Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số nước và bài học cho Việt Nam

TS. Ngô Thị Ngọc Anh - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phát triển kinh tế xanh là một phương thức để các quốc gia huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm bền vững hơn môi trường sống của người dân. Phát triển kinh tế xanh không có một công thức chung, khi các quốc gia đưa ra những lựa chọn về mặt chính sách, đổi mới thể chế phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở Cộng hòa Liên bang Đức, Malaysia và Chile, tác giả rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế xanh giai đoạn tới.

Đặt vấn đề

Năm 2011, Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra khái niệm về phát triển kinh tế xanh như là một hình thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi vẫn duy trì được sự bền vững của các tài sản tự nhiên để cung cấp các dịch vụ về tài nguyên thiên nhiên và môi trường mà theo đó phúc lợi của người dân được đảm bảo (OECD, Towards green growth, 2011).

Ý nghĩa của phát triển kinh tế xanh là phải đảm bảo được hai mục tiêu là: (i) Bảo vệ tài sản môi trường và thiên nhiên; (ii) Bảo vệ môi trường sống bền vững. Ngân hàng Thế giới đưa ra cách hiểu về phát triển kinh tế xanh là đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh vai trò quản lý của nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn chặn, phòng ngừa các hệ lụy từ thiên tai và sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt (Ngân hàng Thế giới, 2012).

Theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 thì tăng trưởng xanh được hiểu là một phương thức quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính để hướng tới mục tiêu của một nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. Như vậy, giữa cách hiểu của thế giới và của Việt Nam về kinh tế xanh, tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh có những điểm tương đồng và sự khác biệt.

Tựu trung, khi nói đến phát triển kinh tế xanh thì thường nói đến những yếu tố: (i) Kinh tế, như xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sử dụng đảm bảo tài nguyên thiên nhiên; (ii) Môi trường, cụ thể như bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên biển và đất liền, sự bền vững của sản xuất và tiêu dùng; (iii) Xã hội, cụ thể như nâng cao chất lượng của dịch vụ giáo dục, giảm thiểu bất bình đẳng trong xã hội. Một cách ngắn gọn, có thể hiểu phát triển kinh tế xanh là sự phát triển kinh tế có tính chất bền vững.

Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để phân tích kinh nghiệm phát triển tại Cộng hòa Liên bang Đức, Malaysia và Chile. Cơ sở để lựa chọn các quốc gia này bao gồm: (i) Đây là những quốc gia điển hình tại châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ về phát triển kinh tế xanh; (ii) Đây cũng là những quốc gia có mối quan hệ thương mại khá phát triển của Việt Nam; và (iii) Quy mô dân số, diện tích tự nhiên của 3 quốc gia này khá tương đồng với Việt Nam. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số nước, bài viết nêu các bài học cho Việt Nam.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở một số nước trên thế giới

Malaysia

Malaysia xác định cần tận dụng quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn trưởng thành, lực lượng lao động lành nghề và nguồn năng lượng tái tạo dồi dào giúp nước này thu hút đầu tư vào xe điện, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Để đạt được mục tiêu của mình, Malaysia đang triển khai các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như miễn thuế cho xe điện và đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn. Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất chất bán dẫn đồng thời đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng cho người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng.

Hướng tới quá trình chuyển đổi bền vững, Malaysia cho ra mắt Khung kinh tế Madani, Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR) và Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030, cùng với các chiến lược trợ cấp, cơ sở hạ tầng và phát triển chất bán dẫn. Ngoài các mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro khí hậu, Malaysia xác định chuyển đổi xanh có thể là động lực mới cho tăng trưởng.

Malaysia đang tận dụng những cơ hội từ quá trình phi công nghiệp hóa trong 2 thập kỷ qua sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 và trở thành công xưởng của thế giới.

Quá trình chuyển đổi xanh có thể dẫn đến việc giảm cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều như dầu khí, nhà sản xuất xe thông thường và năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, điều quan trọng là chính phủ phải can thiệp bằng chính sách và chương trình để hỗ trợ, nâng cao kỹ năng và đào tạo những người lao động có kỹ năng.

Malaysia đang cố gắng xác định lại vai trò của nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh. Lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao, hệ sinh thái công nghiệp trưởng thành và vị trí địa lý chiến lược của Malaysia khiến mục tiêu phát triển kinh tế xanh càng trở nên trong tầm tay.

Đức

Theo Bộ Môi trường Đức (Federal Ministry for the Environment, 2012), kinh tế xanh mô tả một chiến lược kinh tế bảo vệ khí hậu, liên tục giảm phát thải có hại và đầu vào chất gây ô nhiễm cho môi trường, thực hành quản lý chất thải theo chu trình khép kín nhằm tạo ra nền kinh tế tuần hoàn, giảm việc sử dụng tài nguyên theo nghĩa tuyệt đối và hành động nhất quán hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Kinh tế xanh tạo ra mối liên hệ tích cực giữa môi trường và nền kinh tế để tăng phúc lợi xã hội. Kinh tế xanh đòi hỏi một kế hoạch hành động cho thị trường hàng hóa, lao động và tài chính liên quan đến cả cung và cầu, trong đó xem xét nhu cầu của tất cả các bên liên quan về mặt xã hội và kinh tế.

Ngoài ra, nền kinh tế xanh có nghĩa là giúp giảm mức độ rủi ro ảnh hưởng đến vốn tự nhiên, xã hội và kinh tế. Những rủi ro do biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đánh bắt quá mức, axit hóa đại dương và tình trạng thiếu nước ngày càng tăng đang gây nguy hiểm cho phúc lợi xã hội ở nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Tại Đức, chuyển đổi nền kinh tế hiện tại thành nền kinh tế xanh là một chiến lược đầy hứa hẹn để đảm bảo rằng các chính sách môi trường có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề do quá trình sản xuất và tiêu dùng gây ra trước khi chúng phát sinh thay vì hồi tố.

Một quá trình phức tạp như vậy cần được hỗ trợ bởi các hệ thống thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và chính quyền ở cả Đức và các nước khác. Tầm quan trọng chiến lược của một hệ thống chỉ số để đo lường nền kinh tế xanh có nghĩa là báo cáo và kế toán phù hợp phải được thực hiện thường xuyên vì đây là cách duy nhất để ghi lại và thảo luận về các xu hướng tích cực và tiêu cực.

Chile

Chile đã ban hành Luật Khung về Biến đổi Khí hậu (FLCC) vào năm 2022. Luật này đặt mục tiêu quốc gia là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, lượng khí thải nhà kính (GHG) đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2010-2019. Chile cần có những hành động đầy tham vọng để giảm phát thải GHG. Những hành động này bao gồm làm rõ các kế hoạch theo ngành và theo khu vực, theo đuổi kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2040 và thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo. Các ngành vận tải và xây dựng cần các mục tiêu khí hậu nghiêm ngặt hơn để thúc đẩy đầu tư thêm vào giao thông công cộng bền vững cũng như điện khí hóa phương tiện và hệ thống sưởi ấm trong tòa nhà.

Chile là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Quốc gia này đã có những bước tiến lớn trong việc lập bản đồ rủi ro khí hậu cục bộ và phân tích mức độ dễ bị tổn thương về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn lực tài chính và năng lực cản trở tiến trình thích ứng với khí hậu. Việc thực hiện thành công các biện pháp thích ứng đòi hỏi phải tăng cường sự phối hợp giữa các cấp hành chính và xây dựng năng lực.

Luật về Thiên nhiên và Dịch vụ Đa dạng sinh học và Khu bảo tồn (SBAP) được Chile ban hành vào năm 2023 đại diện cho những đột phá lớn. Chile là một trong số ít quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe (LAC) đã tăng được độ che phủ rừng. Tuy nhiên, áp lực từ các loài xâm lấn, thay đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động đánh bắt cá không bền vững vẫn tiếp diễn. Bằng cách tăng cường định giá vốn tự nhiên và thiết lập các đường cơ sở về đa dạng sinh học, Chile có thể mở rộng quy mô thanh toán cho các chương trình dịch vụ hệ sinh thái một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chile đã đạt được tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ kinh tế cho các mục tiêu môi trường thông qua cải cách thuế xanh, bao gồm việc thiết lập thuế carbon (5 USD cho mỗi tấn CO2) và hệ thống bù trừ carbon.

Bài học cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh tại một số quốc gia, tác giả rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

Một là, phát triển kinh tế xanh theo hướng thị trường.

Phát triển kinh tế xanh có liên quan đến ba chủ thể quan trọng nhất của nền kinh tế là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong ba chủ thể đó thì chủ thể nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và suy giảm của kinh tế xanh. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh để có thể kịp thời ban hành những chính sách đúng và trúng vấn đề.

Bài học về thực hiện phát triển kinh tế xanh dựa theo thị trường dẫn dắt sẽ phải được đảm bảo bằng một hệ thống thể chế tạo thuận lợi cho sự dẫn dắt của thị trường. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải rà soát và tháo gỡ những vướng mắc, điều kiện kinh doanh để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hai là, phát triển kinh tế xanh như là một công cụ để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khác với Malaysia, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế xanh ở Cộng hòa Liên bang Đức lại cho thấy, phát triển kinh tế xanh là một công cụ của nhà nước được sử dụng để định hướng mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở Đức bao hàm 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, mục tiêu của phát triển kinh tế xanh ở Đức là để tăng phúc lợi xã hội và công lý xã hội; do đó, chủ thể có vai trò trọng yếu trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh là nhà nước.

Theo đó, bài học kinh nghiêm từ người Đức cho Việt Nam là nếu xác định phát triển kinh tế xanh là để làm tăng phúc lợi và chất lượng cho cuộc sống của người dân thì Nhà nước sẽ đóng vai trò trọng yếu để thực hiện việc phát triển kinh tế xanh. Bài học này khá phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam đã nêu tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Thực hiện bài học này, Nhà nước sẽ phải xây dựng một hệ thống các văn bản pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh nhưng không ngăn cản hoặc khiến cho các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trở nên khó khăn hơn. Hay nói cách khác, Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế xanh hơn là tạo ra những rào cản mới đối với sự phát triển của doanh nghiệp để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Ba là, phát triển kinh tế xanh hướng đến giảm thải khí thải nhà kính và bền vững nền kinh tế.

Chile sử dụng phát triển kinh tế xanh như là một giải pháp để đạt được mục tiêu của đất nước này về giảm thải khí thải nhà kính và hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế. Để có thể thực hiện được sáng kiến này, các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính kèm theo để Chính phủ có thêm nguồn tài chính đảm bảo cho việc thực hiện thành công các biện pháp, giải pháp của sáng kiến.

Đặc biệt, Chính phủ Chile đã xây dựng và triển khai thực hiện một đạo luật đa dạng lĩnh vực, bao quát nhiều ngành khác nhau mà có liên quan đến phát triển kinh tế xanh để tăng tính hiệu quả cho sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, cũng như tăng tính tiếp cận hệ thống thể chế đối với doanh nghiệp để dễ dàng hơn khi thực hiện trong thực tế. Trên nền tảng pháp lý như vậy, sự phối hợp, hợp tác và tham gia của các bên có liên quan sẽ tường minh hơn và được điều chỉnh bởi luật pháp.

Tài liệu tham khảo:

  1. OECD (2011), Towards green growth (Hướng tới tăng trưởng xanh). OECD Publishing;
  2. WB (2012), Inclusive green growth: The pathway to sustainable development (Tăng trưởng xanh bao trùm: Con đường đi tới phát triển bền vững). Washington DC;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Hà Nội;
  4. Federal Ministry for the Environment (2012), Nature Conservation and Nuclear Safety (BMU) Green Economy (Bảo tồn thiên nhiên và Hạt nhân an toàn: Nền kinh tế xanh). Berlin: New Impetus for Sustainability.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2024