Kiên quyết độc quyền vàng

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng diễn ra sáng 18/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành gần một giờ đồng hồ để đánh giá lại việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho ngành ngân hàng trong đó nhấn mạnh đến việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải kiên quyết độc quyền xuất nhập vàng.

Kiên quyết độc quyền vàng
NHNN phải kiên quyết độc quyền xuất nhập vàng. Nguồn: internet
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, NHNN đã làm tốt việc quản lý thị trường vàng trong năm 2013.
 
“Chúng ta có thể nói là đã thành công bước đầu, bước quan trọng về quản lý thị trường vàng. Vừa qua là đúng hướng, đúng Nghị định 24. Cái này chúng ta muốn rất lâu rồi mà chưa được, nhưng năm nay chúng ta làm có kết quả rất rõ”, Thủ tướng nói và đưa ra ba đề nghị cần tiếp tục làm mạnh.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước dứt khoát phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Thủ tướng nêu một thực tế để nhấn mạnh quan điểm trên rằng: “Có rất nhiều sức ép nói này nói khác, nhưng tôi có nói với Thống đốc là Chính phủ phải kiên quyết cái này. Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu”.
 
Thứ hai, các ngân hàng dứt khoát không được huy động và cho vay vàng.
 
Những bất cập trong huy động và cho vay vàng đã được nhìn thấy từ lâu, thực tiễn đã cho thấy những bất ổn, nhưng phải đến năm 2013 Ngân hàng Nhà nước mới chấm dứt được. Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiên định việc cắt bỏ hoạt động này, tránh hỗ trợ cho vàng hóa trong nền kinh tế.
 
Thứ ba, thị trường vàng cần được quản lý chặt chẽ để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, tác động đến tỷ giá, đến lãi suất.
 
Và năm 2014, nhiệm vụ mà Thủ tướng giao là NHNN nghiên cứu làm sao để huy động nguồn lực vàng tích trữ trong dân trở thành nguồn vốn đầu tư phát triển cho xã hội.
 
"Không để cho thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014 đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh", Thủ tướng chỉ đạo ngành.
 
Lãi nghìn tỷ từ đấu thầu vàng miếng
 
Trước đó, ngày 16/12, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN cũng đánh giá, năm 2013 là năm khá thành công trong điều hành thị trường vàng của NHNN, đảm bảo 2 mục tiêu lớn là tăng dự trữ ngoại hối và giá trị tiền đồng.
 
Đề cập tới việc điều hành của NHNN trong năm tới, ông Nguyễn Quang Huy cho hay: “Đối với quản lý thị trường vàng, nếu trong năm 2014 vẫn có dấu hiệu mất cân đối thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các phiên đấu thầu nhằm ổn định thị trường này”.
 
Tính từ cuối tháng 3 đến nay, NHNN đã tổ chức 74 phiên đấu thầu vàng, qua đó cung ứng ra thị trường 1.785.200 lượng vàng, tương đương hơn 68,6 tấn vàng, trên tổng số 1.897.000 lượng chào thầu. 
 
Sau NHNN tổ chức 61 phiên đấu thầu vàng và bán ra 59,87 tấn vàng. Thu nhập từ bán vàng của NHNN sau 61 phiên đấu thầu (sau khi trừ chi phí liên quan) là 6.834 tỷ đồng.
 
Đại diện NHNN cho biết, lượng tiền thu về từ hoạt động đấu thấu vàng được cân đối với các công cụ chính sách tiền tệ để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều hòa lượng tiền cung ứng theo mục tiêu đề ra. Lợi nhuận thu được từ hoạt động đấu thấu vàng đã hỗ trợ cho NHNN phục vụ cho chi tiêu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2013 gặp nhiều khó khăn”.
 
Mức chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện vẫn đang ở mức cao, dao động từ 4-5 triệu đồng/lượng.
 
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh lại cho rằng NHNN nên trả vàng về cho thị trường và chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả nếu thấy cần thiết.
 
TS. Nghĩa cũng cho rằng, về nguyên tắc NHNN không phải là người gánh rủi ro của thị trường khi đứng ra nhập khẩu, xuất khẩu vàng. Thứ hai, nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra - vào VN sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới.