Phát triển công nghiệp hỗ trợ của một số nước
Thái Lan:
Là nước đứng đầu ASEAN về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này đã biến Thái Lan thành cứ điểm sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu như ô tô, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng… của các công ty đa quốc gia.
Sở dĩ có được điều này, Thái Lan đã đặc biệt chú trọng vào các chính sách khuyến khích và bảo vệ thị trường nội địa như chính sách nội địa hóa, giảm thuế nhằm phát triển nhanh các ngành sản xuất, từ đó làm tăng nhu cầu đối với các ngành CNHT. Đồng thời, nước này đã tận dụng lợi thế việc các công ty của Nhật Bản ồ ạt đầu tư sang các nước trong khu vực ASEAN để phát triển CNHT trong nước. Bên cạnh đó, Thái Lan còn khuyến khích các DN đổi mới công nghệ thông qua việc miễn thuế thu nhập DN (TNDN), miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị trong một thời gian nhất định đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Ngoài ra, nước này đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thành lập các khu tự do thương mại cho các dự án đầu tư vào phát triển các ngành Công nghiệp trọng điểm. Nổi bật nhất là hoạt động tăng cường liên kết với các DN FDI, đặc biệt là các DN Nhật Bản. Những năm qua, có thể thấy, vai trò của các DN FDI trong việc phát triển CNHT ở Thái Lan là rất lớn, nó được thể hiện thông qua chuyển giao công nghệ cho các công ty CNHT trong nước…
Bên cạnh các chính sách ưu đãi cho phát triển CNHT nói trên, Thái Lan còn thành lập các ủy ban hỗ trợ về vấn đề này và các tổ chức chuyên lo phát triển xây dựng và hình thành mối liên kết công nghiệp trong nước. Cụ thể, năm 1985, Thái Lan đã thành lập Phòng Phát triển CNHT (BSID) trong Ủy ban xúc tiến công nghiệp (DIP) thuộc Bộ Công nghiệp với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Mục tiêu chính của BSID là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước hoạt động trong các ngành CNHT như phối hợp với Nhật Bản tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho các lao động trong các DNNVV, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành CNHT, thiết kế và phát triển mẫu và hỗ trợ hệ thống thầu phụ, đưa ra quy hoạch tổng thể cho phát triển CNHT… Tiếp đến, năm 1998, Thái Lan thành lập Cục Phát triển CNHT trực thuộc Vụ Xúc tiến công nghiệp của Bộ Công nghiệp, nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành CNHT, thiết kế và phát triển các khuôn cho sản xuất thiết bị điện tử gia công nhiệt và xúc tiến phát triển các nhà thầu phụ. Thái Lan hiện cũng có những viện nghiên cứu độc lập hỗ trợ cho các ngành Công nghiệp, như Viện Ô tô, Viện Điện tử, Viện Thực phẩm, Viện Dệt may… nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển những ngành này.
Hiện nay, ngành CNHT của Thái Lan có 3 cấp: lắp ráp, cung cấp thiết bị phụ tùng và linh kiện, dịch vụ. Riêng đối với ngành Công nghiệp ô tô, Thái Lan có hơn 2.000 DN sản xuất linh kiện, trong đó có gần 400 nhà sản xuất chuyên về phôi đúc hoặc rèn. Điều này không chỉ đưa tỷ lệ nội địa hóa ô tô lên cao mà còn giúp Thái Lan trở thành nước xuất khẩu ô tô và linh kiện được sản xuất tại chỗ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù có 15 nhà máy lắp ráp, nhưng Thái Lan có đến 1.800 nhà cung cấp thiết bị phụ tùng và linh kiện dịch vụ. Chính phủ Thái Lan từ việc quy định về tỷ lệ nội địa hóa 40% với xe tải nhỏ, 54% với các loại xe tải khác vào năm 1996, đến nay, quy định tỷ lệ nội địa hóa là 100% đối với động cơ diesel.
Điều này kéo theo những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, thu hút các công ty, tập đoàn lớn từ chính nước họ sang đầu tư ở Thái Lan để mở thêm các cơ sở CNHT. Đây là câu trả lời cho câu hỏi vì sao hiện nay Thái Lan là nước đứng đầu các nước ASEAN về phát triển CNHT.
Malaysia:
Dù xếp sau Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á về phát triển CNHT nhưng Malaysia cũng có định hướng phát triển CNHT từ rất sớm. Theo đó, Chính phủ Malaysia đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách khuyến khích phát triển ngành CNHT, như:
- Ưu đãi thu hút DN FDI vào các ngành CNHT thông qua chính sách ưu đãi thuế cho các DN FDI đầu tư vào sản xuất máy móc và linh kiện; sản xuất các thiết bị giao thông và linh kiện phụ tùng; sản xuất các thiết bị và linh kiện điện, điện tử; sản xuất các sản phẩm nhựa.
- Xây dựng các chương trình phát triển các ngành Công nghiệp quy mô nhỏ và vừa để phát triển các nhà cung cấp linh phụ kiện. Mục tiêu chính của chính sách này là nhằm tạo ra một thị trường công nghiệp mà các công ty công nghiệp quy mô nhỏ và vừa của Malaysia có thể trở thành những nhà sản xuất và cung cấp đáng tin cậy về các sản phẩm đầu vào công nghiệp như: máy móc, thiết bị cho ngành công nghiệp lớn…
Học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, Malaysia cũng thành lập các cơ quan, tổ chức chuyên trách để quản lý ngành CNHT. Cụ thể, năm 1989, Malaysia đã thành lập Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC). Trung tâm này có nhiệm vụ nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động trong các công ty và những người vừa tốt nghiệp bậc phổ thông trung học, để vận hành những dây chuyền sản xuất hiện đại. PSDC được đánh giá là có vài trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành CNHT Malaysia phát triển. Các chương trình đào tạo tại PSDC luôn được cập nhật để phù hợp với nhu cầu thị trường. PSDC còn là nơi các công ty đa quốc gia và các nhà cung cấp trong nước gặp gỡ, trao đổi thông tin chính thức lẫn không chính thức thông qua các khóa đào tạo kỹ thuật. Ví dụ, tỷ lệ nội địa hóa của Công ty Sony EMCS tại Penang đạt khoảng 30 - 40% kể từ khi PSDC được thành lập.
Tiếp đó là Chương trình Phát triển nhà cung cấp (VDP) được triển khai từ đầu những năm 1990. Nhiệm vụ của VDP là phát triển mạng lưới DN nhỏ và vừa chuyên cung cấp linh phụ kiện cho các công ty lớn hơn… Kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả trong việc phát triển CNHT, năm 1996, Malaysia đã thành lập Công ty Phát triển công nghiệp nhỏ và vừa (SMIDEC), với nhiệm vụ thúc đẩy, hỗ trợ DNNVV nghiên cứu phát triển công nghệ, đồng thời tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài. Ngoài ra, SMIDEC cũng cung cấp hỗ trợ về mặt tài chính, tiếp cận thị trường, tư vấn dịch vụ, cấu trúc và nhiều thứ khác. Nhờ đó, các công ty đa quốc gia ở Malaysia có tỷ lệ mua sắm nội địa, mua linh kiện trong nước khá cao.
Nhật Bản:
Là nước có nền công nghiệp phát triển nhất ở châu Á với hàng loạt tập đoàn lớn đang khẳng định vị trí hàng đầu trên thế giới. Để có được thành quả như hiện nay, trước tiên phải kể đến việc Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chiến lược phát triển CNHT, từ chỗ phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài thành quốc gia tự chủ và dẫn đầu về công nghệ như hiện nay. Để phục vụ nhà máy lắp ráp, Nhật Bản có hàng nghìn các DN vệ tinh khác chuyên sản xuất các linh kiện phụ tùng hỗ trợ cho DN đó.
Riêng ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan hiện có khoảng trên 2.000 DN sản xuất linh kiện. Chính phủ Thái Lan từ việc quy định về tỷ lệ nội địa hóa 40% với xe tải nhỏ, 54% với các loại xe tải khác vào năm 1996, đến nay, quy định tỷ lệ nội địa hóa là 100% đối với động cơ diesel.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đánh giá rất cao vai trò của các DN nhỏ và vừa trong việc phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Từ năm 1936, Nhật Bản đã có Quỹ Tài chính đầu tư vốn cho DNNVV để giúp các DN này vay vốn được dễ dàng hơn và tiếp cận được vốn trong thời gian ngắn. Bên cạnh những hỗ trợ về mặt tài chính, Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ các DN về công nghệ…
Đáng chú ý, quá trình hình thành CNHT của Nhật Bản hoàn toàn do hệ thống DN tư nhân phát triển. Chính phủ chỉ có những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động và phát huy năng lực. Điều này bắt buộc bản thân DN lớn cũng như DNNVV của Nhật Bản đều có sự nỗ lực và năng lực làm việc rất cao. Đây chính là sự khác biệt để tạo ra sự thành công của các DN Nhật Bản.
năng tài chính hạn chế có thể tiếp cận được với máy móc, công nghệ mới. Vấn đề thông tin cũng rất được quan tâm tại Nhật Bản. Mỗi địa phương của nước này đều có cơ sở dữ liệu riêng với sự tham gia của các quan chức chính quyền, các DN và các nhà nghiên cứu. Các cơ sở dữ liệu này có chất lượng cao cung cấp thông tin chi tiết về các nhà cung cấp, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động của các DN trong ngành CNHT.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực cũng là một trong những chiến lược mà Nhật Bản đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Chính sách phát triển nguồn nhân lực được phối hợp thực hiện ở tất cả các cấp nhằm khuyến khích lao động có trình độ kỹ thuật tốt ngày càng hoàn thiện chất lượng, đáp ứng được yêu cầu vận hành những máy móc trang thiết bị hiện đại, theo kịp trình độ phát triển của công nghệ trên thế giới.
Hàm ý cho Việt Nam
Là nước công nghiệp hóa đi sau các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về kinh nghiệm phát triển CNHT của các nước đi trước để vận dụng ở nước ta. Để làm được điều đó, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, soạn thảo các chính sách phát triển CNHT phù hợp.
Hiện nay, trong hệ thống luật pháp nước ta vẫn chưa có định nghĩa về ngành CNHT, điều đó dẫn đến việc trong các quy định pháp quy không hề có chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển ngành CNHT. Bởi vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra là Chính phủ cần phải xây dựng khái niệm CNHT trong hệ thống luật pháp. Hơn nữa, Chính phủ cần phải nhận diện lại vấn đề này bằng cách học tập kinh nghiệm của Thái Lan lập ra một cơ quan đầu mối để hỗ trợ cho các DN cung cấp chi tiết linh kiện.
Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần xây dựng và công khai chiến lược, quy hoạch đối với CNHT, để tận dụng hiệu quả các nguồn lực còn hạn hẹp. Cần có các chính sách xác định rõ các lĩnh vực cần được ưu tiên để phát triển CNHT. Chẳng hạn, hiện nay các lĩnh vực như cán thép, đúc, xử lý nhiệt và chế tạo là những lĩnh vực còn tương đối lạc hậu, nên có thể tập trung phát triển CNHT trong những lĩnh vực này.
Một vấn đề quan trọng khác theo nhận định của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, thì Việt Nam cần có những điều chỉnh với các DN Nhà nước vì đây là những DN đã tồn tại rất lâu, cần phải tận dụng, định hướng sản xuất theo xu hướng chuyên môn hóa, tập trung vào một ngành. Mặt khác, một số ngành thuộc CNHT cần vốn đầu tư rất lớn, không phải DN tư nhân nào cũng làm được, bởi vậy công việc này cần được thúc đẩy nhanh chóng hơn.
Thứ hai, cần có các chính sách tạo điều kiện về vốn thúc đẩy phát triển các DN nhỏ và vừa.
Các DNNVV sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đưa nền CNHT của Việt Nam đi lên, do đó cần có những chính sách và biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích các DNNVV trong lĩnh vực này như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ các DN về thiết kế mẫu và phát triển mẫu như Thái Lan đã làm, cung cấp thông tin khách hàng cho DN…
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực của nước ta hiện nay đang mất cân đối về cơ cấu lao động khi thiếu trầm trọng đội ngũ thợ lành nghề và kỹ sư trong các ngành khoa học kỹ thuật (kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, hóa ứng dụng, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động…). Do đó, chính phủ cần cải cách đào tạo đại học theo hướng cân đối lại số lượng tuyển sinh ở các ngành học, tạo điều kiện để sinh viên được nâng cao kỹ năng thực hành và có thái độ đúng đắn với môi trường làm việc của một DN sản xuất. Ngoài ra, thu hút sự hỗ trợ của các nước phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNHT cũng là rất cần thiết.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin DN.
Các DN trong ngành CNHT gặp khó khăn trong hoạt động, như đã chỉ ra ở phần thực trạng, một phần là do họ có quá ít thông tin về các khách hàng. Do đó, chúng ta cần thiết lập một hệ thống thông tin DN chính thức và xây dựng mạng lưới thông tin nội bộ DN. Để làm được việc này, các thông tin và dịch vụ hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Công đoàn Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại, của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư cần được đẩy mạnh hơn. Hơn nữa, cần tăng cường công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN sản xuất hỗ trợ để làm cơ sở cho công tác giới thiệu, tìm kiếm đối tác.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Xuân Thúy, CNHT: Khái niệm và phát triển, Diễn đàn phát triển Việt Nam (2006);
2. Junichi Mori (2007), Báo cáo về xây dựng cơ sở dữ liệu CNHT hữu ích;
3. Kenichi Ohno (2007), Building Supporting Industries in Vietnam, Vietnam Development Forum;
4. Ngô Đức Anh (2006), Report on Key issues for Vietnam’s supporting industries development, Vietnam Development Forum;
5. Thông tin từ khóa học “Business course lecturer training” do JICA tổ chức tại Osaka và Tokyo, Nhật Bản, tháng 10,11/2007.
Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của một số nước và hàm ý cho Việt Nam
(Tài chính) Chính sách theo đuổi mở cửa thu hút vốn FDI của các công ty đa quốc gia và thành lập các cơ quan, tổ chức quản lý chuyên trách về công nghiệp hỗ trợ, là kinh nghiệm phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ của một số nước được đề cập ở trong bài viết. Đây sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam tham khảo để đưa công nghiệp hỗ trợ ở nước ta phát triển trong thời gian tới.
Xem thêm