Kiên cố hóa trường, lớp học: 98% vốn giải ngân đúng mục tiêu

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 (Đề án), qua đó đánh giá tổng thể, khách quan, làm rõ nhiều vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ cũng như xã hội đang quan tâm.

Nhân dịp này, PGS. Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có cuộc trao đổi với phóng viên về một số thông tin liên quan tới Đề án nhằm rộng đường dư luận.

Có thông tin cho rằng trong 4 năm thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ (2008-2012), Ban Chỉ đạo Đề án đã không ban hành văn bản để hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án; không báo cáo định kỳ, đột xuất về tiến độ, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án với Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền; chưa thực hiện giao ban định kỳ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vậy thực tế như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Kiên cố hóa trường, lớp học: 98% vốn giải ngân đúng mục tiêu - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Giai đoạn 2008-2012, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 11 cuộc hội nghị giao ban trên phạm vi toàn quốc và các cuộc họp liên quan đến việc thực hiện Đề án. Tất cả các cuộc giao ban này đều được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, tham gia có đầy đủ đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án ở các địa phương trên toàn quốc.

Thời gian đầu, do Đề án mới triển khai, còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên các cuộc giao ban tổ chức với mật độ nhiều hơn. Sau một thời gian, việc thực hiện Đề án đã đi vào nề nếp, các địa phương thực hiện khá tốt nên Ban Chỉ đạo nhận thấy không nhất thiết phải tổ chức giao ban nhiều nên giảm dần vào các năm 2011, 2012 (năm 2008 có 3 hội nghị, năm 2009 có 4 hội nghị, năm 2010 có 2 hội nghị, năm 2011 có 1 hội nghị và năm 2012 có 1 hội nghị).

Qua theo dõi 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy những Hội nghị giao ban này đều đã được phản ánh đầy đủ, kịp thời trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 

Cũng trong thời gian này, Ban Chỉ đạo đã ban hành 17 văn bản báo cáo tình hình thực hiện Đề án.

Giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra Chính phủ đã rà soát, đánh giá và đi tới thống nhất cao là: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu: “Bộ Giáo dục và Đào tạo không rà soát, kiểm tra thực tế số liệu báo cáo của các địa phương, do đó nội dung Đề án về số lượng, mục tiêu, đối tượng thụ hưởng dự án chưa chính xác”. Ông có bình luận gì về nhận xét này?

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Đề án được xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn quốc, đến tận vùng sâu, vùng xa. Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể có đủ nhân lực và kinh phí cũng như thời gian để đi kiểm tra, xác định lại được số lượng phòng học, nhà công vụ của tất cả các địa phương trước khi tổng hợp số liệu, báo cáo. Trách nhiệm này đã được giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo địa phương đã ký và đóng dấu vào báo cáo sau đó gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ thực tế này, chúng tôi đã đề nghị các địa phương có ý thức, trách nhiệm, đảm bảo tính chính xác cao nhất với báo cáo của mình và không thực hiện sai mục tiêu, đối tượng của các Đề án, Dự án khi đã được phê duyệt.

Trong quá trình triển khai Đề án, việc áp dụng đơn giá xây dựng trung bình đối với phòng học là 1,8-2,5 triệu đồng/m2 sàn; đối với nhà công vụ cho giáo viên là 1,66 triệu đồng/m2 sàn tại thời điểm năm 2007 để tính tổng mức đầu tư mà chưa tính đến yếu tố trượt giá đã gây khó khăn cho việc thực hiện. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào trước nhận xét này?

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Khi xây dựng Đề án, đã có sự tham gia phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng. Thời điểm xây dựng đề án Bộ Xây dựng không thể dự tính được mức trượt giá vì mức độ trượt giá giai đoạn này được gọi là “bão giá”, phạm vi ảnh hưởng lan rộng khắp thế giới, không riêng ở Việt Nam.

Do vậy, khi triển khai thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo UBND các tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương căn cứ kế hoạch danh mục công trình đã được phê duyệt theo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và xây dựng bệnh viện sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; trên cơ sở tổng số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ thực hiện các Đề án thuộc lĩnh vực giáo dục đoạn 2008-2012 và các Đề án thuộc lĩnh vực y tế giai đoạn 2008-2011, các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại danh mục theo thứ tự ưu tiên quy định trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tổng mức vốn được phân công cho cả giai đoạn. 

Đề nghị Thứ trưởng làm rõ thông tin cho rằng: “việc xây dựng kế hoạch phân bổ vốn tổng thể cho các địa phương của các bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) chậm gần 2 năm đã làm cho các địa phương bị động trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án cũng như sự minh bạch và tính hiệu quả trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ? Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân"?

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Đề án được thành lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện ngay. Tuy vậy do vốn Trái phiếu Chính phủ thời điểm này không huy động được, trái phiếu có ít người mua nên việc huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Vốn trái phiếu Chính phủ lại phải thông qua Quốc hội phê duyệt, mà mỗi năm Quốc hội họp chỉ họp 2 kỳ nên đã xảy ra tình trạng lỡ nhịp nêu trên.

Vì vậy, đến ngày 24/12/2009 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 2186/QĐ-TTg về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012.

Đây cũng là Đề án duy nhất được phân bổ vốn cho cả giai đoạn, việc phân bổ được đưa công khai lên mạng để các địa phương có ý kiến trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Vì vậy, tôi khẳng định tính khách quan, minh bạch trong quản lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của Đề án này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Đề án đạt hiệu quả cao và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đúng mục tiêu tới 98,4% là nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt và hiệu quả của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng như lãnh đạo của các địa phương trên cả nước.