Kinh tế Đức hưởng lợi nhiều nhất từ QE của châu Âu
(Tài chính) Cho dù đang bị bao phủ bởi những đám mây u ám của khủng hoảng nợ Hy Lạp và căng thẳng với Nga, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm xuống và lòng tin đang tăng lên ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nội dung nổi bật:
- Các chỉ số kinh tế của Đức đều cho thấy những dấu hiệu tích cực: chỉ số niềm tin kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư tăng 8 tháng liên tiếp, niềm tin tiêu dùng cao kỷ lục
- QE khiến euro yếu đi và Đức là một trong những nền kinh tế có xuất khẩu nhạy cảm với đồng nội tệ nhất ở châu Âu
Ở Đức, các ngành từ sản xuất đến dịch vụ đều cải thiện đáng kể và tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm nay.
Một phần nguyên nhân nằm ở chỗ Đức là một nền kinh tế khá khỏe mạnh bị “khóa chặt” trong một liên minh tiền tệ gồm nhiều nước yếu hơn đang đe dọa phá vỡ khối liên minh này. Chính thể trạng yếu ớt của toàn khu vực đã hối thúc NHTW châu Âu (ECB) triển khai chương trình kích thích trị giá 1.100 tỷ euro (tương đương 1.200 tỷ USD) – chương trình khiến chi phí đi vay và đồng euro giảm giá mạnh, tạo lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu Đức.
Trong tuần này, Đức sẽ công bố nhiều số liệu kinh tế. Theo dự báo của các nhà kinh tế học tham gia khảo sát của Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi tỷ lệ lạm phát quay trở lại mức trên 0%.
Cả hai chỉ số niềm tin kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư Đức đều đã tăng 8 tháng liên tiếp. Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở mức cao kỷ lục.
Cũng theo dự đoán của các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay, vượt trội so với mức 0,9% của Pháp, 0,5% của Italy và 1,3% của toàn khu vực.
Chỉ số DAX của TTCK Đức đã tăng 21% kể từ đầu năm đến nay, vượt mức trung bình 15% của chỉ số Stoxx Europe 600. Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Volkswagen và công ty hóa chất BASF đều đã tăng khoảng 32%.
Nước Đức đã sớm triển khai các biện pháp cải cách thị trường lao động và do đó cũng sớm được hưởng lợi từ đà hồi phục của eurozone. Bên cạnh đó, dù các nhà hoạch định chính sách của Đức phản đối chương trình QE, rõ ràng đây là một “liều thuốc kích thích” cho nền kinh tế Đức ngoài chuyện giá dầu giảm.
Một trong những hệ quả của chương trình nới lỏng định lượng hay các biện pháp khác như cắt giảm lãi suất và hạ chi phí đi vay là đồng euro yếu hơn. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm hơn 20% kể từ khi chạm mốc 1,40 USD đổi 1 euro hồi tháng 5.
Các chuyên gia đến từ Citigroup cho rằng Đức cùng với Phần Lan, Ireland và Hà Lan hiện có vị thế tốt nhất để hưởng lợi từ đồng euro yếu hơn bởi đây là những nền kinh tế mở nhất và tăng trưởng xuất khẩu nhạy cảm nhất với biến động của đồng nội tệ.
Dẫu vậy, kinh tế Đức vẫn phải đối mặt với những rủi ro. Sự trì trệ của các nền kinh tế khác trong khu vực có thể làm sụt giảm nhu cầu ở thị trường lớn nhất của Đức. Hy Lạp là nhân tố quan trọng nhất đối với tương lai của Eurozone. Xung đột ở Ukraine là một mối đe dọa khác.
Tuy nhiên, Đức vẫn có thể lạc quan vì với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục 6,5%, lực cầu nội địa sẽ được duy trì. Số người Đức không có việc làm có thể giảm xuống mức 12.000 người trong tháng 3.
Từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 1 vừa qua, doanh số bán lẻ của Đức tăng trưởng gần 6%, qua đó đánh dấu 4 tháng tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là do chính sách lãi suất thấp của ECB đang tác động đến người tiêu dùng Đức.