Kinh nghiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cổ phần hóa và thoái vốn tại các đơn vị thành viên
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 3 Tổng công ty phát điện, trong đó có Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2), Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3). Bên cạnh đó, giai đoạn 2018-2020, EVN phải thực hiện thoái vốn tại 06 công ty cổ phần. Bài viết khái quát các kết quả CPH EVNGENCO3, EVNGENCO2 và triển khai thoái vốn của EVN tại các đơn vị thành viên; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thực trạng cổ phần hóa
Về kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt:
EVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch CPH 3 Tổng công ty phát điện, trong đó: EVNGENCO3 thực hiện CPH theo Quyết định số 9494/QĐ-BCT ngày 22/10/2014 của Bộ Công Thương với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (XĐGTDN) là 0 giờ ngày 01/01/2015; EVNGENCO2 thực hiện CPH theo Quyết định số 282/QĐ-UBQLV ngày 28/12/2018 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN với thời điểm XĐGTDN là 0 giờ ngày 01/01/2019.
Về đặc điểm, cơ cấu tổ chức, kết quả sản xuất kinh doanh trước và sau cổ phần hóa (CPH), quá trình tổ chức thực hiện CPH: EVNGENCO3 và EVNGENCO2 là các Công ty TNHH một thành viên có EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, với tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tương ứng là 24.897,13 tỷ đồng đối với EVNGENCO3 và 26.605,44 tỷ đồng đối với EVNGENCO2; vốn điều lệ tại thời điểm XĐGTDN tương ứng là 10.561,46 tỷ đồng đối với EVNGENCO3 và 11.844 tỷ đồng với EVNGENCO2.
Đánh giá về công tác cổ phần hóa
EVN cơ bản hoàn thành CPH tại EVNGENCO2 và EVNGENCO3, trong đó EVNGENCO3 chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 27/9/2018 và EVNGENCO2 chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP từ ngày 01/7/2021. EVNGENCO2 và EVNGENCO3 đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, kinh doanh có lãi sau CPH, hoạt động công bố thông tin công khai, minh bạch.
- Quá trình CPH các EVNGENCO được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai công tác CPH, EVN đã chỉ đạo các công ty tích cực, khẩn trương và nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định hiện hành và theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, đôn đốc xử lý của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hồ sơ CPH để bám sát tiến độ được duyệt.
- EVNGENCO3 là DN có quy mô vốn, tài sản lớn đầu tiên của EVN thực hiện CPH và được phê duyệt kết quả xác định giá trị DN theo quy định tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP. EVNGENCO3 bán được 7.149.644 cổ phần thông qua bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho người lao động, hiện nay EVN còn giữ 1.114.422.994 cổ phần tại EVNGENCO3 (tương ứng 99,17% vốn điều lệ).
- EVNGENCO2 là DN đầu tiên được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN công bố giá trị DN để CPH (hoàn thành công tác XĐGTDN đúng thời hạn 15 tháng kể từ thời điểm XĐGTDN theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. EVNGENCO2 bán được 1.597.400 cổ phần thông qua IPO và bán cho người lao động, nay EVN còn giữ 1.185.046.967 cổ phần tại EVNGENCO2 (tương ứng 99,8654% vốn điều lệ).
Khó khăn, vướng mắc trong và sau quá trình cổ phần hóa
Khó khăn, vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật:
- Quy định của pháp luật về CPH thay đổi 03 lần cho việc CPH EVNGENCO3 nhưng chưa hoàn thành quyết toán, chưa quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty mẹ tại các DN cấp II có mức vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán từ 1.800 tỷ đồng trở lên nên vai trò của HĐTV EVN chưa rõ trong mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN về một số nội dung như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN yêu cầu HĐTV EVN có Nghị quyết thông qua về Kết quả xác định giá trị DN, Phương án sắp xếp sử dụng lao động của Công ty mẹ - EVNGENCO2; Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 5 năm tiếp theo và Nghị quyết về Phương án CPH... trước khi Ủy ban xem xét, phê duyệt...
- EVNGENCO2 thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nên gặp khó khăn, thực hiện một số thủ tục theo Nghị định số 140/2020/NĐ-CP trong khi điều khoản chuyển tiếp chưa đầy đủ, chưa có thông tư hướng dẫn mà phải xin ý kiến bằng văn bản cá biệt để thực hiện đấu giá trong IPO.
- Quá trình phê duyệt cử Người đại diện phần vốn của EVN tại EVNGENCO mất nhiều thời gian do chưa có sự nhất quán, rõ ràng giữa các quy định pháp lý. Mục 4 Bước 2 Phụ lục I Nghị định số 140/2020/ NĐ-CP quy định: “Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định cử người làm đại diện phần vốn tại các DN CPH có vốn nhà nước tiếp tục tham gia trong công ty cổ phần và chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 47 Luật số 69/2014/QH13 quy định: “Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này, cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lựa chọn, cử người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN. Việc cử người đại diện phải thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định quyền, trách nhiệm của người đại diện”.
- Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP cũng không quy định về việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán quyết toán CPH, trong khi khoản 3 và 4 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì trong thời hạn 150 ngày DN CPH phải hoàn thành quyết toán CPH để bàn giao sang CTCP. Như vậy, sẽ không đủ thời gian để KTNN thực hiện kiểm toán giá trị quyết toán CPH các EVNGENCO, làm chậm tiến độ phê duyệt quyết toán và tổ chức bàn giao giữa DN và công ty cổ phần theo quy định.
Khó khăn không tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược trong quá trình CPH:
Do thời gian bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược quy định từ 3 đến 4 tháng là không đủ thời gian khi CPH DN có quy mô lớn, nhà đầu tư không có đủ thời gian tìm hiểu, đánh giá, tìm hiểu DN để đăng ký tham gia.
Khó khăn về thiên tai, dịch bệnh:
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ triển khai công tác CPH của EVNGENCO2 và 3; các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không thể đến Việt Nam tìm hiểu, đăng ký mua cổ phần nên kết quả IPO của EVNGENCO2 chưa được thành công như kỳ vọng.
Công việc phát sinh:
Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Kế hoạch, tiến độ CPH EVNGENCO3 được duyệt không có quy định bắt buộc KTNN kiểm toán kết quả định giá trị DN của EVNGENCO3 (Việc KTNN tham gia kiểm toán kết quả XĐGTDN thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ làm thời gian công bố giá trị DN kéo dài gần 01 năm). Tuy nhiên, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1702/TTg- ĐMDN ngày 28/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về CPH Công ty mẹ- Tổng công ty Phát điện 3, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu KNN thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính) nên Bộ Công Thương công bố giá trị DN kéo dài hơn dự kiến sau khi có ý kiến của KTNN; công tác kiểm toán giá trị quyết toán CPH Công ty mẹ - EVNGENCO2 và EVNGENCO 3 của KTNN làm kéo dài thời gian hoàn thành công tác CPH.
Bài học kinh nghiệm
- Quá trình thẩm tra, cho ý kiến của các cấp, các cơ quan mất nhiều thời gian, do vậy cần có quy định của cấp có thẩm quyền về thời gian nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến.
- Quá trình CPH DN lớn cần tập trung chú ý lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, vừa đảm bảo mục tiêu cơ cấu vốn điều lệ, có điều kiện thay đổi quản trị, phương thức quản lý của DN sau CPH.
- Công tác CPH được thực hiện qua nhiều bước, có sự tham gia của các thành viên của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, Bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN nên việc phối hợp mất nhiều thời gian; cần phải thường xuyên nắm bắt tình hình giải quyết công việc của các cấp để có sự phối hợp kịp thời; bám sát, giải trình tới các bộ ngành để các thành viên sớm có ý kiến về hồ sơ CPH.
- Công tác chuẩn bị nhân sự người đại diện phần vốn đề nghị giao HĐTV EVN quyết định để phù hợp với việc EVN là chủ sở hữu của EVNGENCO.
Thực trạng thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tình hình chung
EVN được thành lập theo Quyết định số 147/ QĐ-TTg, Quyết định số 148/2006/QĐ-TTg ngày 22/6/2006 và Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ cấu tổ chức gồm: Hội đồng thành viên; Ban Tổng giám đốc và 3 Kiểm soát viên nhà nước. Tình hình SXKD, tình hình tài chính của EVN trước khi thoái vốn tại các đơn vị thành viên được thể hiện ở bảng 1, bảng 2.
Kế hoạch thoái vốn đã được phê duyệt
Theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 và Công văn số 266/UBQLV-NL ngày 15/3/2019 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về phê duyệt Danh mục thoái vốn của EVN tại các DN giai đoạn 2018-2020, EVN phải thực hiện thoái vốn tại 06 CTCP, bao gồm: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance); Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP (EEMC); CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 3 (EVNPECC3); CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 4 (EVNPECC4) và CTCP Phong điện Thuận Bình (TBW), CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC).
Kết quả thực hiện
Các DN đã hoàn thành thoái vốn:
Kết thúc giai đoạn 2017-2020, EVN đã hoàn thành thủ tục thoái vốn tại 06/06 CTCP, trong đó hoàn thành thoái vốn tại 03/06 CTCP (EMC, EVNFinance và TBW), tổng giá trị thu về 634,36 tỷ đồng, thặng dư 171,16 tỷ đồng. Cụ thể: EMC: giá trị thu về 77,51 tỷ đồng, thặng dư 31,56 tỷ đồng; EVNFinance: giá trị thu về 483,70 tỷ đồng, thặng dư 107,20 tỷ đồng; TBW: giá trị thu về 73,13 tỷ đồng, thặng dư 32,38 tỷ đồng.
Các DN đã thực hiện thoái vốn nhưng không thành công:
EVNPECC4: ngày 02/7/2019, HNX đã tổ chức bán đấu giá công khai, kết quả bán được 300 CP/1,335 triệu CP chào bán, thu về 17,89 triệu đồng, thặng dư 14,88 triệu đồng; EVNPECC3 và EEMC: không có nhà đầu tư đăng ký tham gia, phiên bán đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.
Tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân
- Các Sở giao dịch chứng khoán không chấp nhận thực hiện thủ tục đấu giá trong thời gian chưa có Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
- Giá trị quyền sử dụng đất thay đổi theo chiều hướng ngày càng tăng lên, chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn, không phản ánh đúng tỷ trọng đóng góp trong giá trị DN.
Nguyên nhân khách quan của các tồn tại, vướng mắc là:
- Quy định của pháp luật về chuyển nhượng vốn, thoái vốn thường xuyên thay đổi, các Sở giao dịch chứng khoán không chấp thuận thực hiện thủ tục đấu giá cho các DN cấp III.
- Các đợt đấu giá bán cổ phần của EVN tại EVNPECC3, EVNPECC4 và EEMC không thành công do điều kiện thị trường không thuận lợi, giá khởi điểm cao hơn nhiều so với giá trị thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không thu hút các nhà đầu tư quan tâm, tham gia mua cổ phần.
Nguyên nhân chủ quan là công tác quảng bá, thông tin về tiềm năng phát triển của các DN thoái vốn, công tác tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm chưa được chú trọng.
Đề xuất, kiến nghị
Về công tác cổ phần hóa
Thể chế, văn bản quy phạm pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung:
- Các quy định của pháp luật về CPH cần có tính ổn định, khi thay đổi cần có hướng dẫn kịp thời, đặc biệt là các nội dung chuyển tiếp.
- Đề nghị tăng thời gian tổ chức IPO để DN CPH có thời gian chuẩn bị và nhà đầu tư có thời gian nghiên cứu hồ sơ để đưa ra quyết định đầu tư.
- Giao HĐTV Tập đoàn kinh tế quyết định cử người đại diện phần vốn khi thực hiện CPH DN cấp II để phù hợp với nguyên tắc chủ sở hữu vốn quyết định cử người đại diện phần vốn tại DN cấp II.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước:
- Khi ban hành Quyết định CPH thì đồng thời ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo; cần xây dựng Kế hoạch, tiến độ CPH với các bước thực hiện CPH cụ thể.
- Quá trình CPH DN lớn cần tập trung chú ý lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, vừa đảm bảo mục tiêu cơ cấu vốn điều lệ, có điều kiện thay đổi quản trị, phương thức quản lý của DN sau CPH.
- Phát huy hơn nữa vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu ở DN, cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tham gia vào quá trình CPH; thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của từng cấp có thẩm quyền trong quá trình thực hiện CPH, đảm bảo tiến độ CPH đề ra.
- Cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện Kế hoạch, tiến độ CPH. Trong trường hợp bị chậm tiến độ, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn DN, điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo các mốc thời gian chính vẫn đảm bảo tiến độ theo quy định.
- Công tác CPH diễn ra trong thời gian dài, quy định của pháp luật thường xuyên thay đổi nên các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình CPH, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
- Tăng cường ủy quyền, phân cấp cho HĐTV Tập đoàn kinh tế, DN tổ chức lựa chọn tư vấn CPH.
Về công tác thoái vốn
Thể chế, văn bản pháp quy cần sửa đổi, bổ sung:
- Xem xét quy định tính giá trị quyền thuê đất, sử dụng đất một cách hợp lý vào giá khởi điểm chào bán cổ phần tương tự như quy định về XĐGTDN trong công tác CPH.
- Xem xét, bổ sung quy định về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện thoái vốn, giảm vốn mà nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, tạo điều kiện để DN tìm kiếm được nhà đầu tư lớn, tham gia tích cực vào quá trình thay đổi quản trị, năng cao khả năng ứng dụng công nghệ mới và mở rộng thị trường đối với DN sau CPH.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước: Giao Hội đồng thành viên EVN chủ động quyết định thời gian, tỷ lệ thoái vốn tại các DN phù hợp với tình hình thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 về việc phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017-2020;
3. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (2019), Công văn số 266/ UBQLV-NL ngày 15/3/2019 về phê duyệt Danh mục thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại các doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020.
* Tập đoàn Điện lực Việt Nam
** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022