Trung Quốc tìm cách tránh lặp lại bi kịch giảm phát của Nhật Bản
Giới chức Trung Quốc kìm hãm đà mua sắm toàn cầu của các công ty tư nhân lớn do lo ngại rơi vào bi kịch của Nhật thập niên 90.
Đầu năm nay, nhóm cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã thực hiện một nghiên cứu để tìm ra cách giúp Trung Quốc tránh lặp lại bi kịch của Nhật Bản từ thập niên 90 đã khiến nước này rơi vào vài thập kỷ giảm phát.
Báo cáo này nghiên cứu mọi vấn đề, từ Thỏa ước Plaza về tiền tệ đến bong bóng bất động sản và tình hình dân số khiến Nhật Bản trở thành quốc gia già nhất châu Á, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Cuối cùng, một trong những đề xuất của báo cáo đã được giới chức thực hiện là kìm hãm đà mua sắm toàn cầu của các công ty tư nhân lớn nhất nước.
Các lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận việc này trong một cuộc họp hồi tháng 4. Sau đó, báo giới nước này đồng loạt truyền đi lời cảnh báo của ông Tập, rằng ổn định tài chính là điều thiết yếu với tăng trưởng kinh tế.
Đến tháng 6, nhiều tin tức bắt đầu xuất hiện, rằng giới chức ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về các khoản vay nước ngoài cho Dalian Wanda, Anbang Insurance, HNA, Fosun International và Li Yonghong - ông chủ câu lạc bộ bóng đá AC Milan. Giới chức cũng chỉ đạo hạn chế cho vay tràn lan, giảm đầu cơ chứng khoán và các sản phẩm quản lý tài sản lãi suất cao.
Jim O’Neill - cựu kinh tế trưởng tại Goldman Sachs Group đánh giá các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc luôn tìm cách tránh sai lầm của nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. “Anh có thể nhìn thấy điều đó qua các nỗ lực liên tiếp nhằm kiềm chế bong bóng bất động sản của Trung Quốc, vì họ không muốn bong bóng vỡ như Nhật Bản”, ông nói.
Đầu tuần này, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc - Qian Keming cũng cho biết trước báo giới rằng các công ty Trung Quốc phải thận trọng khi đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, khách sạn và bất động sản. Động thái trên phản ánh lo ngại của giới chức Trung Quốc, rằng các công ty nước này đã đi vay quá nhiều từ ngân hàng quốc doanh, đe dọa đến hệ thống tài chính và khả năng kiểm soát của giới chức.
Năm ngoái, giá trị các thương vụ M&A quốc tế của Trung Quốc đã lên kỷ lục 246 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, chính sách kiềm chế mới nhất đã có tác động rất nhanh chóng. Số thương vụ ở nước ngoài nửa đầu năm nay giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, Bloomberg cho biết.
Nghiên cứu cảnh báo Trung Quốc đang đi vào vết xe đổ của Nhật Bản hồi thập niên 80. Khi đó, Nhật là cường quốc sản xuất sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ hai chữ số. Việc người Nhật mua mọi thứ, từ sân golf Pebble Beach, Columbia Pictures đến Rockefeller Center ở New York là ví dụ cho thấy hậu quả khi các công ty có tiền tệ mạnh và khả năng đi vay với chi phí rẻ khi giá bất động sản trong nước tăng.
Khi ấy, mối quan hệ về tài chính, công ty và Chính phủ khiến dòng vốn được phân bố không hợp lý, gây lãng phí đầu tư. Tăng trưởng càng được đẩy cao bởi tín dụng rẻ cuối thập niên 80, nhưng cũng đồng thời khiến khối nợ tăng vọt, và đẩy giá chứng khoán, bất động sản lên. Khi "nền kinh tế bong bóng" này vỡ vụn đầu thập niên 90, ngành tài chính đã gần như đi ngang. Nhật Bản từ đó vẫn chưa thể về như cũ.
Trung Quốc giờ đang nỗ lực để các công ty không lặp lại những sai lầm đó. Nhưng họ cũng phải đảm bảo tăng trưởng GDP 6,5% năm nay để đạt mục tiêu xây dựng “xã hội thịnh vượng” năm 2020. Vì thế, khả năng Trung Quốc hoàn thành cả hai việc này vẫn còn là một câu hỏi.
“Họ thực sự muốn giảm đòn bẩy trong nền kinh tế, nhằm hạn chế áp lực tài chính trong ngắn hạn”, Logan Wright - Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Rhodium Group nhận xét, “Nhưng chúng ta vẫn chưa rõ liệu giới chức Trung Quốc có thực sự chuẩn bị cho các hậu quả kinh tế dài hạn khi hệ thống tài chính tăng trưởng chậm hơn sau này”.