Tái cơ cấu ngân hàng theo hướng tiếp cận ngân hàng tốt, ngân hàng xấu

“Ngân hàng xấu” là thuật ngữ chỉ việc một ngân hàng nắm giữ các tài sản xấu hoặc độc hại, những ngân hàng không có những tài sản và độc hại được coi như “ngân hàng tốt”. Để biết được một ngân hàng tốt hay xấu phải nhìn vào cơ cấu bảng cân đối kế toán ngân hàng. Cũng như các doanh nghiệp, ngân hàng tuân theo quy tắc kế toán cơ bản là: Tài sản = Nợ + Vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, còn có những quy định  khác mang tính đặc thù của ngành mà ngân hàng phải tuân thủ, điển hình là quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR là 9%... Tuy nhiên, cho dù nếu ngân hàng duy trì tuân thủ được một số quy định (tỷ lệ CAR là 9%) nhưng trong số các tài sản nợ mà ngân hàng nắm giữ, nợ xấu chiếm tỷ trọng lớn và định giá thị trường của các tài sản này có thể rất thấp thì ngân hàng đó thật sự đang gặp vấn đề khó khăn lớn. Có thể gọi một ngân hàng như vậy là yếu và cần phải tái cơ cấu để cứu ngân hàng này.

Có hai mô hình cơ bản đang được áp dụng để thực hiện tái cơ cấu ngân hàng: (i) Mỗi ngân hàng yếu chia tách thành một ngân hàng tốt và một ngân hàng xấu, (ii) Chính phủ thành lập một ngân hàng xấu tổng hợp (Big bad bank), các ngân hàng yếu kém sẽ trút bỏ gánh nặng tài sản xấu và độc hại lên ngân hàng xấu tổng hợp này.   

(i) Mô hình thứ nhất: Phân tách ngân hàng yếu thành một ngân hàng tốt và một ngân hàng xấu

Ngân hàng A (với tổng giá trị tài sản là 100 đô la, trong đó 40% là tài sản xấu) được phân loại thành ngân hàng tốt và ngân hàng xấu. Ngân hàng tốt có 60 đô la trị giá tài sản tốt, ngân hàng xấu có 40 đô la trị giá tài sản xấu (thực tế giá trị của nó có thể chỉ còn 20 đô la). Ngân hàng xấu phải đối mặt với nguy cơ phá sản rất cao. Trong khi đó, ngân hàng tốt lúc này với việc không còn tài sản độc hại, sẽ thu hút được người dân gửi tiền và trên cơ sở các nguồn tiền này ngân hàng tốt bắt đầu cho vay trở lại.

Việc phân bổ các khoản nợ của ngân hàng cũ (ngân hàng A) cho hai ngân hàng mới là dựa trên cơ sở tỷ lệ của hai ngân hàng mới. Vì ngân hàng tốt nắm giữ 60% tài sản, nó sẽ nhận 60% nợ (nghĩa là nếu ngân hàng A nợ ai đó 1 đô la thì bây giờ ngân hàng tốt sẽ nợ người đó 0,6 đô la và ngân hàng xấu nợ 0,4 đô la). Ngân hàng tốt do vậy sẽ có 60 đô la trị giá tài sản, 57 đô la giá trị nợ (60% của 95 đô la), và 3 đô la giá trị vốn; ngân hàng xấu có 40 đô la giá trị tài sản xấu (trị giá thật sự là 20 đô la) và 38 đô la trị giá nợ. Thay vì một ngân hàng yếu với 100 đô la giá trị tài sản không thể cho vay, ngân hàng tốt với 60 đô la giá trị tài sản có thể cho vay.

Trong trường hợp phân chia thành ngân hàng tốt/ngân hàng xấu này, mục tiêu tồn tại của ngân hàng xấu là nhằm khôi phục được niềm tin từ phía công chúng rằng những tài sản còn lại là những tài sản tốt, hoặc sẽ được quản lý tốt.

(ii) Mô hình thứ hai: Thành lập ngân hàng xấu tổng hợp

Thay cho việc tách từng ngân hàng yếu thành một ngân hàng xấu và một ngân hàng tốt, trong mô hình này chính phủ thành lập một ngân hàng xấu tổng hợp - để đưa tất các những tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối của các ngân hàng yếu (việc này không nhất thiết là do chính phủ làm, nhưng trong điều kiện thị trường hiện nay, chính phủ là một trong những sự lựa chọn tin cậy nhất). Nguồn vốn cho ngân hàng xấu tổng hợp có thể do Bộ Tài chính cung cấp và Ngân hàng trung ương sẽ cung cấp các khoản vay (là cơ quan có khả năng cho vay không giới hạn trong trường hợp khẩn cấp về tài chính). Khi ngân hàng xấu tổng hợp được thành lập và cấp vốn, ngân hàng này sẽ mua lại những tài sản độc hại từ các ngân hàng thông thường với hy vọng loại được những bất ổn có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của các ngân hàng đó.

Ngân hàng xấu tổng hợp sẽ mua tài sản ở mức giá nào? Nếu mua theo giá thị trường thì ngân hàng yếu dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, do vậy sẽ phải thực hiện việc tái cấp vốn. Nếu phải mua theo giá trị ghi sổ (giá trị trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng), thì sẽ tạo cho những cổ đông của ngân hàng yếu một khoản lợi lớn. Trên thực tế đã xuất hiện cơ chế buộc các ngân hàng có liên quan phải nắm giữ cổ phần trong Ngân hàng xấu tổng hợp (giống như trường hợp của Union Bank of Switzerland - UBS), và mục đích của việc này là để các ngân hàng yếu gánh vác một phần khoản chi trả vượt mức giá thị trường cho các tài sản xấu, tức là gánh chịu một phần hậu quả của chính họ.

Trong trường hợp thành lập ngân hàng xấu tổng hợp, rủi ro tiềm ẩn là các ngân hàng yếu có thể không bộc lộ hết những vấn đề của mình, chỉ bán một số tài sản xấu và hy vọng phần còn lại sẽ tốt… và rồi các báo cáo sau đó lại cho thấy nhiều tài sản xấu hơn. Nếu nhà đầu tư nghi ngờ và tin rằng các ngân hàng yếu vẫn đang nắm giữ tài sản xấu thì kế hoạch coi như thất bại. Như vậy, để giải quyết vấn đề này, cần khuyến khích các ngân hàng yếu bán hết tài sản xấu của mình bằng cách Ngân hàng xấu tổng hợp sẽ phải trả giá cao hơn cho các tài sản xấu đó. Mức giá này có thể cao hơn mức giá thị trường nhưng vẫn thấp hơn giá trị sổ sách.

Trên đây là hai mô hình xử lý các ngân hàng yếu kèm theo các tiếp cận “Ngân hàng tốt/ngân hàng xấu”. Mỗi mô hình đều có những điểm thực tế, khả thi khi áp dụng vào thực tế và có thể thấy rằng ưu điểm của mô hình này dường như là điểm khuyết của mô hình kia. Do đó, nếu lựa chọn cách tiếp cận này, cơ quan quản lý cần xem xét kỹ các điều kiện hiện có để phát huy tối đa hiệu quả của mô hình được lựa chọn. Có thể tổng kết các đặc điểm của hai mô hình này như sau:

Bảng 1: So sánh 2 mô hình phân tách ngân hàng

Mô hình phân tách ngân hàng tốt - ngân hàng xấu

Mô hình thành lập ngân hàng xấu tổng hợp

Quản lý tài sản phi tập trung tại từng ngân hàng

Quản lý tài sản tập trung do Nhà nước chủ trì

Chịu ít ảnh hưởng của áp lực chính trị hơn

Đưa tài sản xấu ra khỏi những ngân hàng có vấn đề dựa trên những tiêu chí xác định giá thống nhất

Giảm hiện tượng mất các tài sản hiện có vì vẫn thuộc về ngân hàng

Cho phép Chính phủ đưa ra các điều kiện mua lại tài sản xấu -  Chính phủ có được sự chủ động

Thúc đẩy thanh lý các tài sản xấu và tài sản thế chấp

Tập trung được nguồn nhân lực khan hiếm

Quản lý hiệu quả hơn với cấu trúc tư nhân

Có thể tốt hơn đối với việc tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng có vấn đề

Không gặp phải vấn đề định giá tài sản xấu trong việc chuyển tài sản xấu ra khỏi ngân hàng

Có thể được trao quyền lực đặc biệt để tiến hành phục hồi khoản vay và tái cơ cấu ngân hàng

Thực tế triển khai tại một số nước

Thụy Sĩ – Phân tách UBS thành ngân hàng tốt và ngân hàng xấu

Cách thức xử lý thứ nhất (phân chia một ngân hàng yếu thành một ngân hàng tốt và một ngân hàng xấu) về mặt lý thuyết có thể rất thuyết phục nhưng trên thực tế lại rất khó thực hiện. Tại Thụy Sĩ, ngân hàng UBS đã thực hiện được việc chia tách với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ.  UBS có 60 tỷ USD tài sản xấu. Điều kiện cần để UBS có thể chuyển giao số tài sản này sang ngân hàng xấu mới thành lập là ngân hàng mới này phải có tiền chi trả cho những tài sản xấu. Số tiền quá lớn và việc đầu tiên UBS đã làm là bán 9% cổ phần cho Chính phủ Thụy Sĩ để thu về 6 tỷ USD. UBS đầu tư số tiền này vào ngân hàng xấu – số tiền này trở thành vốn của ngân hàng xấu. Tiếp đó, NHTW Thụy Sĩ cho ngân hàng mới này vay 54 tỷ USD (khoản cho vay này gần như không có lợi nhuận để bình ổn hệ thống tài chính). Như vậy, UBS chỉ chịu 6 tỷ USD tổn thất đầu tiên (UBS đã pha loãng 9% cổ phiếu của mình, có 6 tỷ USD đầu tư vào ngân hàng xấu gần sẽ không thể thu hồi) và bất kỳ khoản lỗ nào sau đó sẽ do Chính phủ Thụy Sĩ trang trải. Điều quan trọng nhất trong lần phân tách này là UBS đã loại trừ được 60 tỷ USD tài sản độc hại ra khỏi bảng cân đối của mình và chỉ chịu một phần tổn thất.

Malaysia - Xử lý tập trung tài sản xấu của các ngân hàng

Khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào năm 1997 đã khiến Malaysia đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tiền tệ và các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng. Nền kinh tế trải qua suy thoái trầm trọng. Chính điều này đã cho thấy sự thiếu hụt các kế hoạch giám sát và sự dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng. Để hỗ trợ kế hoạch tái cơ cấu nhằm củng cố hệ thống ngân hàng, vào thời điểm đó, Malaysia đã thành lập một công ty quản lý tài sản để tập trung xử lý các tài sản xấu của hệ thống ngân hàng (đóng vai trò như ngân hàng xấu tổng hợp).

Vào nửa cuối năm 1998, công ty quản lý tài sản Pengurusan Danaharta Nasional Berhad (gọi tắt là Danaharta) đã được lập ra với mục đích ưu tiên là “xóa bỏ” các khoản nợ xấu (NPLs) khỏi các tổ chức ngân hàng. Mục tiêu của Danaharta là duy trì một tỷ lệ NPLs trong hệ thống ngân hàng ở mức độ có thể quản lý được. Danaharta mua các khoản nợ xấu có giá trị tối thiểu là 5 triệu ringgit. Vào ngày 31/12/1999, tổng giá trị nợ xấu do Danaharta quản lý là 45,5 tỷ Ringgit. Việc “xóa” các khoản nợ xấu này khỏi hệ thống ngân hàng đã giảm mức nợ xấu trong hệ thống từ 9% vào cuối tháng 11/1998 xuống còn 6,6% vào cuối tháng 12/1999. Tuy nhiên, thời điểm này cũng có những ý kiến chỉ trích cho rằng Danaharta trở thành “kho chứa” các khoản nợ xấu, những tài sản không được bán hoặc không bán được vẫn nằm trong danh mục nắm giữ của Danaharta. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng và đảm bảo ổn định, tiến tới phục hồi kinh tế vĩ mô, Malaysia không chỉ dừng lại với Danaharta mà đã kết hợp sử dụng các biện pháp hành động bổ sung. Malaysia đã thành lập thêm một cơ quan tái cấp vốn và một ủy ban tái cơ cấu nợ doanh nghiệp. Ngoài ra, NHTW Malaysia cũng thực thi chính sách sáp nhập ngân hàng.      

Danamodal Nasional Berhad (gọi tắt là Danamodal) cũng được thành lập sau đó dưới dạng một công ty TNHH với nhiệm vụ tập trung vào việc tái cấp vốn các tổ chức ngân hàng bằng cách bơm vốn cho các tổ chức này. Khi mới thành lập, NHTW Malaysia bơm cho Danamodal 1,5 tỷ ringgit làm vốn ban đầu. Trong trường hợp xấu nhất, NHTW Malaysia dự tính sẽ cần đến 16 tỷ ringgit để đưa tỷ lệ vốn theo trọng số rủi ro của tất cả các ngân hàng trong nước lên mức tối thiểu là 9%. Vào tháng 12/1999, tổng số vốn Danamodal bơm cho 10 tập đoàn ngân hàng là 5,3 tỷ ringgit. Đến 31/01/2001, con số này còn 3,7 tỷ ringgit và đến tháng 11/2003, Danamodal đã thu hồi lại hầu hết các khoản vốn đã “bơm” vào các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng thành lập Ủy ban Tái cơ cấu nợ doanh nghiệp (Corporate Debt Restructuring Committee - CDRC) với mục đích hỗ trợ các tổ chức ngân hàng và con nợ có thể đưa ra các kế hoạch tái cơ cấu nợ khả thi. Vì sự tham gia của CDRC chỉ cần thiết khi giá trị khoản cho vay vượt quá 50 triệu ringgit, các đơn vị phục hồi nợ đặc biệt cũng đã được thành lập để quản lý các khoản nợ xấu với giá trị nhỏ hơn. Trên thực tế, số tài sản được bán trong các cuộc đấu thầu mở đã thu về số tiền đáng kể khoảng 840,2 triệu ringgit vào tháng 7/2001, góp phần đáng kể vào việc xử lý các khoản nợ xấu giá trị lớn.

Malaysia đã đạt được những thành công nhất định như hạ tỷ lệ nợ xấu (NPLs) và sáp nhập một số ngân hàng. Quá trình cải cách về cơ bản được hoàn thành vào năm 2002, hệ thống ngân hàng được tái cơ cấu lại với 10 tập đoàn ngân hàng, nền kinh tế dần lấy lại ổn định và phục hồi.

Hai trường hợp nêu trên cho thấy dường như mô hình “Ngân hàng xấu tổng hợp” do Nhà nước đứng ra thực hiện là thích hợp hơn khi giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh chung của toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc dân. Chỉ Nhà nước mới có đủ nguồn lực, uy tín và quyền hạn để xử lý một vấn đề có tính chất vĩ mô ở tầm quốc gia và hơn thế chỉ có Nhà nước mới có thể điều hòa tốt nhất các vấn đề lợi ích và các phát sinh liên quan.

Bài học kinh nghiệm

Khi đạt đến một bước phát triển nhất định mỗi nền kinh tế đều phải điều chỉnh lại những thành tố cấu thành của nó để vươn đến một nấc thang phát triển mới, hoặc để giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi. Tái cơ cấu ngân hàng là việc làm cần thiết để Việt Nam giải quyết các vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính và duy trì phát triển kinh tế bền vững. Đây cũng là một bước chuẩn bị quan trọng góp phần đảm bảo để chúng ta tự tin, chủ động tham gia toàn cầu hóa và đạt được những mục tiêu hướng đến. Việc lựa chọn mô hình nào hay áp dụng kinh nghiệm thực tế từ những nước đã đạt được thành công trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng là vấn đề đang được quan tâm. Cũng như các quốc gia đã và đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chúng ta cần có những bước đi riêng và phù hợp với điều kiện thực tế của nước mình.    

Ngoài việc lựa chọn hướng giải quyết và mô hình thực hiện, để phát huy tối đa hiệu quả của tái cơ cấu, việc làm cần thiết là phải đánh giá và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng; phân loại quản lý trên cơ sở hướng vào chất lượng hoạt động của các ngân hàng; xây dựng các quy định pháp luật theo hướng tăng cường quản trị rủi ro, để có thể giám sát rủi ro kết hợp với giám sát tuân thủ các quy định pháp luật. Ngoài ra, việc tạo dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng luôn có ý nghĩa quyết định sống còn. Do đó, cần phải có kế hoạch tái cơ cấu, thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình hợp lý và đảm bảo minh bạch hoá trong cả quá trình.

 ________________

Tài liệu tham khảo:

1. Takatoshi Ito và Yuko Hashimoto, Tái cơ cấu ngân hàng ở châu Á: Quản lý khủng hoảng sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và khả năng ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai;

2. Augustin Landler và Kenichi Ueda, Tái cơ cấu ngân hàng: Tìm hiểu các lựa chọn;

3. Kinh nghiệm Tái cơ cấu ngân hàng của Malaysia.

Kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng của một số quốc gia

lê vũ tùng giang, nguyễn thanh xuân

TCTC Online - Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã góp phần làm suy yếu hệ thống ngân hàng của nhiều nước trên thế giới. Tái cơ cấu ngân hàng là nhiệm vụ cấp thiết và cách tiếp cận ngân hàng tốt - xấu (Good bank and Bad bank) đang được một số quốc gia áp dụng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã thu được những thành công nhất định.

Xem thêm

Video nổi bật