Kinh ngiệm từ các quốc gia
Các mô hình công ty quản lý tài sản
Tại các quốc gia trên thế giới, có nhiều loại mô hình công ty mua bán nợ: Công ty do nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Đối với các công ty mua bán nợ tư nhân, một số thì hoạt động độc lập, một số khác là công ty con của các ngân hàng hoặc đơn vị hoạt động trực thuộc ngân hàng. Đối với các công ty xử lý nợ của Nhà nước thường hoạt động khá hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống và khung pháp lý đối với việc xử lý nợ vẫn còn yếu. Có những lúc trên thị trường, các khoản nợ xấu không có người mua thì công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể là nơi tiêu thụ các khoản nợ xấu nói trên, và khi khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu chưa được “khỏe” thì công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể giúp rút ngắn được quy trình xử lý nợ. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp các ngân hàng tái cấu trúc lại vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.
Mặt khác, việc thiết lập các công ty xử lý nợ tập trung đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư với số lượng vốn lớn. Điều này khiến nhiều quốc gia có khủng hoảng nợ xấu miễn cưỡng thiết lập các tổ chức xử lý nợ tập trung này. Chẳng hạn, Thái Lan là nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ rất lớn trong năm 1997, song đến năm 2011 đất nước này mới thành lập được công ty xử lý nợ tập trung. Thông thường, các công ty quản lý nợ tập trung là những “món mồi ngon” cho việc can thiệp chính trị và nó cũng thiếu tính linh hoạt hành chính trong việc quản lý các tài sản do có sự cấu kết bên trong giữa các bên liên quan. Nếu các công ty xử lý nợ tập trung hoạt động kém hiệu quả, thì chúng phát sinh chi phí hoạt động rất lớn cũng như làm tiêu hao tài sản chưa được thanh lý và chưa được cơ cấu lại qua thời gian. Việc thiếu nguồn nhân lực cũng là một trở ngại lớn cho thiết lập các công ty xử lý nợ tập trung. Ngược lại, do ít chịu sự chi phối trong quá trình ra quyết định, các công ty xử lý nợ tư nhân thường linh hoạt trong quản lý hơn các công ty quốc doanh. Đối với các đơn vị trực thuộc ngân hàng hay các công ty con của ngân hàng, việc cơ cấu nợ cũng dễ dàng hơn nhiều, do các đơn vị này đã có sẵn hồ sơ có liên quan đến các khoản nợ và các con nợ. Nếu các công ty xử lý nợ tư nhân này có đủ nguồn nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc quản lý các khoản nợ xấu, thì họ có thể làm gia tăng giá trị của các khoản nợ này. Kết quả là, họ sẽ bán ở mức cao hơn. Tuy nhiên, nếu môi trường pháp lý có khuynh hướng ủng hộ các con nợ, thì các công ty xử lý nợ tư nhân có thể phải gặp rắc rối trong các cuộc thương thảo về cơ cấu nợ. Việc này sẽ làm phát sinh chi phí hoạt động, đặc biệt trong các trường hợp mà việc trì hoãn có thể dẫn đến làm thất thoát hoặc hư hỏng các tài sản đang chờ xử lý. Trong khi đó, các công ty xử lý nợ quốc doanh có thể bỏ qua dễ dàng các thiếu sót về khung pháp lý thông qua các quyền hạn đặc thù. Đặc biệt, ở các quốc gia đang phát triển, công ty xử lý nợ quốc doanh có thể quản lý tốt quá trình kiểm soát các nguồn hơn là các công ty tư nhân.
Một bất lợi khác đối với các công ty xử lý nợ tư nhân (đặc biệt nếu nó là một công ty con của ngân hàng) là điều mà các ngân hàng mẹ có thể sử dụng nó để che đậy các vấn đề về nợ xấu bằng cách chuyển hết nợ sang công ty xử lý nợ của mình ở các mức giá giả tạo cao hơn. Hậu quả là, do giá chuyển đổi cao sẽ ít hoặc không phản ánh các khoản thua lỗ của ngân hàng, nên việc mua lại nợ xấu bởi các công ty con của ngân hàng có thể xem tương đương với một khoản cứu trợ tài chính của các cổ đông ngân hàng. Hoặc, nếu các cổ đông ngân hàng và công ty xử lý nợ là như nhau thì quá trình chuyển giao tài sản sẽ trở thành một cuộc tái cấu trúc ngân hàng hình thức, được thực hiện duy nhất chỉ để đáp ứng các điều khoản pháp lý nào đó đối với tỷ lệ nợ xấu, nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của hệ thống ngân hàng. Nếu không được giám sát chặt chẽ thông qua các báo cáo được kiểm toán thì các nhà quản lý ngân hàng có thể lại tiếp tục tài trợ các hoạt động rủi ro cao.
Một số điểm nổi bật của các công ty xử lý nợ ở châu Á
Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính ở châu Á, Chính phủ các nước như: Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành lập các công ty quản lý tài sản (AMCs) tập trung để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Các quốc gia này đã thiết lập Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng Indonesia (IBRA), Tổ chức xử lý nợ quốc gia Malaysia (DANAHARTA) và Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). Riêng Thái Lan ban đầu chỉ thành lập Cơ quan tái cấu trúc tài chính (FRA) để xử lý các vấn đề của các công ty tài chính. Đến năm 2001, Thái Lan mới chính thức thành lập Công ty quản lý tài sản (TAMC).
Đặc điểm chung của 4 công ty xử lý nợ ở châu Á là được Chính phủ tài trợ vốn và tổ chức tập trung hơn việc sử dụng một mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Điều này có lẽ là do tính chất đặc thù có hệ thống về các vấn đề ngân hàng và quy mô nợ xấu. Trong trường hợp của 4 quốc gia (Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc) bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Chính phủ các nước này đã áp dụng hình thức mua sỉ tất cả các khoản cho vay có vấn đề và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng. Mô hình AMCs tập trung mang tính khả thi cao do nhiều ngân hàng không đủ nguồn lực để tự tái cấu trúc các khoản nợ xấu khổng lồ của mình thông qua các đơn vị trực thuộc hay các công ty con của ngân hàng. Hơn nữa, cơ sở pháp lý so với các chuẩn mực thế giới vẫn còn nghèo nàn lạc hậu trong các quốc gia này cũng góp phần tạo ra sự cần thiết phải có AMCs tập trung. AMCs ở các nước châu Á chỉ hoạt động trong một số năm nhất định nào đó. Ngoại trừ KAMCO của Hàn Quốc cho phép gia hạn thời gian hoạt động, IBRA đã chấm dứt hoạt động năm 2004, DANAHARTA năm 2005 và TAMCO năm 2011. Với thời gian hoạt động có giới hạn, thời gian bổ nhiệm các vị trí quản lý tại các công ty xử lý nợ cũng theo nhiệm kỳ, việc xử lý tài sản cũng được xác định rõ, vì thế, chi phí mà Chính phủ chi tiêu cho các công ty xử lý nợ cũng bị hạn chế. Các công ty xử lý nợ tập trung cũng có các quyền hạn đặc biệt để cắt giảm các thủ tục pháp lý (ngoại trừ KAMCO). Ví dụ, trường hợp của DANAHARTA - có quyền xử lý tất cả các khoản nợ xấu chuyển giao mà không cần phải xin phép các chủ tài sản. TAMCO cũng sử dụng quyền hạn của mình để buộc các con nợ phải ngồi vào bàn đàm phán cho việc thanh toán các khoản nợ vay của mình. KAMCO thì không có thể hiện rõ đặc quyền của mình, có thể một phần là do cơ sở pháp lý của Hàn Quốc hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý của các nước còn lại.
Liên quan đến việc lựa chọn tài sản để xử lý, AMCs có những chiến lược riêng cho mình. IBRA tiếp nhận tất cả các khoản nợ xấu của ngân hàng mà không có sự lựa chọn nào trước cả. Việc này là do IBRA thực hiện theo chỉ định của Chính phủ trong chương trình hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng, bao gồm hỗ trợ thanh khoản, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu, và ổn định các cổ đông ngân hàng. Các tài sản được mua lại với mức giá trị đủ, nhưng Chính phủ sẽ gánh phần thua lỗ cho ngân hàng. KAMCO không có các tiêu chí đặc thù đối với tài sản được mua lại nhưng nó sẽ mua lại các tài sản ở mức giá chiết khấu cao (Tháng 11/2003, mức giá chiết khấu bình quân của KAMCO khoảng 64%). Cụ thể, KAMCO đưa ra một mức giá chiết khấu cho các khoản nợ xấu thông thường tương đương 40% của tổng giá trị tài sản được thế chấp, 3% của mệnh giá nếu các khoản cho vay không có tài sản thế chấp; trong khi đó, các khoản nợ xấu đặc biệt sẽ được định giá bằng phương pháp hiện giá thuần của dòng tiền dự án. Ngược lại, DANAHARTA và TAMC hạn chế mua lại các khoản nợ xấu có giá trị ghi sổ tối thiểu lần lượt là 5 triệu Ringgit Malaysia và Bt 5 triệu Baht Thái Lan. Hơn nữa, hai công ty quản lý nợ này định giá nợ xấu theo giá thị trường nhưng sẽ thương lượng phần lãi hoặc lỗ với các định chế tài chính. Đối với DANAHARTA, giá trị thu hồi vượt mức trên chi phí mua lại cộng với chi phí phân bổ trực tiếp sẽ được chia theo tỷ lệ 80:20, trong đó, 80% thuộc về các định chế tài chính. Trong trường hợp có lãi, TAMCO và ngân hàng trước hết chia 20% lợi nhuận có liên quan đến giá chuyển nhượng, phần còn lại sẽ thuộc về ngân hàng nhưng cũng không được vượt quá giá trị chuyển nhượng. Trong trường hợp thua lỗ thì cả 2 đều phải gánh chịu nhưng ngân hàng phải chịu 30% của mức giá chuyển nhượng.
Cuối cùng, cả 4 công ty quản lý nợ cũng có các chiến lược xử lý nợ riêng của mình. KAMCO đã nhờ sự giúp đở của các chuyên gia nước ngoài trong việc quản lý tài sản và xử lý nợ thông qua các công ty liên doanh. DANAHARTA đã sử dụng các đối tác đặc biệt hoặc các nhà quản trị có chuyên môn để quản lý các loại tài sản đặc thù, thực hiện theo chiến lược của Securum – một công ty xử lý nợ của Thụy Điển trong đầu những thập niên 1990. Ngược lại, IBRA và TAMCO rất cẩn trọng đối với các chuyên gia nước ngoài. TAMCO ưu tiên cho các công ty của Thái Lan thực hiện xử lý và quản lý các loại tài sản nào đó, trong khi đó, IBRA hầu như dựa vào các ngân hàng địa phương để giúp thu hồi và quản lý các khoản nợ vay thương mại.
Hiệu quả của các công ty quản lý tài sản
Bằng chứng cho thấy rằng AMCs hoạt động tương đối có hiệu quả. Klingebiel (2000) sử dụng dữ liệu của các công ty quản lý nợ và chỉ ra rằng AMCs nói chung xử lý nợ nhanh hơn các đơn vị tái cấu trúc tài sản. Klingebiel cũng cho rằng, một số các điều kiện như là sự độc lập về chính trị, đủ vốn, khung pháp lý hoàn thiện, nguồn nhân lực phát triển thì rất cần thiết và quan trọng đối với tính hiệu quả của AMCs. Kết quả khảo sát của các công ty quản lý nợ hoạt động trong các năm qua như sau: Về tỷ lệ xử lý nợ xấu (tỷ lệ tài sản được xử lý theo giá trị ghi sổ của tài sản mua lại), tỷ lệ này càng cao thì hoạt động của AMCs càng hiệu quả hơn, bởi lẽ, các tài sản chưa được xử lý thường tốn chi phí cao hơn, vì thế chi phí hoạt động của AMCs và của chính phủ cũng cao hơn. Tỷ lệ thu hồi tiền mặt là tỷ số của tiền mặt được thu hồi so với giá trị ghi sổ của tài sản mua lại hoặc giá trị tài sản được xử lý. Tỷ số này càng cao thì chất lượng xử lý nợ của các công ty quản lý tài sản càng tốt hơn.
Công ty quản lý tài sản và hành vi rủi ro đạo đức
Các hoạt động cho vay của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi khả năng chuyển giao nợ xấu đến AMCs. Hơn nữa, nó còn bị ảnh hưởng bởi các điều khoản và điều kiện của việc chuyển giao như vậy. Nếu các ngân hàng chuyển giao hết nợ xấu ở mức chi phí thấp thì việc này có thể dẫn đến hành vi rủi ro đạo đức tại các công ty quản lý tài sản tư nhân và các công ty quản lý tài sản nhà nước.
Đối với AMCs tư nhân: Khi nợ xấu tăng và tín dụng ngân hàng bị co rút lại thì việc cơ cấu lại nợ xấu sẽ đặt một gánh nặng trên vai của các nhà quản lý ngân hàng. Trong trường hợp này, việc chuyển giao nợ xấu ra khỏi ngân hàng cho thấy tính hiệu quả của việc xử lý nợ xấu và tạo điều kiện thuận lợi để tín dụng mới tăng trưởng. Ở Thái Lan, giai đoạn 1998 - 2001, 12 AMC tư nhân được thành lập. Mười trong số đó là những công ty con được dùng để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng tư nhân mẹ. Hai công ty còn lại được dùng để mua lại các khoản nợ từ các ngân hàng khác. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy, hầu hết các ngân hàng mẹ này đã không chuyển giao nợ xấu với số lượng lớn đến AMCs. Điều này là do nợ xấu được chuyển giao vẫn còn được phản ánh trong các báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng mẹ. Cho dù nợ xấu không còn trong báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ thì trái phiếu được dùng để mua lại các khoản nợ xấu cũng có rủi ro liên quan đến sự thành công hay thất bại của các công ty con trong việc xử lý các khoản nợ xấu này. Vì vậy mà các ngân hàng tư nhân ít có động lực để chuyển giao nợ xấu.
Đối với AMCs nhà nước: Từ năm 1998- 2002, ở Thái Lan đã thành lập 4 AMCs để xử lý nợ xấu của 5 ngân hàng thương mại quốc doanh. Mục tiêu duy nhất của việc chuyển giao tài sản là tái cấp vốn cho các ngân hàng này hơn là tối đa hóa việc phục hồi lại giá trị của nợ xấu. Quỹ Phát triển các Định chế tài chính (FIDF) sở hữu các công ty quản lý tài sản và đảm bảo trái phiếu được dùng để mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại nhà nước. Quyết định giá cả và tiêu chí lựa chọn nợ xấu không đến nỗi quá khắt khe, song phần lớn là dựa vào nhu cầu tái cấp vốn của các ngân hàng và không dựa vào chất lượng của tài sản. Điều này cho thấy các ngân hàng có thể ung dung tự tại đối với việc thành lập các AMCs này. Việc chuyển giao nợ xấu đến AMCs đã không tạo ra các động lực cho các ngân hàng để xem xét và điều chỉnh hành vi cho vay của mình, bởi lẽ, không có hình phạt nào được áp dụng cho việc chuyển giao này. Ngoài ra, do AMCs Nhà nước không bị đòi hỏi phải công bố thông tin nên không có khả năng phân tích tính hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
TAMC - Công ty quản lý tài sản cho các loại hình ngân hàng: Khoảng cuối năm 2000, nợ xấu trong toàn hệ thống vẫn còn rất cao và tiến trình cơ cấu lại nợ vẫn còn chậm chạp. Đảng chính trị đã thắng trong cuộc bầu cử đã ban hành Nghị định khẩn cho việc thành lập TAMC vào tháng 6/2001.Tương tự như AMCs quốc doanh, TAMC thanh toán các khoản nợ xấu bằng trái phiếu do TAMC phát hành có kỳ hạn 10 năm và được FIDF bảo lãnh phát hành. Nhưng vào thời điểm đó, giá chuyển nhượng được xác định dựa trên giá trị tài sản thế chấp hơn là nhu cầu tái cấp vốn của ngân hàng. Các động lực rủi ro đạo đức từ TAMC dường như không có ý nghĩa, do các bên liên quan chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nhau. Nếu có xảy ra thì rủi ro đạo đức có thể đến từ các trường hợp sau: Thứ nhất, nếu ngân hàng có thông tin nội gián rằng là các khoản nợ xấu chắc chắn sẽ mất vốn do hầu hết các khoản thua lỗ đều do TAMC gánh chịu, ngân hàng chỉ chịu 30% của giá chuyển nhượng. Thứ hai, nếu chiến lược tái cấu trúc của TAMC không nghiêm và áp đặt ít tổn thương lên vai người vay. Tóm lại, có 3 mức độ khác nhau về rủi ro đạo đức thông qua 3 cơ chế: AMCs quốc doanh có rủi ro đạo đức cao nhất; tiếp đến là TAMC, và sau cùng là các công ty AMCs tư nhân.
Hàm ý cho Việt Nam
Các mô hình quản lý tài sản và kinh nghiệm áp dụng các mô hình nói trên trong việc xử lý nợ xấu ở các nước châu Á sau khủng hoảng tài chính năm 1997, để từ đó rút ra mô hình thích hợp xử lý nợ có hiệu quả cho Việt Nam. Qua kinh nghiệm xử lý nợ của AMCs ở Thái Lan cho thấy, AMCs có vốn sở hữu nhà nước có hành vi rủi ro đạo đức cao nhất. Trong các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì mô hình quản lý tài sản quốc doanh vẫn là ưu tiên lựa chọn. Khi khung pháp lý để xử lý nợ xấu vẫn còn chưa mạnh thì quy trình xử lý nợ có thể được rút ngắn và rất phù hợp đối với các khoản nợ xấu mang tính hệ thống. Đồng thời, khi thị trường mua bán nợ ế ẩm thì AMCs quốc doanh sẽ là nơi lý tưởng để tiêu thụ nợ xấu ngân hàng. Hơn nữa, khi Chính phủ mua lại nợ xấu của ngân hàng thông qua các AMCs quốc doanh thì Chính phủ có thể dễ dàng áp đặt các điều kiện cần thiết cho việc tái cấu trúc các ngân hàng chất đầy nợ nần. Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của 4 AMCs quốc doanh ở Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, và Thái Lan cũng chỉ ra rằng các tỷ số xử lý nợ xấu và tỷ số thu hồi tiền mặt tương đối cao trong các AMCs quốc doanh.
Đối với Việt Nam, lựa chọn, áp dụng phương thức nào để xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, dù áp dụng phương thức nào trước hết cần có đánh giá toàn diện về khả năng thực hiện các biện pháp để tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm các vấn đề sau:
- Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc thực hiện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Hiện nay, cơ sở pháp lý cho hoạt động của công ty quản lý tài sản và hoạt động chúng khoán hóa chưa có. Trong một số trường hợp, có thể phải cân nhắc tới việc ban hành một đạo luật khẩn cấp cho hoạt động của AMC.
- Chính phủ có thể cân nhắc việc thành lập công ty AMC nhưng xác định rõ mục tiêu chỉ để thực hiện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu. Trong đó, cơ sở của nguồn vốn hoạt động và lộ trình hoạt động của côn ty cần được làm rõ.
- Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được triển khai đồng bộ với xử lý nợ xấu bao gồm những nội dung liên quan đến kiểm kê đánh giá các khoản nợ, mua bán nợ xấu và đóng cửa các ngân hàng yếu kém, đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng tốt.
- Phát triển thị trường trái phiếu, mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ngân hàng. Đây được coi là kênh huy động vốn hữu hiệu trong thời điểm nguồn lực nội tại của ngân hàng trong nước gặp khó khăn.
- Cần xây dựng mạng an toàn tài chính quốc gia, trong đó có phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các thành viên như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi.
Việc xử lý nợ xấu của Việt Nam hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, việc vận dụng các kinh nghiệm trên phải tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như: Kinh ttế vĩ mô chưa thực sự ổn định; Hoạt động cho vay phần lớn dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản, trong khi thị trường này chưa thể phục hồi ngay; Xử lý nợ xấu không được gây tổn thất lớn cho Chính phủ và bản thân các ngân hàng. Với kinh nghiệm của các nước ở châu Á trong xử lý nợ xấu trên và những hàm ý cho Việt Nam, hy vọng rằng Việt Nam sẽ đưa ra cho mình giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Kinh nghiệm Tái cơ cấu ngân hàng của Malaysia;
2. Experience of Crisis - Hit Asian Countries: Do Asset Management Companies Increase Moral Hazard?;
3. Tài liệu Hội thẻo khoa học “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” – Viện Chiến lược và chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).
Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012
Kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại một số nước và hàm ý cho Việt Nam
(Tài chính) Không chỉ các nước trong khu vực châu Á thành lập các công ty quản lý tài sản mà ngay cả nước phát triển như Mỹ và các nước Mỹ La tinh cũng có các công ty chuyên về xử lý nợ xấu của ngân hàng. Tuy nhiên, liệu sự có mặt của các công ty quản lý tài sản có cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng hay không? Để trả lời câu hỏi trên hãy cùng nghiên cứu kinh nghiệm xử lý nợ của các nước ASEAN thông qua các mô hình công ty quản lý tài sản.
Xem thêm