Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc VNACCS/VCIS

Theo haiquan.hochiminhcity.gov.vn

(Tài chính) Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, theo kế hoạch, từ ngày 15/5, đơn vị sẽ đưa vào chạy chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS. Với số lượng DN tham gia và lượng hàng hóa thông quan lớn, Cục Hải quan TP.HCM đang chuẩn bị kĩ lưỡng, đồng thời kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc VNACCS/VCIS
Các Doanh nghiệp thực hiện chạy thử VNACCS/VCIS tại Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV3. Nguồn: haiquan.hochiminhcity.gov.vn

Chuẩn bị kĩ các bước

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp, đơn vị đã cấp tài khoản VNACCS/VCIS cho trên 1.300 doanh nghiệp; đăng kí chữ kí số cho 12.000 doanh nghiệp. Hiện nay, công tác này vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo về cơ sở hạ tầng, toàn Cục đã kiểm tra thống kê hệ thống máy móc chuẩn bị cho việc chạy chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS.

Hiện tại, Cục Hải quan có 153 máy chủ, trong đó có 92 máy có cấu hình trung bình trở lên đáp ứng được yêu cầu vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian tới. Số máy chủ còn lại được trang bị từ năm 2004 đến 2008 có cấu hình thấp, đã hết khấu hao. Đối với máy tính trạm, có 1.761 bộ. Trong đó, 993 máy có cấu hình từ trung bình trở lên, số còn lại có cấu hình thấp, đã hết khấu hao, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, trang bị máy móc phù hợp để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS.

Theo dự kiến, trong những ngày đầu triển khai, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, nơi quản lý lượng hàng hóa XNK lớn nhất qua cảng Cát Lái - TP.Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho việc chạy chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS thuận lợi, Chi cục Hải quan cua khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tập trung tập huấn, tuyên truyền cho CBCC và doanh nghiệp.

Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Nguyễn Thị Bông cho biết, với số lượng doanh nghiệp hiện đang làm thủ tục hải quan điện tử tại đơn vị rất lớn khoảng trên 10.000 doanh nghiệp, để tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS, ngoài các chương trình tập huấn chung của Cục, Chi cục cũng đã áp dụng một số biện pháp tương đối khả thi. Chẳng hạn, đơn vị tự biên soạn sổ tay nghiệp vụ VNACCS/VCIS với việc chắt lọc hướng dẫn từng bước, từng thao tác cụ thể trong Hệ thống VNACCS/VCIS để CBCC dễ hiểu và thực hiện.

Bên cạnh đó, trong thời gian chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS, Chi cục đã yêu cầu doanh nghiệp mang máy tính cài đặt phần mềm phía đầu doanh nghiệp đến làm trực tiếp tại Đội Thủ tục để cơ quan Hải quan hướng dẫn cụ thể, cũng như nắm bắt trực tiếp các vướng mắc về kĩ thuật phát sinh tại phía đầu máy doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc

Qua quá trình chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS, tại các chi cục Hải quan đã phát sinh vướng mắc, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Hải quan tháo gỡ, khắc phục. Cụ thể, khi phân công kiểm hóa, đối với tờ khai luồng Vàng, chương trình vẫn cho phép phân công, không có cảnh báo. Hệ thống sẽ tự khóa tài khoản đăng nhập của CBCC sau khi nhập sai tài khoản 5 lần, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác thử nghiệm và vận hành khi triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS.

Chương trình không hỗ trợ khai báo số hiệu container nên công chức mất nhiều thời gian để tra cứu số hiệu container trên chương trình E-manifest, gây khó khăn đối với cửa khẩu có số lượng tờ khai lớn. Chương trình cũng không có phần khai báo về số lượng hợp đồng, đây là căn cứ pháp lý hết sức quan trọng trong bộ hồ sơ khai báo cho cơ quan Hải quan; không chặn những tờ khai trùng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có thể lợi dụng để khai báo nhiều lần cho đến khi tờ khai được phân vào luồng Xanh.

Bên cạnh đó, chương trình không có phần “ghi nhận” cho mỗi tờ khai, gây khó khăn trong việc theo dõi tình trạng tờ khai; không có cảnh báo tờ khai quá hạn 15 ngày, công chức hải quan vẫn có thể sử dụng nghiệp vụ CEE/CEA (nghiệp vụ kiểm tra hàng hóa XNK), mặc dù không thực hiện được nghiệp vụ CKO (chuyển luồng tờ khai). Hệ thống chưa có dữ liệu tờ khai loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu còn tồn trên hệ thống hải quan điện tử để thử nghiệm thanh khoản trong trường hợp hồ sơ vừa có tờ khai điển tử cũ vừa có tờ khai VNACCS/VCIS.

Trước thực tế trên, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Tổng cục Hải quan khắc phục những hạn chế, vướng mắc để có thể vận hành tốt hơn hệ thống VNACCS/VCIS khi đưa vào hoạt động chính thức. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp lý cho việc vận hành chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS, đặc biệt phải phù hợp với điều kiện quản lý các doanh nghiệp ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống dự phòng để xử lý các sự cố xảy ra trong điều kiện tập trung hóa toàn bộ dữ liệu về Tổng cục Hải quan. Nhanh chóng trang bị các máy chủ, máy trạm thay cho các máy đã quá lỗi thời tại Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu xử lý của Hệ thống VNACCS/VCIS.