Kinh tế 2014 sẽ khả quan hơn...

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia quốc tế, trong 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực sự lạc quan. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 được dự báo sẽ khả quan hơn và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Kinh tế 2014 sẽ khả quan hơn...
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 được dự báo sẽ khả quan hơn và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Nguồn: internet
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực ngân hàng, song các cuộc cải cách thường không ổn định và gặp nhiều thách thức. Đặc biệt là vấn đề nợ xấu chỉ có thể được giải quyết khi có sự phối hợp liên ngành và phải thành lập Ban chỉ đạo liên ngành. Giải quyết được vấn đề nợ xấu sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, mà không làm gia tăng lạm phát.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,2% trong năm nay và cho rằng những tiến bộ dần dần đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng đạt 5,5% trong năm tới. Lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,5% trong năm nay do kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay còn thấp, giá lương thực giảm nhanh hơn dự kiến.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khôi phục và duy trì tăng trưởng còn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, cũng như giải quyết tốt vấn đề lãi suất, nợ xấu. Thực tế, lãi suất đã giảm trong nhiều tháng qua nhưng tăng trưởng tín dụng không tăng cao, gánh nặng nợ xấu khiến ngân hàng vẫn khắt khe khi lựa chọn hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, mức tồn đọng cao khiến nhu cầu tín dụng không cao như thời gian trước.

Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á Tomoyuki Kimura, nếu tiếp tục cắt giảm lãi suất không đi cùng với những biện pháp để giải quyết triệt để nợ xấu thì có thể gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô. 

Các chuyên gia cũng đánh giá cao những nỗ lực xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp và chính sách hỗ trợ khác không thuộc chức năng, nhiệm vụ trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng có thể ảnh hưởng đến quá trình mua bán nợ. Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam ít rủi ro hơn so với một số nước khác trong khu vực về mặt bán tháo tài sản ở các thị trường mới nổi như được chứng kiến trong năm nay. Do vậy, dòng vốn nước ngoài sẽ dịch chuyển vào các nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại châu âu tại Việt Nam Preben Hjortlund, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp trong nước năng động, hoạt động hiệu quả hơn. Dù vậy, dòng vốn này sẽ có một số tác động tiêu cực như ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và tâm lý nhà đầu tư trong nước. Ông Preben Hjortlund cho rằng, ở góc độ nào đó, Việt Nam cần đánh giá tác động tiêu cực của dòng vốn này và đưa ra giải pháp về cơ chế thông tin nhằm ngăn ngừa những tác động xấu.

Theo các chuyên gia, nếu xử lý hiệu quả nợ xấu trong năm 2013 sẽ cải thiện lòng tin của doanh nghiệp. Yếu tố này cùng việc thực hiện các biện pháp kích thích sản xuất, kinh doanh sẽ tạo đà cho tăng trưởng trong năm tới. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng cần làm từ bây giờ là phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Nhà nước.