Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm, lo khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD cả năm

Minh Khôi

Trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng lĩnh vực thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn.
Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn.

Sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2019, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 712,6 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 502,3 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 103,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; thủy sản khác đạt 107,1 nghìn tấn, tăng 2,4%.

Như vậy, tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.727,5 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.501,1 nghìn tấn, tăng 4,8% (sản lượng khai thác biển đạt 2.380,7 nghìn tấn, tăng 4,9%).

Số liệu cụ thể cho thấy, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 8 ước tính đạt 411,3 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 276,8 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 91,2 nghìn tấn, tăng 6,5%. 

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2019 ước tính đạt 301,3 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 225,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 12 nghìn tấn, tăng 2,6%; thủy sản khác đạt 63,8 nghìn tấn, tăng 2,4%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động khai thác biển những ngày đầu tháng 8 bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, ước tính sản lượng khai thác biển đạt 281,1 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm

Năm 2018 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, đây là động lực để Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, điều khá quan ngại là trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng lĩnh vực thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%. Điều này đang làm dấy lên không ít lo ngại về việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đề ra cho cả năm 2019.

Theo đại diện của VASEP, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam mặc dù lớn mạnh và phát triển liên tục nhưng vẫn chưa thoát khỏi một quốc gia cung cấp nguyên liệu đơn thuần. Thậm chí, dù rất nhiều tiềm năng song Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Theo VASEP, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong đó, riêng năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD nguyên liệu thủy sản. Việc phải nhập khẩu số lượng lớn nguồn nguyên liệu sản xuất và thức ăn chăn nuôi thủy sản khiến giá thành thủy sản Việt Nam cao, khó cạnh tranh và phụ thuộc vào sự lên xuống của giá nguyên liệu.

Mặc dù có thế mạnh về nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu thủy sản, song đến nay Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực do đó sản phẩm thủy sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và chịu sức ép cạnh tranh lớn.

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng thiếu tính cạnh tranh bởi việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng, chế biến chưa được chú trọng đầu tư. Trong khi đó, hiện nay công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa...

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Được biết, trong thời gian tới, VASEP sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời vượt qua các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, khắc phục thẻ vàng IUU…

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho thủy sản Việt Nam với mục tiêu giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc. Phối hợp với các bộ ngành nâng cao chất lượng dự báo, phân tích thị trường để doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiệu quả hơn...

Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, VASEP cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp chú trọng công tác xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản...