Đến nay, hệ thống thuế tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã trở thành công cụ đắc lực để hỗ trợ DNNVV và góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế. Dưới đây là kinh nghiệm xây dựng hệ thống thuế hỗ trợ DNNVV tại một số quốc gia thuộc OECD.
Đối với thuế giá trị gia tăng(GTGT)
Trong số các loại thuế mà DNNVV phải tuân thủ, thuế GTGT được coi là một sắc thuế khó và phức tạp, điều này dẫn tới chi phí tuân thủ thuế GTGT (Chi phí bằng tiền: Phí chi trả cho tư vấn thuế, luật sư, kế toán…; Chi phí thời gian: thời gian để chuẩn bị và hỗ trợ thanh tra thuế, thời gian nghiên cứu luật thuế…) rất cao.
Vì vậy, cải cách chính sách thuế với mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV nhất thiết phải quan tâm đến việc xây dựng thuế GTGT theo các tiêu chí: xây dựng ngưỡng doanh thu; giảm thiểu các mức thuế suất thuế GTGT; giảm tần suất kê khai nộp thuế.
Xây dựng ngưỡng doanh thu
Để hỗ trợ DNNVV cần đưa ra tiêu chí xác định DNNVV. Những tiêu chí phổ biến được sử dụng để xác định DNNVV là quy mô vốn, tài sản; số lượng lao động. Tuy nhiên, những tiêu chí này không phù hợp với chính sách thuế. Để xác định DNNVV phù hợp với chính sách thuế, tiêu chí được sử dụng là ngưỡng doanh thu. Ngưỡng doanh thu được định nghĩa là một mức doanh thu phù hợp của DN, ở dưới mức đó, DN sẽ được miễn kê khai nộp thuế GTGT. Xây dựng ngưỡng thuế doanh thu sẽ giảm bớt số lượng DNNVV phải kê khai nộp thuế (bảng 1).
Thực tế, chênh lệch giữa số thuế GTGT thu được từ những DN nhỏ và chi phí hành chính quản lý thuế của những DN này là không đáng kể. Vì vậy, ngưỡng doanh thu được quy định trong luật thuế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc quy định ngưỡng thuế GTGT tại những quốc gia trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ dưới ngưỡng giảm gánh nặng thuế.
Giảm thiểu các mức thuế suất thuế GTGT
Để khuyến khích sản xuất, kinh doanh một số loại hàng hóa, dịch vụ, chính phủ thường quy định một mức thuế suất ưu đãi đối với các loại hàng hóa và dịch vụ đó. Những quy định này khiến cho thuế GTGT có nhiều mức thuế suất khác nhau nhưng vì thế mà luật thuế GTGT trở nên phức tạp và tạo ra chi phí tuân thủ cao cho DNNVV. Vì vậy, để đơn giản hóa luật thuế GTGT, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho DNNVV, tại nhiều quốc gia thuế GTGT chỉ có một hoặc hai mức thuế suất.
Giảm tần suất kê khai nộp thuế
Tần suất phải kê khai thuế GTGT cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến cho chi phí tuân thủ tăng cao. Nhiều hệ thống thuế GTGT quy định: DN phải kê khai thuế GTGT hàng tháng. Tuy nhiên, giảm tần suất kê khai đối với DN nhỏ sẽ là một giải pháp hiệu quả để hỗ trợ DN. Ở New Zealand, DN nói chung buộc phải kê khai 1 lần/tháng, trong khi DNNVV được lựa chọn kê khai 2 lần/năm và thời điểm kê khai có thể trùng với ngày nộp các báo các về kế toán. Ở Hàn Quốc, DN chỉ phải kê khai nộp thuế GTGT 2 lần/năm. Ở Nhật Bản, DN được lựa chọn nộp thuế 1 lần/tháng, 1 lần/2 tháng hoặc 1 lần/ quý. Trong khi tờ khai thuế chỉ phải lập 1 lần duy nhất vào cuối năm tài chính.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp
Nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống thuế TNDN có nhiều ưu đãi cho DNNVV, với các tiêu chí: ưu đãi thuế suất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển; khuyến khích DNNVV đầu tư.
Ưu đãi thuế suất
Để thực hiện ưu đãi thuế suất, các quốc gia đưa ra một ngưỡng thu nhập chịu thuế (DN có thu nhập dưới ngưỡng sẽ hưởng thuế suất ưu đãi) hoặc hệ thống thuế suất lũy tiến.
Từ năm 2007, Canada đã áp dụng mức thuế suất thuế TNDN chung là 21%, trong khi đó thì các DN nhỏ với mức thu nhập dưới 400.000 CAD (345 000 USD) chỉ phải chịu mức thuế suất 12%. Ở Hàn Quốc, từ năm 2009, nếu thu nhập chịu thuế dưới 200 triệu KRW thì thuế suất là 12,1%; nếu thu nhập chịu thuế lớn hơn 200 triệu KRW thì chịu thuế suất 24,2%. Đài Loan xây dựng hệ thống thuế TNDN với thuế suất lũy tiến từng phần với thuế suất lớn nhất là 20% với thu nhập từ 120.000 TWD trở lên. Ở Hà Lan, từ năm 2009, DN có thu nhập đến 200.000 Euro sẽ chịu thuế suất 20%; nếu thu nhập trên 200.000 Euro sẽ chịu thuế suất 25,5%.
Hỗ trợ nghiên cứu phát triển
Nghiên cứu phát triển là nhân tố chính thúc đẩy khả năng phát triển của DNNVV. Vì vậy, một số quốc gia đã ban hành những quy định về thuế ưu đãi đặc biệt đối với DNNVV. Những ưu đãi này cho phép DNNVV có khả năng cắt giảm một lượng lớn hơn so với chi phí thực tế đã đầu tư vào nghiên cứu phát triển trên cơ sở thuế.
Ở Hungary, DNNVV có thể được trừ 200% chi phí nghiên cứu phát triển trong thu nhập trước thuế. Ở Anh, DN có quyền đòi hoàn tiền mặt cho khoản chi phí nghiên cứu phát triển. Hoàn thuế nghiên cứu phát triển thực hiện bằng cách cho phép DNNVV cắt giảm 150% chi phí hạn định cho các hoạt động nghiên cứu phát triển khi tính lợi nhuận tính thuế.
Khuyến khích DNNVV đầu tư
Một trong những rào cản lớn đối với hoạt động của DNNVV là bị hạn chế khi tìm kiếm các khoản vay cho đầu tư và phát triển. DNNVV thường phải chịu chi phí cao khi họ vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh và mở rộng hoạt động. Hệ thống thuế có thể đưa ra các biện pháp, để giảm bớt các gánh nặng và khuyến khích DNNVV đầu tư vào tài sản.
Ở Hungary có hỗ trợ về thuế cho khoản vay đầu tư. Theo đó, DNNVV có khả năng được giảm 40% tiền lãi phải trả cho khoản vay để mua tài sản cố định từ số tiền thuế của họ và có thể lên đến nhiều nhất là 6 triệu HUF (31.200 USD).
Ở Hà Lan có quy định khuyến khích bên thứ ba cho DNNVV vay vốn đầu tư tài sản. Khoản vay của DNNVV phải được đăng ký và đầu tư vào tài sản. Khoản vay này phải có ràng buộc rằng số tiền đó là một phần trong nguồn vốn rủi ro của công ty. Người cho vay với tư cách cá nhân sẽ được miễn thuế cho khoản tiền lãi mà họ nhận được và trong trường hợp bên vay không thể trả nợ do bị phá sản hoặc do các vấn đề tài chính khác thì người cho vay sẽ nhận được một khoản đền bù thuế cao nhất là 50.000 Euro (66.000 USD).
Xây dựng hệ thống thuế khoán
Xây dựng hệ thống thuế khoán được đơn giản hóa là một phương pháp phổ biến nhất, nhằm giảm gánh nặng này cho DN. Theo đó, các DN nhỏ và siêu nhỏ không phải nộp nhiều loại thuế trực thu và gián thu, mà chỉ phải nộp duy nhất một loại thuế khoán.
Một số hệ thống thuế khoán cho các DN nhỏ có thể thấy ở rất nhiều nước đã và đang phát triển trên khắp thế giới. Các hệ thống này khác nhau đáng kể về phạm vi áp dụng, tiêu thức dùng để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp DN nhỏ và kết quả đạt được của nó. Không có các nguyên tắc chuẩn cũng như kinh nghiệm đồng nhất đối với việc thiết kế và áp dụng các hệ thống thuế khoán này. Tuy nhiên, hai hệ thống thuế khoán phổ biến nhất là thuế khoán theo doanh thu và thuế khoán dựa trên đặc điểm của DN.
Hệ thống thuế khoán theo doanh thu
Hệ thống thuế khoán này quy định số thuế DN phải nộp được căn cứ trên doanh thu. Hệ thống thuế dựa trên doanh thu là loại thuế khoán phổ biến nhất vì nó có những lợi thế sau: giảm được gánh nặng thuế khi DN gặp khó khăn hoặc trong giai đoạn mới thành lập; yêu cầu các DN nhỏ phải giữ ít nhất một số sổ sách chứng từ căn bản nhưng không bắt những người quản lý DN nhỏ và siêu nhỏ chịu bất cứ thủ tục kế toán phiền toái.
Hệ thống thuế khoán dựa vào đặc điểm của DN
Hệ thống thuế khoán này sẽ căn cứ vào đặc điểm của DN như diện tích mặt bằng, số lượng lao động, thiết bị máy móc mà DN sử dụng để ước lượng thu nhập giả định. Trên cơ sở thu nhập giả định, cơ quan thuế sẽ tính số thuế mà DN phải nộp. Bên cạnh đó, lượng năng lượng tiêu thụ cũng được sử dụng là để xác định thu nhập giả định của DN.
Mặc dù hệ thống thuế khoán được cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ hưởng ứng, nhưng việc xây dựng hệ thống thuế khoán cũng có nhiều hạn chế, đặc biệt khó khăn trong việc xác định mức thuế suất hợp lý và không khuyến khích DN thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán (rào cản đối với sự phát triển của DN).
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm về hỗ trợ thuế cho DNNVV ở một số quốc gia nêu trên, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam.
Thứ nhất, xây dựng ngưỡng doanh thu
Việc xây dựng ngưỡng doanh thu hợp lý ở Việt Nam là cần thiết. Ngưỡng doanh thu kê khai thuế GTGT không những làm giảm chi phí tuân thủ thuế tại DN nhỏ dưới ngưỡng mà còn giảm số lượng DN kê khai nộp thuế. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý, tập trung nguồn lực ngăn chặn rủi ro trốn thuế.
Thứ hai, áp dụng cách tính thuế GTGT giản đơn
Hệ thống thuế cần cho phép các DN trên ngưỡng kê khai thuế GTGT nhưng có số thuế phải nộp nhỏ được lựa chọn nộp thuế theo phương pháp tính thuế giản đơn. Quy định này sẽ giúp DN giảm chi phí tuân thủ thuế, giảm gánh nặng thuế.
Thứ ba, giảm thiểu các mức thuế suất thuế GTGT
Một trong những nguyên nhân gây ra sự phức tạp trong hệ thống thuế GTGT là do có nhiều mức thuế suất khác nhau. Thuế suất thuế GTGT nên tồn tại một hoặc hai mức thuế suất.
Thứ tư, ưu đãi thuế thu nhập cho DNNVV
Để giảm gánh nặng thuế cho DNNVV, chính phủ cần có những ưu đãi về thuế thu nhập cho cộng đồng DN này. Có thể xây dựng hệ thống thuế TNDN với thuế suất lũy tiến hoặc đặt ra ngưỡng thuế thu nhập. Theo đó, DN dưới ngưỡng sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi.
Thứ năm, khuyến khích bên thứ ba cho DNNVV vay để đầu tư tài sản
DNNVV luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thức. Đây là rào cản đối với sự phát triển của DN. Vì vậy, cần có quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho bên thứ ba (cá nhân, tổ chức tín dụng…) vay vốn đề đầu tư tài sản.
Thứ sáu, xây dựng hệ thống thuế khoán
Một bộ phận DNNVV gặp khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ chế độ kế toàn và lưu giữ hóa đơn chứng từ. Để hỗ trợ cho cộng đồng DN này, cần đưa ra một hệ thống thuế khoán thay thế cho các loại thuế trực thu và gián thu mà DN phải nộp.
Tài liệu tham khảo:
1. www.oecd.org/tax/tax-policy/tax-database.htm;
2. www.oecd-ilibrary.org/taxation/consumption_tax-trend_1990.
Kinh nghiệm xây dựng hệ thống thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở một số quốc gia
(Tài chính) Chính sách thuế là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng hệ thống thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại một số nước, từ đó làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Xem thêm