra phân tích, mổ xẻ và được đề nghị trì hoãn cùng với áp lực tăng giá xăng dầu giảm bớt. Tuy nhiên, ngược chiều với những lo ngại của một số chuyên gia, thị trường giá cả từ tháng 3/2013 kéo dài đến tận tháng 7/2013 lại diễn biến rất ổn định, với CPI tháng 3 và tháng 5 âm còn CPI tháng 4 và tháng 6 gần như không thay đổi.

Tính đến tháng 8/2013, CPI mới tăng mạnh trở lại với mức tăng 0,83% do tác động đồng loạt của điều chỉnh giá năng lượng như điện (từ 1/8/2013), xăng dầu (tăng hai lần trong tháng 6/2013 và tháng 7/2013) và gas (tăng mạnh sau nửa đầu năm giảm giá và đứng ở mức thấp) đi đôi với ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Hà Nội.

Tiếp đó, CPI tháng 9/2013 lại vọt lên 1,06%. Số liệu này gợi cho chúng ta nhớ lại CPI hồi tháng 9/2012 đã tăng tới 2,2%. Tuy nhiên, trong ba tháng còn lại của năm, các yếu tố làm tăng CPI đều được hạn chế tối đa và đã đưa đến “một kết thúc đẹp” trong điều hành giá cả thị trường năm 2013 với CPI cả năm chỉ tăng 6,04%.

Yếu tố tác động khách quan

Sự ổn định của lạm phát và thị trường giá cả năm 2013 chịu sự chi phối rất lớn của việc tổng cầu tăng chậm (cả tổng cầu tiêu dùng, tổng cầu đầu tư lẫn tổng cầu trong nước và xuất khẩu).

Tổng mức đầu tư toàn xã hội cả năm 2013 chỉ đạt 30,4% GDP - xấp xỉ mức 30,5% GDP năm 2012 - đều là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước năm 2013 tương tự như năm 2012, khi vẫn ở mức trên dưới 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng vốn đầu tư công - thấp hơn hẳn con số gần 55% năm 2012. Điều này, chứng tỏ tổng vốn và cơ cấu đầu tư công đã bị tác động bởi chương trình cơ cấu lại đầu tư công theo Quyết định 1792/QĐ-TTg được triển khai mạnh mẽ trong năm 2013.

Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2013 còn khó khăn hơn năm 2012 và chỉ tăng được 6,6% (năm 2012 tăng 8,1%). Nguyên nhân cơ bản là khu vực ngoài nhà nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn tương tự như năm 2012 mà hậu quả là danh sách DN phải giải thể, dừng hoạt động trong năm 2013 đã nối dài thêm hơn 6 vạn.

Kiểm soát lạm phát – Bài học và triển vọng năm 2014 - Ảnh 2

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mặc dù khu vực FDI vươn lên dẫn đầu về tốc độ tăng đầu tư nhưng tỷ trọng của khu vực này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 cũng chỉ có 22% - mức thấp nhất kể từ năm 2007 đến nay. Tuy vậy, tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI năm 2013 đã được cải thiện đáng kể so với năm 2012 khi đến 15/12/2013 đã thu hút được 21,6 tỷ USD, tăng tới 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2013, không chỉ tổng cầu đầu tư mà cả tổng cầu tiêu dùng cũng tăng thấp, thậm chí còn thấp hơn cả năm 2012. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 là 2.618 ngàn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng 6,5% năm 2012 và chưa bằng một nửa so với giai đoạn 2007-2010.

Hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2013 có chiều hướng khởi sắc hơn so với năm trước, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% (năm 2012 chỉ tăng 4,8%). Đồng thời, chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến chế tạo tính đến 1/12/2013 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, cho nên chỉ số hàng tồn kho của nhóm hàng này vẫn tăng nhưng mức tăng chỉ là 10,2% - bằng một nửa so với cùng hai kỳ năm trước (năm 2011 tăng 23% và năm 2012 tăng 20,1%). Điều này cho thấy, gánh nặng hàng tồn kho đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhiệm vụ đưa hàng tồn kho về mức bình thường trong năm 2014 là không hề đơn giản khi cầu đầu tư và cầu tiêu dùng khó có thể sớm phục hồi.

Bên cạnh đó, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 lập kỷ lục 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 song khu vực kinh tế trong nước chỉ xuất khẩu được 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; Còn khu vực FDI (gồm cả dầu thô) xuất khẩu tới 88,4 tỷ USD, tăng 22,4% (nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực FDI đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm). Rõ ràng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 tiếp tục tăng cao chủ yếu nhờ khu vực FDI với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực điển hình là điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... hầu hết thuộc nhóm hàng xuất khẩu có tỷ trọng gia công cao nên không chỉ hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp mà còn ít hỗ trợ tăng sức mua và tổng cầu của nền kinh tế.

Sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 còn được sự hỗ trợ rất nhiều của việc tỷ giá hối đoái ổn định trong suốt cả năm 2013; Chỉ số giá vàng tháng 12/2013 giảm mạnh tới 24,36% so với cùng kỳ năm 2012; Chỉ số giá USD tháng 12/2013 cũng chỉ tăng 1,09% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2013 giảm 2,41% so với năm 2012 và chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 2,36% so với năm 2012, góp phần tích cực vào ổn định giá cả thị trường trong nước.

Kiểm soát lạm phát – Bài học và triển vọng năm 2014 - Ảnh 3

Song song với ổn định tỷ giá hối đoái và kiềm chế lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng giảm mạnh trong năm 2013, theo đó chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh cũng giảm. Con số lạm phát cả năm 2013 là 6,04% và bình quân năm tăng 6,6% - mức tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua đã cho thấy, hiệu quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc đưa trần lãi suất huy động về mức 7% từ cuối tháng 6/2013. Có thể nói đây là mức lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với các điều kiện vĩ mô và vi mô. Song song với điều chỉnh lãi suất đối với VND, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động bằng USD cũng được NHNN thực hiện đồng bộ, gắn với các mục tiêu về chống “đô la hoá” và quản lý ngoại hối. Cụ thể, trần lãi suất huy động USD ở mức 0,25%/ năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư đã góp phần tích cực hạn chế tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế.

Lãi suất huy động giảm, tính thanh khoản của tổ chức tín dụng được cải thiện là điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 2-5%/năm và trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Đến cuối năm 2013, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với những lĩnh vực ưu tiên chỉ còn ở mức 7-9%/năm; Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-10,5%/năm ở khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, 9,5- 11,5%/năm ở khối NHTM cổ phần, thậm chí, những DN có tình hình tài chính lành mạnh còn được cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm. Lãi suất cho vay USD bằng phổ biến 4-7%/năm; Chênh lệch giữa lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không còn quá cao.

Bài học và triển vọng của năm 2014

Kinh nghiệm điều hành thị trường giá cả của năm 2012 cho thấy, giá của các dịch vụ công quan trọng như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục đã được quán triệt và vận dụng hiệu quả, góp phần tích cực vào kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường giá cả suốt cả năm 2013.

Một mặt, lộ trình và thời điểm tăng giá dịch vụ công được phối hợp đồng bộ hơn với thời điểm điều chỉnh giá các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu. Mặt khác, việc phối hợp điều chỉnh giá dịch vụ công giữa các địa phương cũng diễn ra nhịp nhàng hơn nhằm tránh lặp lại tình trạng tăng giá dồn dập, đồng loạt gây hậu quả xấu tới diễn biến CPI cũng như tâm lý xã hội, đẩy kỳ vọng lạm phát tăng cao.

Diễn biến thị trường giá cả ổn định liên tục trong 8/12 tháng của năm 2013 đóng góp không nhỏ vào việc rút kinh nghiệm trong điều hành giá xăng dầu. Trong số 10 lần điều chỉnh giá xăng dầu năm 2013 thì có 5 lần tăng và 5 lần điều chỉnh giảm. Ngoại trừ lần tăng giá tương đối mạnh hồi cuối quý I/2013 thì 9 lần điều chỉnh còn lại đều “nhỏ giọt”, cả tăng lẫn giảm mỗi lần đều chỉ khoảng 500 đồng/lít, thay vì tới vài nghìn đồng như những năm trước.

Nhờ vậy, phản ứng của xã hội và mức độ phản ánh của điều chỉnh giá xăng dầu vào giá cả thị trường năm 2013 đã giảm nhẹ rất nhiều, mặc dù đến cuối năm 2013, giá xăng dầu vẫn cao hơn so với cuối năm 2012 và chỉ kém mức giá xăng dầu cao kỷ lục được thiết lập cuối quý I/2013 hơn 200 đồng/lít. Kết quả nổi bật của điều hành thị trường xăng dầu và điện năm 2013 là biến động giá cả của hai nhóm vốn thường xuyên dẫn đầu về tốc độ tăng giá nay đã tăng chậm lại, đó là nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng.

Rõ ràng, diễn biến thị trường giá cả nói riêng, diễn biến lạm phát nói chung trong năm 2013, tiếp tục ổn định vượt ngoài sự mong đợi. Sự ổn định của thị trường giá cả có thể được duy trì hay không, không chỉ phụ thuộc vào việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ quản lý điều hành thị trường giá cả các nguyên nhiên vật liệu thiết yếu như điện, than, xăng dầu, gas, lương thực thực phẩm… hay dịch vụ quan trọng như giáo dục và y tế mà còn phụ thuộc vào những biến động của các yếu tố vĩ mô“ hoàn toàn có thể nhắc lại như một bài học cho năm 2014.

Một trong những dấu ấn rõ rệt nhất của kinh tế năm 2013 là đã kiềm chế được lạm phát, thị trường giá cả được củng cố vững chắc, góp phần tích cực vào mục tiêu ổn định KTVM. Tuy nhiên, sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 vẫn chưa thực sự vững chắc, do tổng cầu tăng thấp, niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng đã được phục hồi song vẫn còn thấp. Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát năm 2014, một mặt vẫn chịu tác động bởi các chính sách KTVM và chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng.

Mặt khác, lại chịu ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khoá như tăng thâm hụt NSNN tăng lên 5,3% GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2014-2016 và 225.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư cho giai đoạn 2011-2015. Thêm vào đó, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường và cố gắng đẩy cao tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với quy mô lớn hơn sẽ khiến cho áp lực lạm phát tăng. Chính vì vậy, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát năm 2014 không quá nặng nề, cơ bản tương tự như năm 2013, song cần lường trước và có biện pháp đối phó với áp lực lạm phát tăng năm 2015.

Kiểm soát lạm phát – Bài học và triển vọng năm 2014

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

(Tài chính) Lạm phát năm 2013 được kiềm chế ở mức 6,04% - mức thấp nhất trong 10 năm qua và là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Kết quả này là cơ sở và nền tảng hỗ trợ cho công tác điều hành giá cả trong năm 2014.

Xem thêm

Video nổi bật