Kinh nghiệm phát triển dịch vụ thanh toán di động ở Trung Quốc
Ở các quốc gia mà một phần không nhỏ dân cư không có tài khoản ngân hàng trong khi các công ty viễn thông lại phủ sóng rộng rãi thì thanh toán qua điện thoại di động hay ví tiền điện tử có thể đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiếp cận tài chính. Thanh toán di động sẽ là giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông qua thành công của mô hình phát triển thanh toán di động ở Trung Quốc, những giải pháp cho thị trường thanh toán di động của Việt Nam sẽ được đề xuất trong bài viết dưới đây.
Công nghệ di động ở Trung Quốc: Sự chuyển đổi của ngành công nghiệp thanh toán
Ở các nước phát triển, hầu hết người dân đều có các tài khoản ngân hàng và việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thanh toán cho hàng hoá và dịch vụ đã trở nên rất thông dụng. Vì vậy, thanh toán di động hay ví tiền điện tử khó có thể “chen chân” vào một thị trường đã bão hoà.
Tuy nhiên, ở các quốc gia mà một phần không nhỏ dân cư không có tài khoản ngân hàng trong khi các công ty viễn thông lại phủ sóng rộng rãi như Trung Quốc thì thanh toán qua điện thoại di động hay ví tiền điện tử có cơ hội phát triển nhanh chóng.
Giá trị thanh toán qua điện thoại di động ở Trung Quốc đã đạt 5,5 nghìn tỷ USD vào năm 2016, gấp 50 lần quy mô của thị trường Mỹ (doanh số 112 tỷ USD). Điều này chứng tỏ vị thế của các công ty internet Trung Quốc trong một phân khúc của thị trường được coi là “cánh cổng” dẫn tới công nghệ tài chính ngân hàng duy trì hệ sinh thái (Louise, 2017).
2016 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng của thanh toán di động tại Trung Quốc khi việc sử dụng ví tiền điện tử hoạt động để thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, các siêu thị, nhà hàng và các cửa hàng quần áo đã trở nên phổ biến.
Tận dụng lợi thế về số người sử dụng internet khổng lồ (731 triệu); trong đó 95% truy cập từ điện thoại di động, thương mại điện tử và game trực tuyến đã bén rễ từ lâu, công nghệ tài chính ngân hàng đã tìm thấy một thị trường đầy hứa hẹn (Steven Millward, 2017).
Thứ nhất, thanh toán qua điện thoại di động: Mua sắm trực tuyến được đẩy mạnh cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh. Điều tra tại Trung Quốc cho thấy, có 95% người sử dụng internet duyệt mạng bằng điện thoại di động.
Alipay, dịch vụ thanh toán của Alibaba đã nhanh chóng trở thành sự lựa chọn cho ví tiền điện tử, tuy nhiên nó cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi Tencent một công ty game và tin nhắn trình diện chức năng thanh toán cho ứng dụng của điện thoại Wechat với số người sử dụng lên tới 889 triệu tài khoản vào quý IV/2016 (Statista, 2017).
Thứ hai, ví tiền thông minh: Ví tiền thông minh là sự cải tiến đặc biệt, khi ứng dụng trên điện thoại di động có thể kết nối trực tuyến tới các giao dịch bán lẻ trực tiếp. Mã vạch có dạng ma trận (QR code) đã có mặt khắp nơi ở các cửa hàng bán lẻ hay quán ăn sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc. Người sử dụng chỉ đơn giản mở ứng dụng Wechat hay Alipay chụp QR code và thanh toán hay là người bán hàng thu tiền của khách hàng bằng việc chụp ma trận mã vạch của khách hàng.
Thứ ba, thương mại điện tử giúp tiếp cận các khách hàng nhỏ lẻ. Hầu hết các ngân hàng ở Trung Quốc đã bỏ qua những người vay tiền số lượng ít mà chỉ tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước vay. Thêm vào đó, sự thiếu vắng hệ thống xếp hạng tín dụng đã khiến cho các ngân hàng lưỡng lự khi cho các cá nhân vay.
Với sự ra đời của thương mại điện tử, xếp hạng tín dụng cho khách hàng đã được tạo ra nhờ sử dụng các thông tin cá nhân và lịch sử các giao dịch mua sắm trực tuyến. Alibaba và JD.com, hai cổng thanh toán điện tử lớn nhất của Trung Quốc hiện đã cho phép người tiêu dùng có thể vay với số tiền nhỏ hơn 10.000 NDT.
Các yếu tố tác động đến mô hình thanh toán di động tại Trung Quốc
Yếu tố cơ bản tác động đến các mô hình thanh toán di động ở Trung Quốc chính là các quy định thắt chặt yêu cầu về giấy phép hoạt động tài chính cho các công ty nhận tiền gửi hoặc cung cấp các dịch vụ thanh toán. Các tổ chức phi tài chính muốn cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử bắt buộc phải có giấy phép tài chính hoặc là đối tác với một công ty đã được cấp giấy phép nếu không muốn bị chấm dứt hoạt động.
Yếu tố thứ hai là cạnh tranh giữa những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và các ngân hàng tại Trung Quốc. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại có lợi thế về số lượng thuê bao và cơ sở hạ tầng của mạng di động thì các ngân hàng Trung Quốc lại có số vốn khổng lồ và có vị thế trên thị trường.
Một yếu tố khác có tác động tích cực là thị trường dành cho thanh toán qua điện thoại di động ở Trung Quốc có tiềm năng phát triển vô cùng lớn (CNNIC, 2015). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng lên trong những năm gần đây, góp phần mở rộng thị trường thanh toán di động trong tương lai gần và tạo ra những cơ hội cho người chơi cũng như các mô hình hoạt động.
Thực trạng thanh toán di động tại Trung Quốc
Các nhà cung cấp mạng di động
Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện cải cách và thành lập ba nhà cung cấp mạng di động China Mobile, China Telecom và China Unicom (giảm số lượng các nhà cung cấp từ sáu xuống còn ba). Nhiệm vụ chính của các nhà mạng là đẩy mạnh thị trường viễn thông của Trung Quốc, đặc biệt là khi công nghệ 3G được cấp phép vào cuối 2008. Ba nhà mạng này đã tạo nên một độc quyền tập đoàn chặt chẽ có vị thế lớn trên thị trường và theo đuổi chiến lược hội nhập theo chiều dọc hoặc là trực tiếp mua lại hoặc là đầu tư vào các công ty hay là hình thành các liên minh chiến lược.
Các ngân hàng thương mại
Đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, những yếu tố ảnh hưởng đến các chiến lược thị trường của họ trong ngành công nghiệp thanh toán qua mạng di động là sự non trẻ của thị trường tín dụng tiêu dùng, sự thiếu kinh nghiệm của họ trong tín dụng tiêu dùng và thiếu tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng qua hệ thống mạng nơi mà các nhà cung cấp dịch vụ di động thống trị. Giải pháp cho các ngân hàng chính là kết hợp với các nhà mạng hoặc tự xây dựng cơ sở hạ tầng tín dụng của riêng họ bằng cách thu hút các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp bán lẻ.
Các ngân hàng Trung Quốc đã theo đuổi cả hai chiến lược trên và ngoài ra các ngân hàng Trung Quốc còn thử tạo ra một hệ thống tín dụng song song: Năm 2009, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phát triển một nền tảng dịch vụ tài chính liên ngân hàng tiêu chuẩn qua mạng, thế hệ thứ hai của hệ thống thanh toán qua mạng được gọi là Super – Internet – Bank hay là super - e - bank.
Thanh toán qua bên thứ ba
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và suy thoái của thẻ tín dụng, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán qua mạng di động. Những nhà cung cấp dịch vụ thứ ba này đã chiếm lĩnh thị trường với thị phần tương ứng cho Alipay và TenPay là 54% và 37% (đến quý IV/2016), đe dọa những nỗ lực của các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Alibaba thậm chí còn xây dựng mạng lưới riêng của mình kể cả ở nước ngoài, trong đó 110.000 cửa hàng chấp nhận Alipay (Louise, 2017).
Thúc đẩy tiếp cận tài chính thông qua thanh toán di động ở Việt Nam
Cuối tháng 12/2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 -2020, trong đó mục tiêu bao gồm: Dùng tiền mặt thanh toán dưới 10% số giao dịch, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, 50% cá nhân hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán điện tử trong 5 năm tới.
Để hoàn thành được những mục tiêu kể trên thì việc xây dựng và phát triển hình thức thanh thanh toán di động là một bước đi đúng đắn trong điều kiện kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Học tập mô hình phát triển của Trung Quốc, một số khuyến nghị dưới đây được đưa ra nhằm đẩy mạnh hình thức hoạt động này đồng thời cũng góp phần thúc đẩy tiếp cận tài chính tại Việt Nam trong tương lai.
Thứ nhất, vấn đề về bảo mật và lòng tin cần phải được giải quyết triệt để. Khách hàng có ít cơ hội tiếp xúc với công nghệ hoặc ít hiểu biết hãng cung cấp sản phẩm nên thường lo ngại về thanh toán di động có thể lộ thông tin cá nhân hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa tốt. Vì thế, những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động phải tìm ra giải pháp để giảm thiểu rủi ro rò rỉ thông tin.
Thứ hai, từ hình thức thanh toán qua bên thứ ba ở Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cần xem sự cạnh tranh giữa ví điện tử và ngân hàng là một xu hướng phát triển tích cực. Vì thế, các quy định và luật lệ nên chú trọng đến những tiến bộ mới nhất của công nghệ thông tin và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người chơi, đặc biệt là đối tượng dựa vào công nghệ sáng tạo mới dịch vụ thanh toán qua bên thứ ba. Mặt khác, những rào cản chính sách cũng nên dỡ bỏ để các dự án đầu tư, nghiên cứu mới nhanh chóng được đi vào hoạt động.
Thứ ba, với những nhà đầu tư tham gia vào thị trường, cần tiếp tục cải tiến sáng tạo về công nghệ. Những thay đổi về công nghệ cũng có thể bao gồm sử dụng các hình ảnh, thay vì chữ viết dành cho những bộ phận dân số không biết chữ hoặc không có khả năng hiểu các thuật ngữ tài chính. Các công nghệ viễn thông mới có thể được đưa vào sử dụng như nhận dạng khuôn mặt, sử dụng vân tay thay vì các mã nhắn OTP như trước đây...
Thứ tư, thiết lập một mạng lưới các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng ví tiền điện tử, kể cả trực tuyến hay bên ngoài. Ở các cửa hàng, nên có những biểu tượng chấp nhận thanh toán để khách hàng có thể nhận thấy ngay và có kèm theo những ưu đãi hay chiết khấu hấp dẫn giống như Alipay hay Wechat đã áp dụng tại Trung Quốc.
Thứ năm, mở rộng mạng lưới thanh toán di động ra thị trường quốc tế. Đối với Việt Nam, kiều hối là một trong những nguồn tài chính lớn nhất từ thế giới bên ngoài góp phần phát triển kinh tế và trợ giúp cho người nghèo. Tuy nhiên, chi phí của việc chuyển tiền từ nước ngoài thường lớn và không ổn định và người dân ở vùng nông thôn không có tài khoản ngân hàng sẽ gặp khó khăn và tốn kém khi nhận các khoản tiền người thân gửi về.
Mặt khác, với việc hiện nay có rất nhiều khách du lịch Việt Nam đi thăm quan nước ngoài và có nhu cầu chi tiêu mua sắm lớn thì thanh toán di động có thể coi là giải pháp cho vấn đề này nếu như xây dựng được cơ sở hạ tầng cho hệ thống thanh toán và mở rộng dịch vụ thanh toán ra ngoài biên giới Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. State of the industry report on Mobile money (2016), https://www.gsma.com/mobilefordevelopment/wp-content/uploads/2017/03/GSMA_State-of-the-Industry-Report-on-Mobile-Money_2016-1.pdf;
2. Steven, Millward (2017), China now has 731 million internet users, 95% access from their phones, https://www.techinasia.com/china-731-million-internet-users-end-2016;
3. Statista (2017a), Number of monthly active Wechat users from 2nd quater 2010 to 4th quater 2016 (in millions), https://www.statista.com/statistics/255778/number-of-active-wechat-messenger-accounts/;
4. Statista (2017b), Giá trị giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam, https://www.statista.com/outlook/295/127/fintech/vietnam#;
5. China’s third-party mobile payment market shot up 69.7% in 2015 (2016), http://www.iresearchchina.com/content/details7_21238.html;
6. Louise, L. (2017), Race for China’s $5.5tn mobile payment market hots up, Financial Times, ngày 1 tháng 5 năm 2017.