Kinh tế các thị trường mới nổi bật dậy trong quý IV/2012

Theo Vietstock

Báo cáo Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi của Ngân hàng HSBC toàn cầu (HSBC Emerging Markets Index - EMI) cho thấy, các thị trường mới nổi đã kết thúc năm 2012 với mức tăng trưởng nhẹ khi các nhà sản xuất hàng hoá báo cáo đơn đặt hàng mới tăng nhanh nhất kể từ quý II/2011.

Kinh tế các thị trường mới nổi bật dậy trong quý IV/2012
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Cụ thể, chỉ số EMI tăng từ mức 52.2 điểm trong quý III lên 52.9 điểm trong quý cuối cùng của năm 2012, nhưng vẫn ở dưới mức trung bình của bốn năm qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự phát triển của lĩnh vực sản xuất đã kéo chỉ số EMI tăng nhẹ, mặc dù hoạt động của ngành dịch vụ có cải thiện so với quý trước nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn còn dưới mức mong đợi.

Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ kết hợp của các nền kinh tế lớn BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đều ghi nhận tăng trưởng trong quý IV. Trong số bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất này, tăng trưởng tại Brazil đã trở lại sau khi quý trước lâm vào tình trạng trì trệ, trong khi Nga đã vượt qua Ấn Độ để đạt tốc độ tăng trưởng sản lượng tốt nhất kể từ quý 2/2010.

Sản lượng sản xuất tại Trung Quốc được báo cáo tăng lần đầu tiên từ quý III/2011, trong khi Brazil đã tăng lần đầu tiên kể từ quý I/2012 với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm qua. Sản lượng sản xuất tăng trưởng nhanh ở Ấn Độ và duy trì sự ổn định với tốc độ vững chắc ở Nga.

Sản lượng của ngành dịch vụ tăng trong quý IV với tốc độ nhanh hơn so với mức thấp nhất bốn quý của quý III/2012, trong khi triển vọng các nền kinh tế BRICs vẫn tích cực và đánh dấu có cải tiến so với quý III.

Theo HSBC, đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho các nhà sản xuất ở các thị trường mới nổi đã giảm quý thứ tư liên tiếp, do nhu cầu yếu từ các nền kinh tế đã phát triển, đặc biệt là những nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, tổng số đơn đặt hàng mới tại các nền kinh tế mới nổi tăng lên trong quý cuối cùng của năm 2012 với tốc độ nhanh nhất kể từ quý I năm 2012. Mức tăng này phần lớn là do sự gia tăng đơn đặt hàng mới cho lĩnh vực dịch vụ.

Chỉ số EMI của quý IV cũng cho thấy mặc dù vẫn còn ở dưới mức trung bình dài hạn nhưng lạm phát chi phí đầu vào đã tăng sau khi quý III rất yếu. Mặc dù Nga có mức tăng giá đầu vào mạnh nhất trong số những nền kinh tế BRICs, nhưng giá cả đầu vào cho hoạt động sản xuất và dịch vụ kết hợp của Trung Quốc đã tăng sau hai quý giảm liên tiếp.

Chi phí trung bình của các nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất tăng bằng với tỷ lệ lạm phát nhanh nhất kể từ quý III/2011. Trong khi đó, trong lĩnh vực dịch vụ, lạm phát chi phí đầu vào vẫn tương tự như với quý III, thể hiện mức tăng yếu thứ hai trong suốt ba năm qua.

Theo Stephen King, Kinh tế trưởng của Ngân hàng HSBC, cho biết: "Mặc dù tăng trưởng kinh tế khó có thể sôi nổi nhưng những tiến bộ gần đây rất đáng khích lệ, đặc biệt là khi các dấu hiệu khả quan cho những tháng đầu năm 2013 được bổ sung. Phần lớn sự tăng trưởng là do nhu cầu thị trường nội địa tăng trong khi đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn đang giảm sút, mặt dù không ở mức đáng lo ngại như đã từng thấy vào giữa năm ngoái.“

Ông Stephen King đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc trong tốc độ tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng, “không có gì phải ngạc nhiên khi các nền kinh tế đã mở rộng hoạt động xuất khẩu đến Trung Quốc đạt được lợi nhuận nhanh chóng trong thập kỷ qua. Ngược lại, các nền kinh tế vốn xa lánh những tiến bộ của Trung Quốc đã trải qua quá trình tăng GDP đáng thất vọng kéo dài. Chỉ số EMI có thể không thực sự mạnh vào thời điểm này nhưng Trung Quốc được thiết lập để có một ảnh hưởng lớn hơn cả Mỹ hay châu Âu trong việc quyết định số phận kinh tế của các thị trường mới nổi."

Được biết, chỉ số EMI của HSBC được tính toán dựa trên nguồn số liệu từ cuộc khảo sát chỉ số quản l‎ý sản xuất PMI do công ty cung cấp thông tin tài chính toàn cầu Markit tiến hành. Kể từ năm 2009, HSBC đã hợp tác với Markit để tài trợ và tiến hành các cuộc khảo sát PMI tại một số thị trường mới nổi.