Kinh tế 2015 duy trì ổn định hay tăng đầu tư để có tăng trưởng cao

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế cả năm có khả năng đạt cao hơn mục tiêu 5,8% đã đề ra và nền kinh tế có nhiều điểm sáng… Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; những vướng mắc trong xử lý nợ xấu, áp lực nợ công tăng cao, thu - chi ngân sách mất cân đối… vẫn ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Vậy, kinh tế năm 2015 đứng trước thời cơ, khó khăn như thế nào? Tiếp tục duy trì ổn định hay tăng đầu tư để có tăng trưởng cao hơn? Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã có nhận định.

Kinh tế 2015 duy trì ổn định hay tăng đầu tư để có tăng trưởng cao - Ảnh 1
TS. Vũ Đình Ánh
Phóng viên: Tăng trưởng GDP trong năm 2014 dự kiến sẽ cao hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 5,8%). Theo Ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản khiến nền kinh tế đạt được kết quả khả quan này?

Trong 3 quý đầu chúng ta đã đạt tốc độ tăng trưởng 5,64%, nên gần như chắc chắn trong năm 2014 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu đã đề ra. Hiện tượng này tương đối khác so với 2 năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế khác so với những năm trước là do chúng ta có biện pháp tốt hơn để khuyến khích đầu tư, kể cả đầu tư khu vực nhà nước, ngoài nhà nước. Đây có thể nói là điểm sáng, khi tổng vốn đầu tư năm 2014 có khả năng trên 30% GDP. Ngoài ra kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, nhất là lạm phát được kiểm soát hiệu quả, giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai kế hoạch kinh doanh của mình. Môi trường cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đã tốt hơn, tiêu thụ hàng tồn kho có chuyển biến tích cực, còn các thị trường cũng có chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cũng giúp cho tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân khác là dù kinh tế vĩ mô có lúc khá khó khăn trong 3 năm qua, thì nước ta vẫn đạt thành tích tốt về xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%, thậm chí có thời gian tăng trưởng xuất khẩu trên 17%. Điều này cùng với việc nhập khẩu được hạn chế và kiểm soát đã giúp chuyển sang trạng thái thặng dư thương mại, giúp tăng dự trữ ngoại hối. Điều kiện kinh tế tương đối thuận hòa trên thế giới cũng giúp tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn so với mục tiêu QH đề ra.

Thưa Ông, việc chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng qua liên tục ở mức thấp, thậm chí trong tháng 11 ở mức âm và cả năm tăng thấp hơn kế hoạch đề ra cũng là một tín hiệu vui cho nền kinh tế...

Nhìn vào con số có thể thấy, năm 2014 là năm khá đặc biệt, vì chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, song rất hiếm khi chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng cuối năm lại tăng thấp, thậm chí ở mức âm trong tháng 11. Dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2014 sẽ chỉ ở mức 3%, thậm chí là thấp hơn mức 3%, chưa bằng một nửa mục tiêu đã đề ra (tăng dưới 7%). Chúng ta có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng ổn định như vậy là do thực hiện hàng loạt biện pháp thắt chặt để kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Chính phủ đã điều hành rất kiên quyết về hạn chế đầu tư công, đặc biệt thực hiện rà soát lại hàng loạt dự án đầu tư công để giảm bớt lãng phí trước đây. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều được điều chỉnh theo diễn biến của lạm phát. Bên cạnh chính sách về thương mại bình thường thì cũng có chính sách hỗ trợ để vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Thị trường thế giới tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, cả gián tiếp của chúng ta liên quan đến thị trường quốc tế hiện nay khá nhiều. Đó là những điểm sáng. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, lạm phát thấp có thể liên quan tới sức mua giảm, tổng cầu trong nền kinh tế tăng chậm, đây là hiện tượng khá rõ trong những năm gần đây. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tiêu dùng trong nước thông qua chỉ số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của chúng ta tăng chậm tuy nhiên vẫn tăng. Vì thế, không thể nói lạm phát thấp do sức mua thấp. Đây là điểm sáng của năm 2014.

Mặc dù nền kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng, song các vấn đề như tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước… được cho là sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong năm 2015, thưa Ông?

Không thể phủ nhận những mục tiêu đã thực hiện được trong năm 2014, cũng như vài năm gần đây. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Ví dụ, quy mô nợ xấu không những không giảm mà tăng lên dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các biện pháp kiểm soát, cũng như phân loại nợ theo thông lệ chuẩn mực quốc tế. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra mực tiêu cuối năm 2015 sẽ đưa mức nợ xấu về chuẩn quốc tế, khoảng tầm 3% trên tổng dư nợ. Do đó, gánh nặng về xử lý nợ xấu trong năm 2015 là khá nặng. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, ĐBQH và cử tri cả nước đã rất quan tâm việc nợ công đến cuối năm 2014 sẽ lên trên 60% GDP, và dự tính 2016 sẽ lên tới đỉnh điểm, tầm 64,9% GDP - gần ngưỡng an toàn nợ công được QH đặt ra (65% GDP). Nói cách khác, vấn đề thứ hai nước ta phải đối mặt trong năm 2015 là nợ công. Vấn đề thứ ba là, các doanh nghiệp trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện cụ thể qua con số trên 6 vạn doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể trong năm 2014. Các cơ quan chức năng đã cố gắng cải cách hành chính hay thay đổi thể chế với các doanh nghiệp, song phải làm rất nhiều việc trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... Thưa Ông, các luật này có tạo cú hích mới cho doanh nghiệp trong năm tới không?

Các doanh nghiệp rất quan tâm đến các luật này, hy vọng sẽ giúp tạo ra một cú hích cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Thực tế, Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã tạo ra bức tranh khác cho nền kinh tế Việt Nam về sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Song hành với sự phát triển của doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước cũng đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong khi đó, cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực nên không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực, thách thức ngày càng lớn hơn.

Các luật liên quan đến doanh nghiệp được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua đã có nhiều sửa đổi theo hướng tiến bộ. Các luật này cùng hệ thống văn bản hướng dẫn được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, cả khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước, tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; giúp nâng cao khả năng cạnh tranh ở cấp quốc gia và ở cấp doanh nghiệp, từng sản phẩm Việt. Đối với nội dung của các đạo luật này, tôi đánh giá cao hai điểm và nếu làm được sẽ đẩy doanh nghiệp lên tầm cao mới. Thứ nhất, chúng ta đưa quy định Hiến pháp năm 2013 vừa thông qua vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) là công nhận quyền kinh doanh của công dân.

Như vậy, người dân Việt Nam có quyền kinh doanh, làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Thứ hai, chúng ta đã giảm bớt rào cản ngay từ quy định của luật. Ví dụ, liên quan đăng ký ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp được phép chủ động trong xác định ngành nghề kinh doanh cũng như chuyển đổi ngành nghề kinh doanh của họ. Các quy định, liên quan cải cách hành chính cũng đưa vào luật này. Đặc biệt, việc chuyển bộ máy quản lý nhà nước từ tư thế quản lý hành chính sang tư thế phục vụ phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Sự chuyển biến từ luật được đưa vào thực tế, cùng với quá trình cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tin rằng, năm 2015, các doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ có chuyển biến tích cực.

Xin cám ơn Ông!