Kinh nghiệm “hậu kiểm” doanh nghiệp thuỷ sản
Cục Hải quan Long An cho biết vừa thực hiện thành công 2 cuộc kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đối với doanh nghiệp chế biến thuỷ sản XK, tổng số tiền truy thu về cho ngân sách gần 3,8 tỉ đồng (gồm tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính).
Hai doanh nghiệp trên hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng thuỷ sản cho đối tác nước ngoài, thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Tho và Chi cục Hải quan Bến Lức (thuộc Cục Hải quan Long An). Khi làm thủ tục, 2 doanh nghiệp mở tờ khai theo loại hình sản xuất XK (SXXK) và gia công. Căn cứ vào mô hình hoạt động của doanh nghiệp, lực lượng KTSTQ- Hải quan Long An xác định trọng tâm kiểm tra là định mức hao hụt đăng kí của doanh nghiệp với cơ quan Hải quan và định mức hao hụt trong thực tế sản xuất.
Qua việc nắm bắt thông tin từ đối tác của 2 doanh nghiệp trên, cộng với thông tin từ chi cục hải quan làm thủ tục, Chi cục KTSTQ nhận thấy trong nhiều năm liên tục, các công ty chỉ đăng kí một định mức cố định và có tỉ lệ hao hụt cao bất thường. Từ thông tin trên, cơ quan Hải quan nghi ngờ định mức đăng kí của doanh nghiệp không đúng với thực tế sản xuất. Để có cơ sở đấu tranh, trước khi tiến hành kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, Chi cục KTSTQ thống kê toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan như: Hợp đồng gia công, hồ sơ thanh khoản nhập SXXK; các quyết định không thu thuế, miễn thuế và hoàn thuế; định mức đăng kí với cơ quan Hải quan; số tiền thuế doanh nghiệp được miễn, không thu, hoàn…
Tại trụ sở doanh nghiệp, cơ quan Hải quan thực hiện đối chiếu số lượng nguyên liệu NK với sổ kho nguyên liệu để kiểm tra nguyên liệu NK có đúng khai báo; kiểm tra phiếu xuất kho sản phẩm, hoá đơn bán hàng, sổ kho thành phẩm đề xác định hàng XK có đúng với khai báo hải quan; kiểm tra nguyên liệu từ bộ phận kiểm tra chất lượng của doanh nghiệp…
Kết quả kiểm tra thực tế của cơ quan Hải quan cho thấy định mức hao hụt trong thực tế sản xuất tại từng công ty thấp hơn so với định mức đăng kí với cơ quan Hải quan. Đây là hành vi gian lận nhằm trốn thuế. Căn cứ các sai phạm của doanh nghiệp và quy định hiện hành của pháp luật, Hải quan Long An đã ra quyết định truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp tổng số tiền 2,03 tỉ đồng và doanh nghiệp còn lại bị truy thu và phạt trên 1,75 tỉ đồng.
Theo Cục Hải quan Long An, qua 2 cuộc kiểm tra nêu trên đơn vị rút ra được một số kinh nghiệm quan trọng để “hậu kiểm” thành công đối với loại hình doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đóng hộp từ nguyên liệu NK. Thứ nhất là lựa chọn doanh nghiệp kiểm tra. Cục Hải quan Long An cho rằng, nguyên liệu phục vụ sản xuất của loại hình doanh nghiệp này có tỉ lệ hao hụt khác nhau qua từng thời kì, tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài (từ năm 2007 đến năm 2011) 2 doanh nghiệp nêu trên chỉ đăng kí 1 tỉ lệ hao hụt cố định (dù thực tế sản xuất từng năm tỉ lệ này có khác nhau).
Đây chính là dấu hiệu nghi vấn rất cần lưu ý khi xác định đối tượng kiểm tra. Thứ hai là xác định mặt hàng kiểm, với doanh nghiệp dạng này thường NK rất nhiều mặt hàng, nên tiến hành kiểm tra tất cả sẽ không đủ thời gian thực hiện, do đó để “đánh trúng” những mặt hàng vi phạm, Hải quan Long An lựa chọn một số mặt hàng trọng điểm để kiểm tra với các tiêu chí: Số lượng NK và thanh khoản lớn; trị giá hàng NK cao; thuế suất cao, đây là những mặt hàng có tiền thuế lớn và dễ bị doanh nghiệp tìm cách gian lận, trốn thuế. Bài học khác là kinh nghiệm kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp thủy sản.
Theo Hải quan Long An, đặc thù của doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu thuỷ sản NK là không có sản phẩm dở dang trong ngày, không có tồn dư nguyên liệu trên dây chuyền, nên việc xác định định mức thực tế khá thuận lợi. Để xác định đúng định mức lực lượng Hải quan cần kiểm tra sổ nguyên vật liệu (được Đoàn kiểm tra xác định từ đầu) và đối chiếu với sổ lưu kho và phiếu xuất nhập kho nguyên liệu; thực hiện thống kê, đối chiếu các dữ liệu nêu trên để xác định nguyên liệu đưa vào sản xuất từng năm…
Vấn đề đặc biệt quan trọng khác, dù không phải là hoạt động nghiệp vụ nhưng có yếu tố then chốt trong việc làm cho doanh nghiệp hiểu đúng vấn đề đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp giải trình. Bởi khi phát hiện sai phạm và truy thu thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “hầu bao” của doanh nghiệp. Do đó, việc giải thích rõ sai phạm và căn cứ xử phạt sẽ dễ dàng thuyết phục doanh nghiệp chấp hành quyết định của cơ quan Hải quan và tránh các khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết.