Kinh tế Đông Á đối mặt với thách thức

Theo Stox.vn

Ngày 25/11/2010, Hàn Quốc và Nhật Bản công bố các dữ liệu kinh tế cơ bản, cho thấy những dấu hiệu yếu ớt của sự hồi phục kinh tế. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phải vật lộn với những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của mình.

Hàn Quốc

Niềm tin người tiêu dùng của Hàn Quốc hồi phục sau khi rơi xuống mức thấp nhất 16 tháng qua, trong kỳ vọng sự hồi phục vững chắc của nền kinh tế sẽ thúc đẩy thu nhập hộ gia đình và triển vọng việc làm trong tương lai.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc  thông báo (ngày 25/11/2010) chỉ số tâm lý này tăng lên mức 110 so với mức 108 trong tháng 10. Tuy nhiên, cuộc điều tra này được thực hiện trước khi xảy ra căng thẳng ngày 23/11 giữa hai miền Triều Tiên. Sự kiện này đã đẩy đồng Won xuống mức thấp nhất hai tháng trở lại đây.

Jang Wan Sub, nhà kinh tế học cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhận định “Chúng tôi chưa biết cuộc pháo kích vừa rồi có tác động mức nào đến niềm tin người tiêu dùng,”, nhưng ông cũng thêm vào “dựa trên tình huống trước đây khi chìm tàu chiến đầu năm nay, tôi dự đoán sẽ không có tác động lớn trong kết quả tháng 12.”

Ông Kim Choong Soo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tuần trước đã đưa ra ước đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay và sau đó chậm lại với mức 4,5% trong năm 2011.

Nhật Bản

Xuất khẩu tháng 10 của Nhật Bản tăng chậm hơn dự báo trước đó, cho thấy động lực thương mại của nền kinh tế đang yếu đi và sự phục hồi vẫn ở trong tình trạng ảm đạm.

Xuất khẩu tăng 7,8%, dưới kỳ vọng 10,7% của các nhà dự báo. Điều này làm thị trường lo ngại nền kinh tế Nhật Bản đang mất đi yếu tố dẫn dắt xu hướng đi lên do lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại không thể đóng góp được vào tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng 8,7% trong tháng 10 so với tháng trước đó. Thặng dư thương mại tăng lên  lên 821,9 tỷ Yên. Tổng sản phẩm quốc nội quý III đạt 3,9% nhờ tăng trưởng trong chi tiêu dùng của người dân trước khi các chương trình hỗ trợ như chương trình khuyến khích sử dụng ô tô tiết kiệm nhiên liệu hết hiệu lực.

Trong một vài ngày tới, Nhật Bản sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tăng lần đầu tiên kể từ hai năm trở lại đây.

Trung Quốc

Ngày 25/11, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cam kết sẽ “”từ từ đưa tăng trưởng tín dụng trở lại mứ bình thường” và củng cố hoạt động quản lý thanh khoản trên thị trường trong nỗ lực kiềm chế và hạ nhiệt những lo lắng gần đây về lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc  PBoC sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách của mình, bao gồm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất để dẫn dòng tiền và tăng trưởng tín dụng trở về mức ổn định, Phó Thống đốc PBoC Hu Xiaolian cho biết.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới khoảng 6,88 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong mười tháng đầu năm nay, chiếm khoảng 90% mục tiêu tín dụng của quốc gia dù vẫn còn hai tháng còn lại của năm 2010.

Bà Hu Xiaolian cũng thừa nhận giữ hoạt động tín dụng nằm trong mục tiêu 7,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ được đề ra đầu năm là thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tiền tệ khi hoạt động cho vay tiếp tục tăng trong những tháng gần đây do nhu cầu tín dụng lớn trong nội địa.

Các nhà kinh tế học nhận định cuộc chiến chống lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm sau và thị trường đang chờ đợi chính sách và mức độ quyết liệt của chính phủ trong những tháng tiếp theo.