Kinh tế châu Âu 9 tháng đầu năm 2013
Ảm đạm trong 8 tháng đầu năm 2013, kinh tế châu Âu sang tháng 9/2013 đã bất ngờ xuất hiện những tín hiệu khởi sắc. Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), GDP quý II/2013 của khu vực Eurozone và 28 nước châu Âu lần lượt là +0,3%, +0,4% so với quý trước đó.
Nếu như so với quý I, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều trong trạng thái suy thoái hoặc tăng trưởng ì ạch thì đến quý II, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lại cho thấy sự tiến triển tích cực hơn. Nền kinh tế Bồ Đào Nha có mức tăng trưởng cao nhất trong quý II/2013 (1,1%), tiếp sau là Đức, Lithuania, Phần Lan và Anh (đều ở mức 0,7%). Bên cạnh đó, tình hình tăng trưởng vẫn còn kém khả quan với 1 số nền kinh tế khác: Italia và Hà Lan (-0,2%); S lô ve nia (-0,3%), đảo Síp (-1,4%).
Chỉ số PMI trong 6 tháng đầu năm 2013 của khu vực châu Âu liên tục ở dưới 50 điểm – mức điểm cho thấy sự thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, PMI đã thay đổi hoàn toàn kể từ tháng 7/2013 đã cho thấy sự chuyển biến hoàn toàn khi chỉ số này bất ngờ tăng trên mức 50 điểm (tháng 7: 50,5 điểm, tháng 8: 51,5 điểm, và tháng 9: 52,2 điểm. Ai len và Đức vẫn là những nước dẫn đầu về PMI trong số các nước Eurozone với các mức điểm lần lượt là 55,7 điểm và 53,2 điểm trong tháng 9/2013, chỉ số PMI của Italia và Pháp trong tháng 9/2013 cũng bất ngờ phục hồi trên mức 50 điểm (lần lượt là 52,8 và 50,5 điểm), tuy nhiên PMI của Tây Ban Nha vẫn chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét (49,6 điểm).
Mặc dù vậy, kinh tế châu Âu vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Thất nghiệp vẫn là điều đáng lo ngại nhất của châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone. Tỷ lệ thất nghiệp của 17 nước Eurozone tháng 5/2013 sau khi đã tăng lên mức kỷ lục 12,2%, chỉ suy giảm chút ít trong 2 tháng 6, 7/2013 (12,1%) và tháng 8/2013 (12%). Đối với 28 nước châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên mức 10,9% trong cả 8 tháng đầu năm 2013, không cho thấy sự chuyển biến tích cực nào.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực Eurozone tháng 9/2013 là 1,1% tiếp tục từ mức 1,3% và 1,6% của tháng 8/2013 và tháng 7/2013, của 28 nước châu Âu là 1,5% từ mức 1,7% của tháng 7 và 8/2013. Tỷ lệ này còn rất xa mức mục tiêu đặt ra của khu vực là 2%. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này là 2,6% và 2,7% đối với khu vực Eurozone và khu vực châu Âu.
Chênh lệch trình độ phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế châu Âu không có dấu hiệu thu hẹp lại mà ngày càng rộng ra dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. 7/27 nước của khu vực châu Âu vẫn đang chìm trong suy thoái sau nhiều quý tăng trưởng âm liên tiếp, một số nền kinh tế khác đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất yếu. Đức, Anh vẫn là những nền kinh tế hàng đầu của châu Âu với tiềm lực kinh tế và tốc độ phục hồi mạnh.