Kiến nghị cho phép thu phí trở lại cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho thu phí trở lại cao tốc TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) - Trung Lương.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho thu phí trở lại cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, cao tốc TPHCM - Trung Lương, sau thời hạn kết thúc hợp đồng mua bán quyền thu phí, từ ngày 1/1/2019 đã ngừng thu phí. Từ đó đến nay, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc này tăng lên rất nhiều.
Tính đến hết quý II/2019, chỉ tính riêng đoạn từ đầu cao tốc TPHCM đến Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TPHCM) có lưu lượng tính trung bình là 51.163 xe (xe con tiêu chuẩn)/ngày đêm, tăng 33% so với cùng kỳ. Tính bình quân lưu lượng toàn tuyến của cao tốc này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
“Từ việc tăng lưu lượng quá nhanh trên cao tốc kéo theo tai nạn giao thông và tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là tình trạng xe chạy hàng ngang, xe chạy vào làn khẩn cấp thường xuyên diễn ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Chỉ riêng tháng 7/2019 trên tuyến đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Ngoài ra, việc duy tu bảo trì trên tuyến đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Trong năm 2019 kế hoạch sửa chữa định kỳ của cao tốc chỉ khoảng 10 tỷ đồng, chủ yếu đủ dành cho sửa chữa, thay thế khe co giãn và một số mặt đường bị hư hỏng. Kinh phí sửa chữa đang được đưa vào kế hoạch năm 2020 khoảng 45 tỷ đồng.
Ông Thành cho rằng, việc thu phí trở lại cũng là cần thiết vì cao tốc này đã đến giai đoạn đại tu sau gần 10 năm khai thác.
Mặt khác, mỗi ngày, tuyến cao tốc này có thể thu phí đạt trên 2 tỷ đồng, một nguồn thu không nhỏ để có thể tái đầu tư cho các tuyến cao tốc khác. Do đó, Cục Quản lý đường bộ IV đề nghị các bộ, ngành tính toán phương án để thu phí trở lại nhằm bảo vệ giá trị tài sản cũng như đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến cao tốc hiện đại này.
Ông Thành cho hay, Cục Quản lý đường bộ IV đang xây dựng kế hoạch thu phí trở lại cao tốc này và báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải.
Ngay sau khi dừng thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương từ ngày 1/1/2019, nhiều lái xe chạy trên tuyến cho hay, lượng phương tiện tăng chủ yếu do xe tải chọn đi lên cao tốc chứ không đi đường Quốc lộ 1 cũ như trước đây nên rất khó khăn trong lưu thông, hầu hết các làn đường cho phép đi 100 km/h nhưng chỉ đi được 50 - 60 km/h.
Theo Cục Quản lý đường bộ IV, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 62 km được đưa vào khai thác từ năm 2010 và đến năm 2012 bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng trước gần 10.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã bán quyền thu phí cho Công ty cồ phần Tập đoàn Yên Khánh trong 5 năm, từ năm 2014 đến hết năm 2018.
Liên quan đến quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, trước đó Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch hỗ trợ dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bằng quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã phải thay đổi kế hoạch này vì theo Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công được ban hành có hiệu lực từ 1/1/2018, việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho dự án có thay đổi.
Cụ thể là quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương phải được thực hiện theo Luật Đấu giá chứ không giao cho nhà đầu tư thu phí như phương án ban đầu.
Vì vậy, ngày 9/10/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không sử dụng hỗ trợ Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 932 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.