Kinh tế biển xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia
Tại Diễn đàn Kinh tế biển vừa diễn ra ở Hà Tĩnh, PGS., TS. Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam đã nhấn mạnh, phát triển “xanh lam” hay tăng trưởng kinh tế biển xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và cho cả “túi tiền” thực tế của người dân.
Vai trò của biển Đông
Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã làm “nóng” Diễn đàn bằng hai câu "sấm Trạng Trình" liên quan tới chủ quyền biển Đông:
“Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”
Ông Mai cho biết, hai câu thơ đó trích từ bài Cự Ngao Đới Sơn trong Bạch Vân Am Thi Tập của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Tự ngàn xưa dân Việt đã là cư dân của văn hóa biển - đảo. Vạn dặm biển Đông phải quay về nắm lấy trong bàn tay. Làm được như vậy, mà phải làm được như vậy - làm chủ được biển Đông, thì muôn đời cõi trời, đất nước Nam này sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình thịnh trị lớn lao!”, ông Mai diễn giải.
“Đó là lời dự báo thiên tài, là lời truyền dạy của tổ tiên. Nó phải được cảm nhận để hành động trên quy mô của dân tộc. Nói quay về giữ trong bàn tay có nghĩa là nói sự làm chủ của mình. Tinh thần làm chủ của chúng ta là vừa biết kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng, vừa biết tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các nước lân bang”, ông Mai nói.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng tinh thần làm chủ phải thể hiện cả ba mặt:
Thứ nhất, làm chủ những vấn đề về lịch sử, pháp lý, cả những gì liên quan đến sức mạnh vật chất, tinh thần, để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ hai là phải xây dựng một nền kinh tế biển hoàn chỉnh hữu hiệu.
Thứ ba là phát triển khoa học và văn hóa biển.
“Cả ba lĩnh vực trên là ba khâu liên hoàn, làm tiền đề, nhân quả lẫn nhau. Bảo vệ chủ quyền để phát triển kinh tế biển. Muốn phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền hữu hiệu lại phải coi trọng xây dựng các ngành khoa học biển và văn hóa biển. Đó chính là một năng lực của dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước”, ông nhấn mạnh.
Quả vậy, vai trò của kinh tế biển hiện nay đang được quan tâm trở lại theo đúng vị trí của nó. Chính vì vậy, khai thác thế mạnh từ biển đang trở thành nội dung mang tính chiến lược ở hầu hết quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia không có biển. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển chỉ ra tại Diễn đàn.
Theo Thứ trưởng Hiển, Việt Nam nằm ở phía Tây Biển Đông, với 28 tỉnh, thành có biển, tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km và có hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo) trên thế giới. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới; bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Tại đó đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Phát triển nền kinh tế xanh lam ở biển Đông
Theo PGS., TS. Nguyễn Tác An- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, Việt Nam đang quyết tâm chuyển đổi và phát triển nền kinh tế xanh lam ở biển Đông, dựa vào các lợi thế: vị trí địa chiến lược - kinh tế, vào quá trình hội nhập và sự cải thiện các chính sách, thể chế, pháp luật trong quản lý, nhằm tạo ra những tiền đề cơ bản để đạt được sự phát triển hài hòa, theo nguyên tắc phát triển dài hơi, xem xét các bài học và kinh nghiệm của thế giới và dựa vào các nguồn lực, trí tuệ và bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đánh giá về vai trò của phát triển xanh lam, ông An cho biết, sự phát triển này không chỉ mang lại sự giàu có, phồn vinh mà còn thúc đẩy tăng trưởng cao theo nguyên tắc “lấy Biển nuôi Đất liền”. Thứ nữa, sự phát triển này còn tạo ra mối liên kết hài hòa trong việc xóa đói, giảm nghèo tận gốc rễ với bảo vệ, phục hồi tốt hơn các nơi cư trú, tăng cường nguồn lợi biển và đa dạng sinh học. Ngoài ra, chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh lam, công ăn, việc làm tăng mạnh, xóa bỏ được nạn thất nghiệp vốn là “căn bệnh kinh niên” trong nền kinh tế “nâu”.
Như vậy, “phát triển xanh sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng cả “xương” lẫn “ thịt”, chứ không chỉ tăng trưởng “xương” như hiện nay (người dân chẳng được lợi lộc mấy do tăng trưởng ). Sự tăng trưởng kinh tế biển xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và cho cả “túi tiền” thực tế của người dân, ông An nhấn mạnh.
Sự phát triển kinh tế xanh lam ở Biển Đông cần được nhìn nhận là nền kinh tế hiện đại, tiến bộ trong một không gian thống nhất, với 3 vùng đặc trưng vĩ mô: vùng biển khơi với các quần đảo xa: Trường Sa, Hoàng Hoa, vùng thềm lục địa và vùng ven bờ bao gồm những thủy vực biển ven bờ cùng hệ thống đảo và vùng đất ven biển với sự liên kết cung ứng và hậu cần, thị trường đa năng của cả nước. Với mặt tiền hướng ra biển Đông, dài hơn 3444 km, một vùng lãnh hải rộng đến 1,278 triệu km2, với hơn 3 nghìn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa, có hơn 20 kiểu hệ sinh thái biển, đảo nhiệt đới điển hình với những giá trị kinh tế quý giá.
“Sách lược phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng cần phải dựa vào các đặc trưng tư nhiên vốn có của từng vùng lãnh hải do đó phân vùng sinh thái (xác định khoảng không gian tối ưu trong phát triển kinh tế và quốc phòng) là một trong những việc ưu tiên của công tác tổ chức phát triển xanh lam trên biển Đông”, ông An cho biết thêm.
Để kinh tế biển phát huy vai trò “trụ cột”
“Xanh hóa” đất nước là nhu cầu có tính thời đại. Nhưng đây là nhiệm vụ rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp cải cách căn cơ, đổi mới trong hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Hiển trong bài phát biểu của mình đã chỉ ra rằng, phát triển “kinh tế biển xanh” ở nước ta đang phải đối mặt với các nguy cơ của biến đổi khí hậu, của tình trạng axit hóa đại dương, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản thiếu bền vững, ô nhiễm và chất thải, mất nơi cư trú, giảm đa dạng sinh học và các loài ngoại lai; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, các khu bảo tồn biển… của các hoạt động sản xuất công nghiệp ven bờ, các hoạt động khai thác tài nguyên biển.
“Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng đòi hỏi các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế biển Nguyễn Tác An đề xuất 4 giải pháp, trên cơ sở 4 thách thức cơ bản nhất, cần phải tháo gỡ. Đó là:
Một là, về phương pháp luận và nhận thức cần phải làm rõ một số vấn đề cơ bản về quan điểm, triết lý phát triển và tổ chức quản lý kinh tế trong thời đại mới. “Rất cần có sự "đột phá về lý luận", như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội đồng lý luận Trung ương (ngày 19/10/2011). Cụ thể, công tác lý luận cần được cải tiến hơn nữa: thực hiện dân chủ rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, lý luận, tăng cường đối thoại, không né tránh những vấn đề chưa đạt được sự nhất trí, khuyến khích các tổ chức tư vấn phản biện chính sách, qua đó, thu hút đông đảo trí thức, doanh nhân vào việc nghiên cứu đường lối, chính sách phát triển...;
Hai là, vấn đề về năng lực thực thi, triển khai của bộ máy quản lý nhà nước cũng phải được rà soát, nâng cao, phải tạo ra được sự thống nhất giữa các bộ, ngành, các cơ quan trong quản trị phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong quá trình “xanh hóa” nền kinh tế;
Ba là, cần phải tổ chức hiệu quả phép quản trị kỷ cương để hạn chế, ngăn chặn những tác động tiêu cực của “các nhóm lợi ích (lợi ích cá nhân, công ty, tập đoàn, ngành, địa phương...) và “tư duy nhiệm kỳ”, trong phát triển bền vững.
Bốn là, vấn đề thông tin và quản lý, công bố thông tin thiếu khoa học.
“Thiếu thông tin chuẩn xác, cũng có thể tạo ra những “ngộ nhận” về thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, về giá trị tài nguyên, về vai trò của vùng biển và về khả năng quản trị phát triển kinh tế biển, đảo trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay”, ông An cho biết.
Dưới góc nhìn đầu tư, GS, TS. Nguyễn Mại thẳng thắn, để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu vì biển thì phải khai thác thế mạnh của cả nước ở tất cả các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đồng thời phát huy tốt nhất lợi thế của từng vùng kinh tế, từng địa phương, khắc phục nhược điểm hiện có vừa không tạo ra tính đa dạng của vùng và địa phương, vừa lãng phí nguồn lực tự nhiên và lao động sáng tạo.
Thẳng thắn chỉ ra hiện tượng, mỗi tỉnh, thành phố của nước ta là một “ vương quốc” có đủ cảng biển, nhiều nơi đã có hoặc sắp có cảng hàng không, sản xuất từ sắt thép đến quần áo, dày dép, xi măng, nhưng lại chưa hình thành được kinh tế vùng lãnh thổ- yếu tố cấu thành nền kinh tế quốc dân có năng lực cạnh tranh cao, vị chuyên gia này khẳng định: “Đã đến lúc cần đề ra Chương trình nghiên cứu liên tỉnh để tận dụng có hiệu quả hơn các cơ sở kinh tế- xã hội hiện có, hợp tác cùng phát triển hợp lý các cơ sở sẽ được đầu tư xây dựng vì lợi ích của từng tỉnh và lợi ích chung của Vùng Bắc Trung bộ”.
Còn dưới góc nhìn của quy hoạch phát triển, ông Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, sự phát triển thiếu hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng của một số ngành kinh tế biển như hàng hải hay sự thiếu hiệu quả của các khu kinh tế ven biển, và đời sống dân cư ven biển, đảo còn nhiều khó khăn.
“Tất cả những điều này buộc chúng ta phải có những bước đi thích hợp trong thời kỳ tới đối với sự phát triển các ngành kinh tế biển”, ông Hà nói.